Hải Phòng tập trung nguồn lực đầu tư mạnh mẽ vào 3 trụ cột kinh tế

Admin
Thực hiện Nghị quyết XIII của Trung ương Đảng, cũng đồng thời thực hiện Nghị quyết XVI của Đảng bộ TP.Hải Phòng đã có chương trình hành động cụ thể với mục tiêu đưa Hải Phòng ngày càng phát triển, trở thành thành phố công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

 Phối cảnh cầu Rào 2 (Hải Phòng) đang được xây dựng. Ảnh: MC

Dự kiến xây gần 100 cầu trong thời gian tới

Để thực hiện, đưa Nghị quyết XIII của Trung ương Đảng vào cuộc sống, cũng như thực hiện Nghị quyết của XVI của Đảng bộ TP.Hải Phòng, Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra chương trình hành động cụ thể nhằm thực hiện các mục tiêu đưa Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2025, trở thành thành phố công nghiệp hiện đạo, văn minh, bền vững vào năm 2030.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hải Phòng đã có những dấu ấn nổi bật với sự phát triển toàn diện, mạnh mẽ trong cả kinh tế và xã hội, mà đột phá là việc đầu tư gần 44.000 tỉ đồng vào hạ tầng giao thông với 46 cây cầu và hàng trăm kilomet đường được xây mới. Hàng loạt công trình nghìn tỉ đồng hiện diện, trở thành biểu tượng mới cho sự phát triển của thành phố như cầu Hoàng Văn Thụ, tuyến đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, nút giao thông Nam Cầu Bính, các dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện. Nhiều khách sạn cao cấp, nghỉ dưỡng, các công trình văn hóa, lịch sử được đầu tư xây dựng…

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng hay các nghị quyết của HĐNDTP, Hải Phòng luôn xác định, muốn phát triển toàn diện thành phố vẫn phải tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có các công trình giao thông.

Tại cuộc họp với lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng mới đây, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành đã chỉ đạo ngành GTVT trong việc thực hiện các dự án, công trình đường bộ trên địa bàn thành phố để tạo bước phát triển đột phá cho thành phố.

Đại diện Sở GTVT Hải Phòng đề xuất: Trong năm 2021, TP.Hải Phòng dự kiến hoàn thành 5 cầu là: Cầu Rào, cầu Dinh, cầu Quang Thanh, cầu Tràng Kênh, cầu qua sông Đa Độ, đồng thời dự kiến sẽ khởi công 19 cầu (bao gồm cả một số cầu đã được động thổ trong năm 2020).

TP.Hải Phòng cũng dự kiến thông qua HĐNDTP thực hiện 57 cầu trong năm 2021 gồm: 3 cầu kết nối vùng là cầu Lại Xuân qua sông Đá Bạc nối Thủy Nguyên (Hải Phòng) với Đông Triều (Quảng Ninh); cầu Nghìn 2 qua sông Hóa nối với Dự án BOT từ thành phố Thái Bình - cầu Nghìn; cầu Lô Đông qua sông Hóa nối xã Vĩnh Long (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) và xã An Khê (Quỳnh Phụ, Thái Bình); 7 cầu qua sông kết nối các quận, huyện; 41 cầu trong các quận, huyện; 5 nút giao khác mức; 1 cầu trên vành đai 2 và vành đai 3.

Cùng với đó, trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025, Hải Phòng tiếp tục dự kiến đề xuất, thông qua HĐNDTP xây dựng thêm 29 cầu, gồm: 2 cầu kết nối vùng (cầu qua sông Hóa nối xã Vinh Phong (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) và xã Thụy Ninh (Thái Thụy, Thái Bình); cầu qua sông Hóa nối xã Hiệp Hòa (Vĩnh Bảo) nối với Khu di tích Đền A Sào, xã An Thái (Quỳnh Phụ, Thái Bình); 6 cầu qua sông kết nối các quận, huyện; 8 cầu trong các quận, huyện; 7 nút giao khác mức; 6 cầu trên vành đai 2 và vành đai 3.

Thực hiện một loạt công trình trọng điểm khác

Theo Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành: Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố đã xác định rõ tầm quan trọng cũng như giải pháp để xây dựng thành phố là tập trung cao xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố sẽ tiếp tục tập trung cao cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vì vậy cần tập trung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như nguồn lực để thực hiện.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng cũng đã đồng ý với danh mục 25 dự án trọng điểm năm 2021 của thành phố. Đây là những dự án thực hiện các giải pháp đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, có ý nghĩa chiến lược liên kết vùng, tạo động lực chuyển biến thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố.

Trong số này, những dự án thực hiện từ vốn ngân sách thành phố gồm: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bắc Sông Cấm; dự án xây dựng các công trình kiến trúc Khu đô thị Bắc Sông Cấm giai đoạn 1, tuyến đường Đông Khê 2, Dự án xây dựng chung cư HH1, HH2; dự án chỉnh trang sông Tam Bạc…

Các dự án thực hiện từ vốn ngoài ngoài ngân sách như Cảng số 3, 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Nhà ga hành khách số 2 cảng hàng không Cát Bi; Khu đô thị Hoàng Huy trên địa bàn huyện Thủy Nguyên; đầu tư cơ sở kết cấu hạ tầng các Khu công nghiệp Nam Tràng Cát, KCN Tràng Duệ và KCN Thủy Nguyên…

Trả lời PV Lao Động trước đó, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hải Phòng Đỗ Mạnh Hiến nhấn mạnh: Những nội dung chính được Chương trình hành động của BCH Đảng bộ Hải Phòng đề ra để thực hiện các Nghị quyết của Đảng gồm: Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển. Huy động tối đa nguồn lực xã hội để tập trung đầu tư mạnh mẽ vào 3 trụ cột kinh tế: Công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Thành phố cũng chú trọng các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển văn hóa xã hội với mục tiêu đưa Hải Phòng trở thành trung tâm GD-ĐT và y tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ; Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hải Phòng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thành phố và đất nước.

Tác giả: HOÀNG HOAN

Nguồn tin: Báo Lao động