Hải Phòng than khó khi bị dừng thanh toán bằng hình thức BT

Admin
Theo quyết định về việc tạm dừng thanh toán cho các dự án BT, UBND TP. Hải Phòng bị phạt, mức phạt hợp đồng tương ứng lãi suất 7,8%/năm - lãnh đạo TP. nói tại Hội nghị sáng 28/12.

Sáng 28/12, Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương diễn ra. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có mặt và phát biểu chỉ đạo.

Đây là lần thứ hai cuộc họp Chính phủ đón Tổng bí thư đến dự. Hội nghị với 63 địa phương nhằm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2018, Việt Nam có mức tăng trưởng GDP đạt kỷ lục 10 năm khi trở lại mốc tăng trưởng trên 7%. Nhiều kỷ lục khác cũng được xác lập, như về dự trữ ngoại hối, xuất khẩu, xuất siêu…

 

Theo Tổng cục Thống kê, dù tăng trưởng cao, Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô với việc giữ được mục tiêu CPI, thâm hụt ngân sách giảm, thị trường chứng khoán ổn định.

So với đầu nhiệm kỳ, quy mô nền kinh tế gấp 1,3 lần, GDP bình quân đầu người tăng 440 USD.

 

2019 - năm của 'bứt phá'

Triển khai nhiệm vụ năm 2019, Chính phủ đã xác định tinh thần "bứt phá", dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, hành động, phục vụ nhân dân.

Chính phủ cũng đã xác định các nhóm giải pháp lớn cho năm 2019 gồm: Tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược; tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Chính phủ cũng coi trọng phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên, môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin và khát vọng dân tộc.

'Không thể đổ lỗi cho cơ chế chính sách'

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng năm 2018 đã có những khó khăn rất lớn không nằm trong kịch bản, nhưng Chính phủ đã vượt qua hành trình gian truân này. Điển hình như năm 2016 có đợt khô hạn lớn nhất thế kỷ, thì năm qua, ngành nông nghiệp đã lần đầu tiên đạt thành tích xuất khẩu trên 40 tỷ USD.

Nền kinh tế đã đạt được mức tăng trưởng cao nhất từ 2007 đến nay, lần đầu vượt lên 7%. Xuất siêu kỷ lục năm 7,7 tỷ USD, gấp hơn 3 lần kỷ lục năm ngoái. Tăng trưởng xuất khẩu của khu vực tư nhân trong nước đạt 17%, cao hơn khu vực FDI là 14%.

Ông cho rằng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chúng ta vẫn có 2 năm “vàng son” liên tiếp trong thành tích xuất siêu. Ngoài ra, chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện rõ nét, cải thiện năng suất, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14%, công nghiệp khai khoáng giảm 14%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh tinh thần của hội nghị hôm nay không chỉ là tổng kết năm 2018, không chỉ là đề ra nhiệm vụ cho năm tới, mà còn là để soi chiếu từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Ông cho rằng kết quả của 2018 phản ánh chính sách, hành động khi bắt đầu nghiệm kỳ đến nay và kế thừa thành quả từ trước đó. Kết quả chưa đạt năm qua được phản ánh vấn đề của cả quá trình.

“Những gì chưa đạt được cũng phản ánh hạn chế, yếu kém của cả quá trình, đòi hỏi chúng ta phải xem xét một cách khách quan, tổng thể, có hệ thống”, ông nói.

Thủ tướng cho rằng cần tìm cách khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển. Khắc phục hạn chế, trì trệ trong việc xây dựng cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện. Ông cho rằng không thể đổ lỗi cho cơ chế chính sách vì mọi cơ chế chính sách đều do cán bộ công chức làm ra. Do hạn chế về tư duy, tầm nhìn, trong việc thực hiện và quản lý. Cũng cần khắc phục các chỉ số mà Việt Nam bị xếp hạng thấp như thủ tục phá sản, nộp thuế, thương mại qua biên giới, bảo vệ nhà đầu tư…. Ngoài ra những rào cản làm khu vực kinh tế tư nhân không thể phát triển được, kinh tế hộ khó thành doanh nghiệp, doanh nghiệp khó ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Đào tạo lao động cho năm 2019 và giai đoạn tới trong kỷ nguyên số. Tháo gỡ vướng mắc đầu tư công cả trung ương và địa phương.

Ông cũng lưu ý công tác phòng chống thiên tai. Ngoài ra cần tiếp tục thực hiện đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Năm 2019, cả hệ thống phải chuyển động, cơ bản giải quyết tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Phương châm của Chính phủ năm tới gồm 12 chữ là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.

 

Mục tiêu tăng trưởng GDP 2019 là 6,8%

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ trình bày Nghị quyết dự thảo nghị quyết 01/2019 của Chính phủ.

Năm 2019, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,8%.

Theo đó kịch bản cụ thể từng quý tương ứng là: quý I là 6,93%; quý II là 6,7%; quý III là 7,03% và quý IV là 6,63%.

Ngành nông nghiệp mục tiêu tăng trưởng 3%; khu vực công nghiệp tăng trưởng 8,57%; khu vực xây dựng là 6,83%.

 

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, để thực hiện mục tiêu tổng quát, các trọng tâm chỉ đạo điều hành và các chỉ tiêu trong năm 2019, dự thảo Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 45 nhiệm vụ, giải pháp và 188 nhiệm vụ cụ thể.

Thứ nhất, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ hai, thực hiện quyết liệt các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Thứ ba, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thứ tư, phát huy nguồn lực tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ năm, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gồm 2 nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ sáu, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thứ bảy, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Thứ tám, đẩy mạnh thông tin và truyền thông; tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể.

Cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia

Trình bày NQ 02 về tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (trước đây là NQ 19), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Nghị quyết bắt đầu sử dụng các bảng xếp hạng liên quan đến môi trường kinh doanh.

Sau 3 năm, nhờ thực hiện Nghị quyết 19, nhiều giải pháp tổng thể, Việt Nam đã có sự cải thiện đáng mừng. Đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 13 bậc, mức độ thực hiện dịch vụ công điện tử của người dân tăng 29 bậc, khởi sự kinh doanh tăng 17 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 14 bậc,… Hơn 50% doanh nghiệp đã đánh giá môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn đáng kể.

Mặc dù vậy, xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam mới chỉ đạt mức trung bình khá trên bình diện quốc tế, chưa vào nhóm 4 nước dẫn đầu ở ASEAN. Bên cạnh một số chỉ số cải thiện nhanh vẫn còn nhiều chỉ số cải thiện chậm.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết điểm mới trong nghị quyết năm nay là thanh toán điện tử gắn với dịch vụ công trực tuyến. Công việc thanh toán điện tử đã nói từ nhiều năm, thực tế chuyển biến rất chậm. Việc này không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn liên quan đến minh bạch, chống tham nhũng. Tỷ lệ thanh toán tiền mặt ở nước ta hiện nay trên tổng mức thanh toán là thấp nhất so vs các nước trong khu vực.

Điểm mới tiếp theo là chúng ta tập trung hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trên tinh thần doanh nghiệp là trung tâm. Phải cổ vũ cho sáng tạo. Đặc biệt Làm chủ công nghệ ngoại nhập và tham gia phát triển.

Hải Phòng than khó khi bị dừng thanh toán bằng hình thức BT

Phát biểu tham luận, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đề nghị một số vướng mắc liên quan đến việc thanh toán tài sản công cho các dự án theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT). Theo ông Tùng, TP. Hải Phòng đã ký hợp đồng với một số nhà đầu tư BT, để triển khai một số dự án trên địa bàn. Các dự án án đó đã có khối lượng xây dựng hoàn thành khá lớn. Thành phố cũng đã chuẩn bị đất đai để thanh toán. Tuy nhiên, theo quyết định của Bộ Tài chính về việc tạm dừng thanh toán cho các dự án BT, do đó UBND TP. Hải Phòng bị phạt do không thể thanh toán. Mức phạt hợp đồng tương ứng lãi suất 7,8%/năm.

“Do không được thanh toán, nhà đầu tư BT cũng xây dựng công trình tốc độ rất chậm, ảnh hưởng sự phát triển của thành phố. Hải Phòng đề nghị Chính phủ sớm quan tâm chỉ đạo cho địa phương và các địa phương khác”, Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng đề xuất.

Cần Thơ muốn gỡ vướng mắc để hoàn thành cao tốc Trung Lương

Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo TP Cần Thơ cho biết năm 2018 TP tăng trưởng khá trên nhiều ngành lĩnh vực. TP đã hoàn thành đạt và vượt 12/13 chỉ tiêu KT-XH. Về kinh tế có tín hiệu phát triển tích cực. Khoa học công nghệ, năng xuất lao động có bước phát triển rõ ràng. Phát triển không chỉ dựa vào vốn và đầu tư.

TP còn nhiều khó khăn trong việc huy động, sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế, quản lý sử dụng đất đai chưa hiệu quả. Tình hình sạt lở, tai nạn giao thông còn phức tạp.

Năm 2019 địa phương xác định tập trung cải cách hành chính, tập trung đầu tư phát triển, nâng cao đời sống người dân; thực hiện 2 đề án sắp xếp bộ máy Nhà nước của TP. Tạo thuận lợi thúc đẩy các dự án, tập trung hoàn thành dứt điểm xây dựng nông thôn mới. Giải quyết hiệu quả vấn đề việc làm, thu nhập cho người dân, đảm bảo công tác an ninh, an toàn, phát triển văn hóa tinh thần của nhân dân.

3 kiến nghị của Cần Thơ:

Về quy hoạch, Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn để TP triển khai công tác quy hoạch.

Về xã hội, TP đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ cho Cần Thơ được sớm triển khai dự án bệnh viện Ung Bướư Cần thơ sử dụng vốn vay ODA. Đây là dự án kéo dài, gây nhiều bức xúc.

Ba là, Chính phủ sớm tháo gỡ vướng mắc, triển khai hoàn thành cao tốc Trung Lương, tổ chức nạo vét luồng lạch để khai thác hiệu quả cảng số 6.