Hải Phòng thí điểm thành lập tổ chăm sóc tại cộng đồng phòng chống dịch

Admin
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đồng ý phương án tổ chức thí điểm tổ chăm sóc tại cộng đồng ở các quận, huyện có số ca mắc Covid-19 cao.

Chiều 14/2, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố chủ trì Hội nghị về công tác phòng chống dịch Covid-19 với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.

Thành lập Tổ chăm sóc tại cộng đồng

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đánh giá số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố tăng cao hơn so với trước Tết Nguyên đán, đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung cao hơn nữa cho công tác phòng chống dịch, trong đó tập trung công tác tuyên truyền, để người dân không chủ quan, hoang mang, đặc biệt đối với việc tự ý sử dụng thuốc, gây nhiều tác dụng phụ.

 

 Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố phát biểu

Đối với những người đến cơ quan làm việc, học sinh đến trường học, thì F0 được ở nhà điều trị, F1 xét nghiệm âm tính được tiếp tục làm việc, học tập bình thường. Tất cả các nhà trường mở cửa đón học sinh, trường nào học bán trú vẫn phải tổ chức bán trú bình thường.

TP Hải Phòng quyết định không mở thêm trạm y tế lưu động, tuy nhiên tăng thêm nhân lực, vật lực cho các trạm này.

Thành phố cũng huy động sinh viên trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Cao đẳng Y Hải Phòng, Đại học Hải Phòng từ ngày 16/2 đến ngày 16/3 để hỗ trợ các trạm y tế lưu động tại các địa phương có số ca mắc cao, có hỗ trợ kinh phí, giao Sở Y tế bố trí thời gian phù hợp để các cháu tiếp tục duy trì việc học tập tại trường.

Đối với việc thành lập tổ chăm sóc tại cộng đồng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đồng ý phương án tổ chức thí điểm tại các địa phương có số ca mắc cao như tại các quận, huyện: An Dương, Hải An, Ngô Quyền. Mỗi quận huyện từ 5-6 tổ, mỗi tổ từ 5-6 người, có hỗ trợ kinh phí, lựa chọn lực lượng trẻ, nhanh nhẹn, có sức khỏe để tham gia.

Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 các xã, phường sẽ hoạt động chung địa điểm với trạm y tế lưu động, thực hiện nghiêm túc theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

TP Hải Phòng phải chuẩn bị lực lượng sẵn sàng nhân lực điều trị tại tầng 2, có kế hoạch chuẩn bị lực lượng nhân sự từ các bệnh viện khác về Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp, từ các khoa khác sang khu vực điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng. Thành phố sẽ tích cực xin phân bổ thuốc điều trị từ Bộ Y tế.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu ngành Y tế chỉ đạo thanh tra việc các quầy bán thuốc điều trị Covid-19 không đúng theo quy định. Lãnh đạo thành phố khuyến khích người dân tự mua kit thử, thử và khai báo khi có kết quả dương tính với chính quyền địa phương.

Khởi động ATM Oxy hỗ trợ bệnh nhân Covid-19

Liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hải Phòng, ngày 14/2, Thành đoàn Hải Phòng đã phối hợp với Hội doanh nhân trẻ Việt Nam khởi động mô hình ATM Oxy nhằm hỗ trợ bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại nhà.

Tại chương trình khởi động, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã chuyển giao mô hình ATM Oxy và hỗ trợ các trang thiết bị bao gồm: 1 Trạm nạp oxy được đặt tại Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền, 500 bình Oxy 8 lít, 300 đồng hồ đo, 4 máy lọc oxy loại 10 lít, 200 bộ chia Oxy cho Thành đoàn Hải Phòng, Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng.

 

 Lãnh đạo Thành đoàn Hải Phòng tiếp nhận mô hình ATM Oxy

Cùng với đó, Thành đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên TP Hải Phòng trao tặng đồ bảo hộ y tế cho các đội hình thanh niên tình nguyện tham gia thực hiện mô hình tại 3 đơn vị quận Hồng Bàng, quận Lê Chân và huyện Thủy Nguyên.

Thành đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên TP Hải Phòng - Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng cùng Sở Y tế Hải Phòng cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn Đoàn Thanh niên các quận, huyện thành lập các trạm ATM Oxy ở từng xã, phường và tiến hành tập huấn quy trình, cách thức vận hành đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Hằng ngày, dưới sự chỉ định của ngành y tế địa phương và trạm y tế lưu động tại các xã, phường, đoàn viên thanh niên sẽ tiến hành vận chuyển các bình oxy đã được nạp đầy đến tận nhà các F0 và thu gom vỏ bình về địa điểm tập kết, sau đó phối hợp đơn vị vận chuyển vỏ bình đến trạm nạp và đưa các bình được nạp lại về các trạm y tế lưu động.

Giai đoạn đầu, mô hình sẽ được triển khai thí điểm trên địa bàn quận Hồng Bàng, quận Lê Chân và huyện Thủy Nguyên.

Với tinh thần quyết tâm của tuổi trẻ Hải Phòng, Thành đoàn Hải Phòng kỳ vọng mô hình này sẽ được triển khai hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Qua đó, tham gia tích cực vào nhiệm vụ phòng chống dịch tại Hải Phòng, mở rộng mô hình ATM Oxy tới tất cả các quận, huyện khác trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, tính đến ngày 13/2/2022, Hải Phòng ghi nhận 68.091 ca nhiễm Covid-19; đến nay có 35.558 ca hồi phục xuất viện; 110 ca tử vong (chiếm 0,16%); 32.423 ca đang điều trị, trong đó 31.032 ca điều trị tại nhà (chiếm 95,7%), 1.391 ca điều trị tại cơ sở y tế (chiếm 4,3%).

Theo Sở Giáo dục và đào tạo Hải Phòng cho biết, tính đến 11h30 ngày 14/2, ngành Giáo dục và đào tạo thành phố có tổng số 22.652 ca mắc, gồm 1.288 giáo viên, 21.364 học sinh. Trong đó, có 6.104 ca chưa tiêm vắc xin. Chưa ghi nhận ca bệnh chuyển biến xấu, chuyển biến nặng, chủ yếu có biểu hiện nhẹ. Hiện nay, tỷ lệ học sinh đến trường ở cấp mầm non là 15%, tiểu học 28%, THCS 43%, tổng các cấp học là 27% (chưa bao gồm cấp THPT).

Tác giả: Nhóm PV miền Bắc

Nguồn tin: Báo Giao thông