Hải Phòng triển khai kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Admin
TP Hải Phòng đã hoàn thành phương án tổng thể và ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025 để trình Bộ Nội vụ xem xét, phê duyệt. Việc xây dựng phương án tổng thể tuân thủ nguyên tắc dân chủ, khách quan, cụ thể và kịp thời.

Sau sắp xếp, thành phố còn 167 đơn vị cấp xã

Theo lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, mục tiêu của công tác sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã nhằm đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền cơ sở, phù hợp phát triển của thành phố trong giai đoạn tới, được triển khai theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và xã giai đoạn 2023 – 2030 và Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 – 2025.

 UBND xã An Hòa (huyện Vĩnh Bảo) là một trong những xã sẽ thực hiện sáp nhập theo kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính của TP Hải Phòng.

Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025 và ban hành Chỉ thị số 24 về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030. Ban Chỉ đạo ban hành kế hoạch triển khai thực hiện sắp xếp, phân công nhiệm vụ các thành viên, thành lập Tổ giúp việc…

Trên cơ sở đó, UBND TP Hải Phòng đã giao các Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Chỉ huy quân sự và Công an thành phố rà soát số liệu, hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã…

Hiện trên địa bàn TP Hải Phòng có 15 quận, huyện với tổng số 217 xã, phường, thị trấn. Bước đầu xác định, trong 82 đơn vị thực hiện sắp xếp có 41 đơn vị hành chính (thuộc 9 quận, huyện) không bảo đảm tiêu chuẩn diện tích và dân số, 27 đơn vị hành chính khuyến khích thực hiện sắp xếp và 14 đơn vị hành chính cấp xã liền kề có liên quan đến sắp xếp. Ngoài ra, 8 đơn vị hành chính trọng yếu quốc phòng thuộc các trường hợp không bắt buộc sắp xếp.

Qua rà soát của các địa phương, không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp, còn lại có 82/217 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp, để thành lập 32 đơn vị. Dự kiến, sau sắp xếp, trên địa bàn thành phố còn 167 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 79 phường, 7 thị trấn và 81 xã), giảm 50 đơn vị (tăng 13 phường, giảm 3 thị trấn và giảm 60 xã). Nguyên nhân số phường tăng là do cùng thời điểm này, TP cũng triển khai thực hiện các Đề án: Thành lập TP trực thuộc tại huyện Thủy Nguyên, thành lập quận An Dương và điều chỉnh địa giới để mở rộng quận Hồng Bàng.

Theo bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Sở Nội vụ Hải Phòng, ngoài căn cứ tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, quy mô dân số, Sở tham mưu UBND Thành phố phương án có cân nhắc kỹ yếu tố đặc thù lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, phong tục, tập quán, cộng đồng dân cư và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với khối lượng công việc lớn, quá trình sắp xếp, sáp nhập cần sự quyết tâm cao của các cấp chính quyền và sự đồng thuận, ủng hộ từ người dân.

Bảo đảm ổn định hoạt động của hệ thống

Ông Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng thôn Nhân Trai, xã Đại Hà (huyện Kiến Thụy) chia sẻ, người dân rất đồng thuận với chủ trương sáp nhập, tuy nhiên giai đoạn đầu sắp xếp không tránh khỏi những xáo trộn. Bên cạnh đó, người dân cũng mất thêm thời gian thực hiện chuyển đổi một số giấy tờ có liên quan từ đơn vị hành chính cũ sang đơn vị hành chính mới. Do đó, mong chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan có phương án hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục chuyển đổi.

Cũng liên quan đến quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính của TP Hải Phòng, ông Uông Minh Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết, UBND huyện giao Phòng Nội vụ huyện căn cứ chỉ đạo của thành phố phối hợp với các ban, ngành liên quan đề xuất sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động tại đơn vị hành chính mới; hướng dẫn giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị quyết số 18/2022 của HĐND TP Hải Phòng về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về cơ chế chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Theo Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, bám sát phương án tổng thể và kế hoạch đã ban hành về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025 của UBND TP Hải Phòng, hiện các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đang thể hiện quyết tâm cao, phấn đấu thực hiện bảo đa lộ trình, trong năm 2024, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người lao động, xử lý trụ sở, tài sản công, thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới… của cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính thuộc diện thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng cho biết, UBND Thành phố đã yêu cầu người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn thành phố coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong 2 năm 2023, 2024 và các năm tiếp theo. Kết quả thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu.

Đồng thời, đối với các địa phương có xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập cần bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hợp lý, khoa học, bảo đảm đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả, nhận được sự ủng hộ của người dân.

Tác giả: Văn Minh

Nguồn tin: Báo Công an Nhân dân