Hải Phòng và '3 mũi tiến công' sau đại dịch

Admin
Hải Phòng tập trung đổi mới cơ cấu nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: Công nghiệp công nghệ cao, Cảng biển - Logistics, Du lịch - Thương mại.

Trả lời VTC News, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đang chuẩn bị kế hoạch, giải pháp mạnh mẽ để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.

 Ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng

- Hải Phòng vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 thế nào, thưa ông?

Trong năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hơn, tác động mạnh hơn đến đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng.

Thành phố đẩy nhanh truy vết và xét nghiệm đối với các trường hợp liên quan đến ca dương tính COVID-19; quản lý chặt chẽ số người nghi nhiễm; thiết lập vùng cách ly y tế những địa điểm liên quan đến ca dương tính COVID-19 ngoài cộng đồng; xét nghiệm diện rộng các đối tượng có nguy cơ cao; tích cực triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 với tinh thần “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.

 Năm 2021, Hải Phòng đã triển khai nhiều biện pháp mạnh trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

- Hải Phòng đưa giải pháp gì để tiếp tục duy trì đà phát triển trong năm 2022 và những năm tiếp theo?

Bước vào giai đoạn bình thường mới, Hải Phòng xác định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe Nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng chống dịch COVID-19.

Thành phố tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: Công nghiệp công nghệ cao, Cảng biển - Logistics, Du lịch - Thương mại; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp nhằm sớm đưa vào hoạt động trong năm 2022, tạo thêm năng lực sản xuất và sản phẩm mới cho nền kinh tế.

 

Thành phố tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: Công nghiệp công nghệ cao, Cảng biển - Logistics, Du lịch - Thương mại

Ông Nguyễn Văn Tùng

Thành phố sẽ tiếp tục tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, quỹ đất để thu hút ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, các dự án công nghiệp quy mô lớn có công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách; khởi công dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, 4, 5, 6 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Hải Phòng sẽ mở rộng phạm vi, thu hút nguồn lực, đầu tư phát triển mạnh các loại hình, sản phẩm du lịch, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển 3 sản phẩm du lịch cốt lõi: du lịch biển đảo, du lịch thể thao và du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Thành phố tập trung chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng; phấn đấu khởi công Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa và Nhà ga hành khách số 2 Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi trong quý I/2022.

Hải Phòng cũng sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng, nền tảng, dịch vụ dùng chung; xây dựng và phát triển Chính quyền số.

Đặc biệt, trong năm 2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng. Trong giai đoạn tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, nhằm đưa Hải Phòng phát triển bứt phá, trở thành động lực tăng trưởng của cả nước.

 Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng (thứ 2 bên phải) đang giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác khảo sát tại Cảng Container quốc tế Lạch Huyện ngày 19/12/2021.

- Là thành phố với hàng loạt khu công nghiệp lớn, hàng chục vạn công nhân, nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc, những quyết sách vừa đảm bảo cho các doanh nghiệp yên tâm duy trì và phát triển sản xuất sau đại dịch, vừa tiếp tục thu hút đầu tư, phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Hải Phòng?

Thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hải Phòng. Năm 2021, mặc dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng dòng vốn đầu tư vào Hải Phòng không bị gián đoạn.

Nhiều dự án lớn được cấp phép, đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp đều đang duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh. Số nộp ngân sách của khối doanh nghiệp vẫn có xu hướng tăng. Trong 11 tháng năm 2021, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nộp xấp xỉ 4.500 tỷ đồng, tăng gần 30%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh nộp xấp xỉ 8.500 tỷ đồng, tăng gần 65% so với cùng kỳ năm 2020.

Rút kinh nghiệm từ các địa phương khác, Hải Phòng luôn đặt các doanh nghiệp và địa phương liên quan trong trạng thái nỗ lực cao nhất, quyết tâm giữ vùng xanh an toàn trước dịch bệnh để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Công tác phòng chống dịch được thành phố triển khai quyết liệt, hiệu quả. Chống dịch đa tầng, đa lớp; luôn chủ động “nâng cao một bước, đi trước một bước”; kịp thời chỉ đạo, thực hiện các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, phản ứng nhanh khi có tình huống phức tạp phát sinh.

Cùng với nỗ lực phòng chống dịch COVID-19, Hải Phòng tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng được tập trung đầu tư. Các công trình hạ tầng giao thông mới, quan trọng được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả kinh tế xã hội.

Thành phố sẽ quyết liệt triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ kích thích phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, như tăng cường kết nối nhu cầu đầu tư, hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, với doanh nghiệp địa phương khác.

Hải Phòng cũng sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số, thương mại điện tử; hỗ trợ, tư vấn pháp luật, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…

 Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng.

 - Dự báo bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội của Hải Phòng năm 2022 thế nào, thưa ông?

Năm 2022, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch COVID-19 có thể còn kéo dài, xuất hiện các biến thể mới. Thế giới và nước ta phải chấp nhận sống chung lâu dài với dịch bệnh.

Đối với Hải Phòng, sự ổn định trong phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cải thiện, cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Hải Phòng sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột nêu trên; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp duy trì hoạt động và phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Hải Phòng cũng sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân...

Trên cơ sở đó, Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 13% trở lên so với năm 2021, là mức tăng trưởng cao so với cả nước và các địa phương khác; thu hút FDI từ 2,5 - 3,0 tỷ USD. Chủ đề năm của Thành phố là: “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.

 Hải Phòng sẽ triển khai một số chính sách hỗ trợ phục hồi ngành du lịch như tuyên truyền du lịch Hải Phòng với thông điệp “Hải Phòng - điểm đến an toàn, tin cậy”

- Bên cạnh cảng biển, khu công nghiệp, du lịch đã và đang là lợi thế phát triển kinh tế - xã hội. Hải Phòng sẽ đưa ra những giải pháp để ngành Du lịch hồi sinh sau đại dịch?

Du lịch - Thương mại là một trong ba trụ cột chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tuy nhiên, năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ước tính du lịch Hải Phòng chỉ đón và phục vụ được 3,67 triệu lượt khách, đạt 44,5% kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế là 40,73 nghìn lượt, chủ yếu là chuyên gia, doanh nhân làm việc tại Hải Phòng.

Để khôi phục kinh tế du lịch hậu COVID-19, trong thời gian tới, Thành phố sẽ triển khai một số chính sách hỗ trợ phục hồi ngành du lịch như: Tuyên truyền du lịch Hải Phòng với thông điệp “Hải Phòng - Điểm đến an toàn, tin cậy”; phát triển du lịch linh hoạt, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch và tiêu chí an toàn du lịch là hàng đầu; khai thác các sản phẩm du lịch ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chúng tôi tổ chức các hoạt động, chuỗi sự kiện tạo hiệu ứng tích cực, thu hút khách du lịch đến với Hải Phòng như: Lễ hội Hoa Phượng đỏ, Lễ kỷ niệm Ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà, Liên hoan Du lịch Đồ Sơn… và các hội chợ, chương trình, sự kiện nhằm kích cầu du lịch và hỗ trợ doanh nghiệp sớm khôi phục thị trường.

 Thành phố đề xuất Chính phủ một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch.

Thành phố chỉ đạo giảm giá vé tham quan các danh lam thắng cảnh trên địa bàn; phát động chương trình kích cầu du lịch về giá và dịch vụ; liên kết với các hãng hàng không và các địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa… để trao đổi khách và xây dựng các tour du lịch trọn gói có mức giá hấp dẫn khách du lịch; Tiếp tục triển khai các gói kích cầu du lịch và kịp thời nắm bắt xu hướng thay đổi nhu cầu của khách du lịch về địa điểm gần, an toàn; Tập trung khai thác các loại hình du lịch có khả năng duy trì tốt như: Du lịch thể thao golf, nghỉ dưỡng, trải nghiệm...

Hải Phòng tiếp tục phối hợp với tỉnh Quảng Ninh hoàn thiện, thống nhất các quy định liên quan đến tiêu chí quản lý đối với vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà; xây dựng tài liệu Du lịch Hải Phòng gắn với Di sản Hạ Long - Cát Bà và các sản phẩm du lịch có lợi thế của Thành phố để quảng bá điểm đến, gắn với khai thác thị trường tiềm năng, lưu ý các yếu tố thay đổi của thị hiếu, điều kiện phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Thành phố giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đề xuất Chính phủ một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như miễn phí dịch vụ neo đậu tại cảng bến và miễn giảm các phí, lệ phí cảng bến đến hết năm 2022.

Với những kế hoạch, giải pháp mạnh mẽ cùng sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và các doanh nghiệp, Thành phố Cảng trung dũng quyết thắng sẽ cùng cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới, vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả: Minh Khang

Nguồn tin: Báo VTC