Sau cú huých Sabeco (SAB) rồi sự bùng nổ của cổ phiếu Vinamilk (VNM) của bà Mai Kiều Liên, nhóm cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã đóng góp rất lớn cho kỷ lục vừa xác lập trên thị trường chứng khoán.
Phiên giao dịch ngày 20/11/2017 đánh dấu một điểm mốc đáng nhớ trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau một thập kỷ ngụp lặn rớt giá, từ đỉnh cao 1.170,7 điểm hồi giữa tháng 3/2007 xuống thấp nhất 235,5 điểm hồi cuối tháng 2/2009, VN-Index đã tăng nhanh trở lại trong năm 2017 và đang dần lấy lại đỉnh cao lịch sử.
Nếu như đỉnh cao năm 2016 chỉ ghi nhận ở mức 658 điểm, thì năm 2017 TTCK chứng kiến hàng loạt các đỉnh cao mới được thiết lập: 750, 800, 850 và giờ đây là 900 điểm. VN-Index tăng vọt 12,86 điểm lên 903,55 điểm, chỉ còn thấp hơn chút ít so với mức 921,1 điểm hồi đầu năm 2008.
Trong vài tháng trước, ngưỡng 800 được hỗ trợ bởi các cổ phiếu lớn trên sàn như Sabeco (SAB), nhóm cổ phiếu ngân hàng… Ngưỡng 850 điểmđược hỗ trợ bởi Vinamilk (VNM) của bà Mai Kiều Liên thì ngưỡng 900 điểm đạt được nhờ nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Trong phiên giao dịch 20/11, chỉ số VN-Index dễ dàng vượt qua mốc 900 điểm nhờ bộ đôi cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup và VRE của CTCP Vincom Retail. Cả 2 cổ phiếu này tăng trần, trở thành đầu kéo chỉ số và tạo tâm lý hưng phấn trên thị trường.
|
Cổ phiếu Vingroup (VIC) tăng trần lên mức cao lịch sử 76.300 đồng/cp. Trong khi Vincom Retail (VRE ) tăng vọt lên 47.700 đồng/cp. Ở mức giá này, Vingroup có vốn hóa 201 ngàn tỷ đồng (8,8 tỷ USD), còn VRE có vốn hóa 91 ngàn tỷ đồng (4 tỷ USD). Tổng vốn hóa 2 doanh nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng đã lên tới 12,8 tỷ USD.
Quy mô vốn của Vingroup đã tăng gấp 2 lần trong vòng 6 tháng qua nhờ giá cổ phiếu tăng mạnh. VRE mới lên sàn hồi đầu tháng 11. Cổ phiếu VIC tăng giá là do giới đầu tư kỳ vọng về một loạt các dự án mới của ông Vượng như bán lẻ và ô tô. VIC là cổ đông lớn của VRE.
Trước đó, TTCK đã có một đợt tăng giá mạnh nhờ vào sức nóng đấu giá cổ phần Vinamilk (VNM) của bà Mai Kiều Liên. Tập đoàn Jardine Matheson của Hong Kong vừa đổ hơn 1 tỷ USD vào Vinamilk. Trước đó, sự kiện Bia Sài Gòn Sabeco (SAB) lên sàn cũng đã giúp TTCK tăng đột phá. Dòng vốn ngoại nhiều khả năng sẽ chảy mạnh vào các cổ phiếu mà Việt Nam sắp thoái vốn như Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Tiền Phong (NTP)… đang giúp TTCK tiếp tục bùng nổ.
Nhiều cổ phiếu lớn khác như GAS, Petrolimex (PLX), VietJet (VJC), Masan (MSN), FPT, BHN, Vietcombank (VCB)… đều tăng mạnh. Nhiều cổ phiếu lên mức giá cao kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày 20/11.
Nhóm cổ phiếu có quy mô vừa nhưng cơ bản tốt cũng tăng mạnh như: Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung), Khang Điền (KDH), PDR, FCM… đều tăng mạnh.
Theo SHS, TTCK đón thêm tín hiệu tốt sau khi VN-Index tăng điểm mạnh và vượt mốc tâm lý quan trọng 900 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền lại không thực sự có thể hiện tích cực. Biểu hiện rõ ràng nhất là việc thanh khoản sụt giảm với chỉ 3.710 tỷ đồng khớp lệnh trên HOSE và độ rộng thị trường cũng không thực sự tốt khi chỉ quanh quẩn ở mức trung tính với việc nhiều mã đã tăng trong tuần trước bị chốt lời khá. Việc hai sàn kết phiên trái chiều và nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng cho thấy rủi ro có vẻ đang tăng dần lên theo đà tăng của thị trường và rung lắc có thể xuất hiện trong phiên tới.
Theo BVSC, sau giai đoạn tăng điểm nóng, nhiều khả năng thị trường sẽ bước vào nhịp giảm điểm ngắn hạn để giải tỏa áp lực chốt lời trên toàn thị trường. Mặc dù vậy, khả năng giảm sốc của thị trường không được đánh giá cao, thay vào đó là nhịp điều chỉnh thoải với sự phân hóa cao giữa các nhóm ngành.
Theo FPTS, diễn biến thị trường vẫn tiếp tục xoay quanh câu chuyện “ thoái vốn” khi các Bluechips gồm SAB, VNM, FPT, BMP … cùng cặp đôi VIC, VRE đồng loạt tăng mạnh giúp thị trường có phiên bùng nổ điểm số. Tuy nhiên, điều này sẽ gây rủi ro đưa ra quyết định sai lầm nếu nhà đầu tư bị cuốn theo những dấu hiệu tích cực của chỉ số thị trường. Hành động giải ngân mua mới vào thời điểm này chỉ giành cho nhóm nhà đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro để tận dụng xu thế tăng giá.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/11, VN-index tăng 12,86 điểm lên 903,55 điểm; HNX-Index giảm 0,2 điểm xuống 108,11 điểm. Upcom-Index tăng 0,34 điểm lên 53,32 điểm. Thanh khoản đạt 225 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt gần 6,4 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.