Hàng loạt công trình tiền tỷ bị bỏ hoang ở huyện Tiên Lãng

Admin
Là huyện nằm ở phía Nam TP Hải Phòng, nhiều năm qua, huyện Tiên Lãng được quan tâm đầu tư nhiều công trình lớn. Tuy nhiên, trong thời gian dài những công trình này đã không được khai thác, sử dụng hiệu quả, dẫn đến hoang phí tài sản cũng như tài nguyên đất đai…

Vào năm 2001, Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Thành đoàn Hải Phòng được giao thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu kinh tế tại xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng). Đây là công trình phức hợp với nhiều hạng mục khác nhau. Trong đó, lớn nhất là hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện tích 126ha, được đầu tư gần 43 tỷ đồng.

 Hàng loạt công trình ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đang bị bỏ hoang.

Thời gian đầu, Dự án được tuyên truyền khá rầm rộ, việc triển khai cũng tấp nập nhắm tới mục tiêu tạo vùng nuôi tôm nguyên liệu tập trung, phục vụ chế biến xuất khẩu và thu hút lực lượng thanh niên chưa có việc làm đến lập nghiệp. Chính vì vậy, Dự án đã thu hút hàng trăm thanh niên các địa phương trong huyện Tiên Lãng cũng như một số vùng khác của Hải Phòng, lập thành khu dân cư mới được gọi là “Làng TNXP Vinh Quang”.

Cư dân xã Vinh Quang cũng hết sức vui mừng, tin tưởng rằng dự án sẽ góp phần làm thay da đổi thịt làng quê nghèo mặn mòi, hòa nhịp với công cuộc phát triển của TP Hải Phòng trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên đến nay sau 22 năm, dù nhiều hạng mục công trình của dự án đã được đầu tư, nhưng dự án đã không đi đến đích, trở thành quần thể hoang phế, dang dở, không thể khai thác sử dụng. Các công trình như Nhà điều hành, Nhà Văn hóa và công trình kỹ thuật khác của Liên đội TNXP Vinh Quang được đầu tư hàng chục tỷ đồng hiện chỉ là những căn nhà hoang, tường bong tróc mọc rêu xanh loang lổ, cửa chính đóng từ lâu đã hoen gỉ, các cánh cửa sổ rơi rụng, thành nơi chứa rác thải. Kể cả khu “Làng TNXP”, nơi có 20 căn hộ được xây dành cho các gia đình thuộc Tổng đội sinh sống, đến nay cũng chỉ còn 7 hộ lay lắt bám trụ.

Chị Vũ Thị Huệ, một cựu TNXP sống tại khu nhà này cho biết, do người ở không có quyền sử dụng đất nên trải qua năm tháng các căn nhà không được cải tạo, sửa chữa, đã xuống cấp nghiêm trọng. Đáng nói nữa là, nhiều TNXP quyết tâm bám trụ như chị Vũ Thị Huệ dù đã thành công dân xã Vinh Quang, nhưng do không có đất đai, tư liệu sản xuất, nên họ chấp nhận cuộc sống “cày thuê, cuốc mướn”. Còn lại phần lớn trong số họ đã buộc phải rời bỏ mục tiêu ban đầu, trở về quê cũ sinh sống.

Chủ tịch UBND xã Vinh Quang Phạm Minh Hải cho biết, xã đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan thẩm quyền, sớm có kế hoạch giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Tình trạng lãng phí cơ sở vật chất và đất đai còn diễn ra ở nhiều nơi khác ở huyện Tiên Lãng. Cụ thể là vào đầu năm 2020, huyện Tiên Lãng thực hiện sáp nhập một số xã theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó các xã Tiên Tiến và Quyết Tiến được nhập thành xã Quyết Tiến; các xã Tiên Hưng và Vinh Quang nhập thành xã Vinh Quang.

Việc sáp nhập dẫn đến một nửa trụ sở các cơ quan hành chính và công trình công ích khác bị bỏ thừa, không được sử dụng, bảo dưỡng, đã có dấu hiệu xuống cấp. Điều đáng nói là trước đó, để chuẩn hóa theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Tiên Lãng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cấp, xây dựng mới các công trình này.

Một công trình khác cũng được đầu tư bề thế không kém là Trường mầm non xã Nam Hưng (cùng huyện Tiên Lãng), được xây dựng hàng chục tỷ đồng trên diện tích đất gần 400m2. Nhưng sau khi hoàn thành, công trình với các phòng học, phòng phụ trợ, đã được trang bị đầy đủ thiết bị học tập và nuôi dưỡng trẻ cũng không được sử dụng, để bỏ hoang, mặc cho thời gian phong hóa. Chủ tịch UBND xã Nam Hưng Nguyễn Văn Thức cho biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần có văn bản đề nghị xử lý, nhưng vẫn chưa được cơ quan cấp trên hướng dẫn giải quyết.

Hiện trạng hoang phí trên đang trở thành vấn đề nhức nhối, để lại những hoài nghi trong dư luận nên rất cần sự quan tâm của huyện Tiên Lãng cũng như TP Hải Phòng, nhanh đưa công trình sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

Tác giả: V.Huy

Nguồn tin: Báo Công an Nhân dân