Hàng ngàn toa tàu thành sắt vụn: Ngành đường sắt tính thế nào?

Admin
Từ ngày 1/7, gần 100 đầu máy, 200 toa tàu khách và gần 1.000 toa tàu hàng bị loại bỏ vì quá hạn sử dụng. Đây sẽ là bài toán khó với ngành đường sắt.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, theo luật Đường sắt mới, từ ngày, 1/7 đầu máy, toa tàu sẽ có niên hạn sử dụng.

Theo đó, đầu máy và toa tàu khách có niên hạn sử dụng tối đa 40 năm, toa hàng sử dụng tối đa 45 năm. Dự kiến sẽ có gần 100 đầu máy, 200 toa tàu khách và gần 1.000 toa tàu hàng bị loại bỏ vì quá hạn sử dụng.

Các DN vận tải đường sắt có thời hạn 3 năm (tới năm 2021) để thay thế các phương tiện quá niên hạn.

 Đầu máy toa tàu đường sắt cũ kỹ, lạc hậu

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) cho biết, sự cố tai nạn đường sắt như tàu trật bánh, đứt móc và đầu máy hỏng hóc… có một phần do chất lượng đầu máy toa xe quá cũ kỹ, lạc hậu.

Thường tai nạn đường sắt xảy ra là do cộng hưởng giữa các yếu tố chất lượng đường và toa xe. Cụ thể, như vụ tàu trật bánh tại Yên Viên (Hà Nội) năm ngoái chính là do sự kết hợp nguyên nhân giữa các yếu tố của đường và đầu máy toa xe.

“Đường cũ chưa đến điểm giới hạn mất an toàn nhưng khi gặp toa xe cũ kỹ tích hợp với vận hành không đúng quy trình nên đã dẫn đến tai nạn tàu trật bánh”, ông Minh cho hay.

Vay vốn để đóng mới, thay thế dần

Chủ tịch Đường sắt cũng cho biết, VNR đang thay thế dần các đầu máy, toa xe cũ để lưu hành đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, để đủ điều kiện đảm bảo an toàn tuyệt đối thì sẽ rất tốn kém.

Theo ông Minh, hiện nay nhu cầu hành khách thường muốn đi những toa xe sang trọng, vì thế với những toa xe cũ không đáp ứng được nhu cầu thị trường, Tổng công ty cũng chủ động thay thế bằng các đoàn tàu đóng mới.

“Năm 2017, VNR đã đóng 6 đoàn tàu mới đưa vào khai thác. Năm nay Tổng công ty cũng sẽ đóng tiếp 6 đoàn tàu nữa để thay thế dần các đoàn tàu lâu năm”, ông Minh nói.

Với những toa xe dưới 20 năm không đủ điều kiện an toàn, chất lượng thấp theo từng chủng loại VNR cũng sẽ lên kế hoạch cho thanh lý, số còn lại có thể cải tạo đảm bảo tương đương như đóng mới.

Riêng đối với đầu máy, ông Minh cho hay, từ năm 2017 Tổng công ty đã lập dự kiến đầu tư 100 đầu máy để thay thế những đầu máy cũ có tuổi đời từ 40-45 năm không còn đảm bảo an toàn.

Để thay thế hàng trăm đầu máy hết niên hạn sử dụng, VNR đang hướng tới mua động cơ về lắp ráp trong nước. Việc này vừa giảm chi phí vừa để thúc đẩy ngành cơ khí đóng tàu trong nước phát triển.

“Việc đầu tư đầu máy, toa xe sẽ phải đầu tư lớn, nhưng bù lại sẽ giảm được chi phí vận hành, chi phí nhiên liệu và đảm bảo an toàn hơn trong khai thác”, ông Minh chia sẻ.

Hiện VNR đang làm việc với các tổ chức tín dụng để vay vốn thay thế dần dần các đầu máy toa xe cũ.