Giáo dục

Hàng vạn sinh viên sư phạm thất nghiệp: Lỗi tại ai?

Vì sao sinh viên sư phạm thất nghiệp nhiều mà “đầu vào” lại vẫn tuyển ồ ạt như vậy? Lỗi tại ai?

Con số dự kiến đến năm 2020 sẽ có 70.000 sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp khiến dư luận không khỏi giật mình và đặt câu hỏi: Vì sao sinh viên sư phạm có việc làm ít, mà “đầu vào” lại vẫn tuyển ồ ạt như vậy?!

“Thời gian tới, để khắc phục tình trạng thừa nhân lực ngành sư phạm, không còn cách nào khác là quy hoạch lại các trường sư phạm nằm trong tổng thể quy hoạch chung mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo. Trong đó, chỉ giữ lại một số cơ sở đào tạo sư phạm đảm bảo chất lượng và phù hợp nhu cầu đào tạo”

Đào tạo sinh viên đang quá nhu cầu sử dụng.


Đào tạo tràn lan, không gắn với nhu cầu xã hội!

Hội thảo khoa học Quốc gia đào tạo giáo viên (GV) tại các trường đại học đa ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay vừa công bố, tính đến năm 2020, dự kiến Việt Nam sẽ thừa khoảng 70.100 sinh viên sư phạm tốt nghiệp (41.000 GV cấp Tiểu học, 12.200 cấp THCS và 16.900 cấp THPT).

Mặc dù, từ năm 2013 đến nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu mỗi năm phải giảm 10% chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm. Tuy nhiên, sau 2 năm, mỗi năm, cả nước vẫn có khoảng 4.000 sinh viên ra trường không có việc làm.

Chỉ tính riêng năm 2016, chỉ tiêu đào tạo GV mầm non, phổ thông hệ chính quy của các trường ĐH, CĐ, trung cấp sư phạm cả nước đã lên tới 65.322. Trong khi đó, theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 yêu cầu bình quân mỗi năm đào tạo mới để thay thế, bổ sung khoảng hơn 55.000 GV.

So sánh hai con số trên, có thể thấy rõ việc đào tạo sư phạm hiện đang bộc lộ bất cập khi số lượng đào tạo vượt quá nhu cầu sử dụng. Điều khó hiểu là, tại sao các trường vẫn được duyệt chỉ tiêu tuyển sinh với số lượng lớn, trong khi hàng ngàn sinh viên ra trường bị thất nghiệp?

Một chuyên gia cho biết, thực tế, hiện nay có rất nhiều loại hình đào tạo GV, cả dân lập và tư thục cũng đào tạo GV, các địa phương cũng thi nhau mở lớp dạy và cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, thậm chí có chứng chỉ chỉ học trong 1 tháng. Đào tạo GV không thể dễ dãi như thế được.

Chúng ta cần rà soát kiểm tra xem tại sao có nhiều trường đào tạo GV đến như vậy? Dường như việc mở ngành này đã trở thành “miếng mồi” béo bở, đem lại nguồn thu đáng kể của các trường. Tình trạng đào tạo GV tràn lan như vậy cũng chính là một trong những nguyên nhân để chất lượng giáo dục đi xuống.

Là một trong những trường sư phạm trọng điểm, ông Nguyễn Văn Tuyến, Hiệu trưởng ĐH Sư Phạm Hà Nội 2 cũng cho rằng, việc cho phép mở ngành đào tạo tràn lan không dựa trên nhu cầu thực tế khiến mỗi năm có hàng ngàn sinh viên ra trường bị thất nghiệp.

Đối với 7 trường ĐH sư phạm trọng điểm thì tổng chỉ tiêu đào tạo chưa đến 10.000, còn lại phần lớn chỉ tiêu là các trường sư phạm của địa phương, thậm chí là của các trường dân lập, tư thực. Đã đến lúc chúng ta cần phải có quy hoạch nhân lực, phê duyệt chỉ tiêu sát với nhu cầu thực tế và đặc biệt quản lý việc đào tạo để đảm bảo chất lượng.

Đồng ý với ý kiến trên, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng cho rằng, rõ ràng các trường ĐH đào tạo không căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của xã hội mà chỉ dựa vào khả năng đào tạo của mình để tuyển sinh. Đó chính là phần lỗi của các trường sư phạm. Thứ 2 là, Bộ GD&ĐT chưa có những dự báo sớm về nhân lực ngành sư phạm trong tương lai khiến cho người học thiếu thông tin khi chọn trường.

Quy hoạch nhân lực sư phạm

Có thể với tình trạng “trăm hoa đua nở”, các trường, các địa phương thi nhau đào tạo đã khiến chất lượng giáo dục không đảm bảo. Qua thực tế, nhiều đơn vị sử dụng đánh giá chất lượng đào tạo của sinh viên ra trường có nhiều vấn đề.

Thầy Tùng Lâm, đơn vị trực tiếp sử dụng “sản phẩm” băn khoăn cho biết, qua thực tế tuyển chọn thì chất lượng sinh viên sư phạm ra trường rất thấp nếu theo chuẩn. Tỷ lệ sinh viên sử dụng được là ít, nếu có được tuyển vào cũng phải mất vài ba năm mới có thể dạy được.Nếu các trường chọn lọc kỹ ngay từ đầu sẽ tránh gây lãng phí cho người học, cho xã hội.

“Nhà nước cần có chính sách mới nhằm thu hút người giỏi vào học các ngành sư phạm, tập trung quy hoạch lại hệ thống trường đào tạo sư phạm, tạo cơ chế để tăng cơ hội việc làm đối với sinh viên sư phạm khi tốt nghiệp”- PGS. TS Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp nêu.

Trước thực trạng trên, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT lý giải: Hiện nay Bộ chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra việc xác định chỉ tiêu có phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng, chứ không có quyền can thiệp vào quyền tự chủ xác định chỉ tiêu, kể cả chỉ tiêu sư phạm.

Hiện nay Bộ GD&ĐT tạo chỉ chủ quản 10 trường đào tạo có đào tạo sư phạm (bằng khoảng 10% cơ sở đào tạo sư phạm), còn lại là các trường CĐSP do địa phương và các trường do các bộ khác quản lý nên việc khống chế chỉ tiêu sư phạm bằng biện pháp hành chính là rất khó khăn.

Đối với các trường trực thuộc Bộ GD&ĐT quản lý thì cùng với việc giảm chỉ tiêu sẽ tạm dừng xem xét hồ sơ mở ngành đào tạo sư phạm ở các trình độ ĐH, CĐ và dừng việc thực hiện đào tạo giáo viên hệ đào tạo từ xa; Tạm dừng việc cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giáo viên trung học cho các cử nhân ở các ngành đào tạo khác có nhu cầu trở thành giáo viên./.

Tác giả bài viết: Hoàng Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP