Đám cưới đôi bạn trẻ Nguyễn Văn Thành và Lê Mỹ Lộc (ở Hùng Vương, Hồng Bàng, Hải Phòng) diễn ra chỉ có tiệc ngọt nhưng ai cũng thấy vui vẻ. Ảnh: Bình Minh. |
Ấm áp tiệc ngọt
Trực tiếp tham dự đám cưới của đôi bạn trẻ Nguyễn Văn Thành và Lê Mỹ Lộc tại trụ sở UBND phường Hùng Vương (Hồng Bàng, Hải Phòng), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước một bữa tiệc cưới “siêu tiết kiệm”- hơn 1 triệu đồng nhưng rất ấm cúng và vui vẻ. Khách dự chủ yếu là cán bộ phường, bạn bè đồng nghiệp của hai bạn trẻ và người thân của 2 gia đình. Đám cưới chỉ có tiệc ngọt. Các tiết mục trao nhẫn, cắt bánh, rót rượu được tiến hành hết sức gọn nhẹ. Người dẫn chương trình hay các tiết mục văn nghệ đều là “của nhà trồng được”, gồm những ĐVTN cơ sở được mời đến góp vui.
Chú rể Nguyễn Văn Thành cho biết: “Toàn bộ chi phí cho ngày vui của mình là hơn 1 triệu đồng. Quan niệm đám cưới phải làm cỗ thật to, bạn bè đến mừng nhiều, giờ đang dần thay đổi. Bọn mình nghĩ tổ chức đơn giản, tiết kiệm và quan trọng là nhận được những lời chúc phúc của bạn bè, đồng nghiệp…, chứ không phải là quà cáp”.
Về đám cưới con, ông Nguyễn Văn Thơm, bố chú rể Nguyễn Văn Thành, tự hào nói: 35 năm trước, ông và vợ là bà Đinh Thị Tin được đồng đội tổ chức cho ngay tại đơn vị, cũng chỉ có tiệc ngọt. Vợ chồng ông Thơm giờ hạnh phúc viên mãn cùng con cháu. “Tôi rất ủng hộ các cháu tổ chức đám cưới theo hình thức văn minh, đời sống mới để đỡ tốn kém. Nhiều người bảo tôi cưới là chuyện trăm năm, phải tổ chức cho con hoành tráng. Nhưng tôi bảo, hai cháu tự quyết, tôi tôn trọng ý kiến các cháu. Hạnh phúc là chuyện 2 đứa sống với nhau thế nào sau này, chứ không phải cứ đám cưới to, trăm mâm mới là hạnh phúc”, ông Thơm nói.
Cũng theo nếp sống mới, đôi bạn trẻ Thanh Huyền và Nguyễn Hữu Mỹ ở phường Lê Lợi (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) tổ chức đám cưới với chi phí vỏn vẹn 1 triệu đồng. Khách mời khoảng 40 người. Người dẫn chương trình đồng thời là chủ hôn là nữ Bí thư Đoàn phường Lê Lợi. Lãnh đạo UBND phường Lê Lợi trao Giấy chứng nhận kết hôn. “Cảnh gia đình 2 bên cũng có điều kiện để tổ chức một đám cưới hoành tráng, ở các trung tâm tiệc cưới lớn. Nhưng sau khi Quận Đoàn Ngô Quyền tư vấn, thấy hợp lý và tiết kiệm nên chúng tôi thống nhất tổ chức chỉ làm 5 mâm mặn tại gia đình kính báo tổ tiên, và một buổi tiệc ngọt tại trụ sở UBND phường. Tổ chức thế này, chúng tôi thấy đỡ vất vả hơn rất nhiều mà rất ấm cúng, hạnh phúc”, cô dâu Thanh Huyền chia sẻ.
Chìa khóa thành công là vận động các bậc cao niên
Vừa qua, nhiều gia đình tổ chức cưới rất linh đình, đua nhau về số lượng mâm cỗ, số khách mời, kéo theo nhiều hệ lụy. Khách trẻ sử dụng thuốc lá, rượu bia vô tội vạ trong đám cưới. Nhiều đám cưới tụ tập số lượng lớn thanh niên đến hò hát, quậy, đi đón dâu xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau và đã có những hậu quả đau lòng. Cuối cùng, ngày vui của hai họ thành ngày buồn của hai vợ chồng trẻ.
Nói về những đám cưới “siêu tiết kiệm” ở Hải Phòng, anh Đào Phú Dương, Bí thư Thành Đoàn Hải Phòng, hồ hởi cho biết: Từ năm 2010, mô hình cưới văn minh trong ĐVTN được triển khai toàn thành phố, với các tiêu chí: Chỉ nên mời thân nhân gia đình, người trong họ hàng hai bên tham dự tiệc mặn; trong tiệc cưới không dùng nhạc với cường độ âm thanh to, hạn chế sử dụng thuốc lá, đồ uống có cồn. Quận Đoàn Đồ Sơn đã tổ chức đám cưới văn minh thông qua hình thức cưới tập thể cho 10 cặp ĐVTN. Sau lễ cưới, các cặp cô dâu - chú rể được tham gia các hoạt động ý nghĩa: dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tham gia lớp học đạo hằng thuận tại Đền Vạn Ngang, trồng cây hạnh phúc tại công viên Đầm Vuông…
“Một trong những chìa khóa để thành công là các tổ chức đoàn cơ sở vận động những bậc cao niên, những người có tiếng nói trong các dòng họ, nhờ các cụ thuyết phục, phân giải. Từ đó đưa vào các quy ước làng văn hóa, các quy chế của khu dân cư, tạo mối ràng buộc trong cộng đồng”, anh Dương nói.
Anh Dương cho biết, năm 2018, Thành Đoàn Hải Phòng tiếp tục triển khai cuộc vận động xây dựng mô hình cưới văn minh trong ĐVTN thành phố ngay từ đầu năm với 6 tiêu chí: Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; tránh phô trương, hình thức, lãng phí trong các lễ cưới, hỏi; tổ chức tiệc cưới văn minh, tiết kiệm; khuyến khích cô dâu, chú rể tích cực tham gia các hoạt động xã hội.