Kỳ 2 (kỳ cuối): Thoắt ẩn, thoắt hiện
Biết chúng tôi có ý định muốn đi tìm A Tinh, anh Hiên lắc đầu: “Khó gặp hắn lắm. Do bà con xua đuổi và mối thâm thù tích tụ nhiều năm liền, nên Tinh không dám ở gần bản đâu. Nó thường ở trên các khe suối ở trên núi cao, đi cả ngày đường mới đến nơi”.
Chúng tôi phải thuyết phục mãi, anh Hiên mới đồng ý dẫn chúng tôi đi tìm A Tinh. Men theo lối mòn, phủ đầy lau lách, chúng tôi luồn rừng ngược núi. Lối mòn tựa như đường chuột chạy, la liệt túi bóng, vỏ bánh, chứng tỏ A Tinh từng đi lại rất nhiều lần ở con đường này.
Đi đến một gốc cây to, anh Hiên bỗng dừng lại. Anh Hiên đưa tay lật mấy chiếc chăn bông cáu bẩn, vứt chỏng chơ trên nền đất rồi bảo: “Trước đây, A Tinh hay ngủ ở gốc cây này. Mùa đông, nó thường ăn trộm cả chăn của bà con để làm ổ”.
Càng đi lên cao đường càng dốc ngược. Vừa đi, anh Hiên vừa khum khum hai bàn tay lên miệng và hú. Tiếng hú vượt qua muôn vàn vách lá rồi đập vào vách đá dội lại phía chúng tôi. Nó trôi vào hư không, chẳng thấy A Tinh hồi âm.
Dấu vết chỗ ở của A Tinh
Sau cả ngày luồn rừng, cuộc truy tìm tung tích của A Tinh rơi vào vô vọng. Ngồi nghỉ bên một mỏm đá cao phủ đầy rêu phong và nhóm lửa đun nước nấu mì tôm ăn, anh Hiên thở dài: “Thi thoảng những người đi nương mới gặp được A Tinh. Hắn tinh ranh và khỏe lắm, chỉ cần nhìn thấy người lạ là hắn trốn biệt tăm tích”.
Anh Hiên còn kể, cách đây 2 năm, 7 anh em trai trong nhà cùng 20 trai bản quyết tâm bắt A Tinh về nhà. Sau mấy đêm ăn ngủ ở các ngả đường, nhóm mới gặp được Tinh.
Đêm hôm đó, trời mưa như trút nước. Từ các khe suối nước đổ về ầm ầm tựa như có cơn động rừng vậy. Mưa 3 ngày, 3 đêm mà trời không ngớt. A Tinh biết nhóm người vẫn rình ở đầu bản, nên hắn nhất định không về. Đến ngày thứ 3, từ lối mòn khe U Bò, anh Hiên thấy mấy bụi lá động đậy.
Trước đó, anh Hiên đoán rằng, mưa liên tục thế này A Tinh không có chỗ trú, rét mướt và đói khát, chắc chắn hắn sẽ mò về nhà anh tìm cái ăn. Quả như lời anh Hiên dự đoán, trong ánh chớp xe ngang trời, A Tinh đi như bay vào nhà bếp. Nom Tinh như người ngoài hành tinh khác đến: Không mảnh vải che thân, tóc tai bờm xờm, dài tới ngang lưng. Mái tóc của A Tinh cứng đơ như rễ cây.
Tinh không đi như người bình thường mà nhảy như vượn. Mỗi lần nhảy được 2-3m. Hắn chẳng thèm bước lên cầu thang, hắn chỉ nhẹ nhún người một cái đã lên tới gian bếp của nhà anh Hiên. Nhìn thấy nồi cơm, hắn liền nhảy đến ăn gấu nghiến. Đúng lúc đó, 20 thanh niên từ bốn phía cùng ập vào. 10 trai bản khỏe mạnh án ngữ cửa bếp, vậy mà Tinh suýt đẩy được và thoát khỏi vòng vây. Rất may 10 người khác ở phía ngoài đã kịp dồn về cùng khép chặt vòng vây lại. Sau nửa tiếng vật lộn, nhóm người mới giữ hắn lại được.
Khu rừng A Tinh thường trú ẩn ở phía sau nhà anh Hiên
Tinh được đưa về nhà anh Hạt (anh trai của Tinh). Tịnh bị trói bằng dây rừng và bị cột chặt ở cột bếp. Gia đình anh Hạt đã cất công lên tận Tam Đường mời gã thầy cúng cao tay nhất ở đất Lai Châu về “đuổi” con “ma” ra khỏi người A Tinh. Thầy cúng tay vung gươm, nhảy chồm chồm như ngựa vía, miệng lẩm nhẩm đọc “thần chú”, với hy vọng “cải tạo” được tay người rừng này.
Sau nửa ngày, biểu diễn đủ các loại phép thuật, thầy cúng nhìn A Tinh với vẻ đắc ý và “phán”: Ta đã bắt con ma rừng, ma núi ám hắn rồi. Giờ hắn đã được trở lại với cuộc sống thường nhật, không lang thang như trước nữa.
Thầy cúng còn tự tin bảo mọi người cởi trói cho A Tinh. Sợi dây thừng vừa rời khỏi tay, A Tinh lồng lên như một con thú. Hắn đưa chân đạp đổ bàn cúng, nhe hàm răng dữ tợn cười vào mặt thầy cúng. Chỉ trong giây lát, bóng A Tinh đã mất hút vào rừng già. Những người chứng kiến cảnh đó đều chưng hửng, chẳng ai có đủ sức giữ A Tinh ở lại.
Từ bữa đó đến nay, không ai trong bản Nậm Ô, cả anh em ruột của A Tinh bàn đến chuyện đưa Tinh về nữa. Thầy cúng bữa đó lắc đầu và thở dài nói với mọi người: Ta từng bắt hàng trăm con ma núi, hàng nghìn con ma rừng, nhưng đành bất lực trước A Tinh. Nó còn mạnh hơn cả những phép thuật mà ta sử dụng.
Cũng Từ đó, A Tinh trốn biệt ở trong rừng. Đêm đến, Tinh mới mò vào nhà dân tìm thức ăn. Thời gian đầu, hắn chỉ lấy cơm, rau, thịt đã nấu chín. Lâu dần hắn lấy cả gạo, bắt gà, bắt lợn của bà con rồi mang lên rừng ăn. Hắn ăn cả thịt sống, chứ không cần đun, nấu gì cả. Càng ngày A Tinh càng nhanh và dữ tợn hơn. Đêm xuống, nhà nào cũng cửa đóng, then cài, cố giữ nhà mình cho chắc, chứ không muốn gây sự với A Tinh.
Được đà, A Tinh càng làm mình, làm mẩy. Hắn tự tung tự tác vào bản bắt gà, bắt lợn của bà con. Sau mỗi năm, dường như A Tinh ăn khỏe hơn. Theo đó, số vụ bà con bị mất trộm cũng không ngừng tăng lên. Nhà nhà bất lực trước sự tác oai, tác quái của người rừng Lý A Tinh.
Ngôi nhà của ông Lý A An, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Nậm Ban - anh trai ruột của Tinh nằm cạnh đường cái. A Tinh đã từng sống nhiều năm ở căn nhà này. Hôm chúng tôi đến thăm nhà, ông An đi chữa bệnh trên tỉnh Lai Châu. Ngôi nhà sàn để thông thốc gió lùa.
A Tinh từng nhiều năm sinh sống ở đây, nhưng giờ mọi người trong nhà, ai cũng coi Tinh như một thành phần thừa của gia đình. Năm vừa rồi, gia đình ông An cũng vừa bị Tinh “xơi tái” cả đàn lợn gần chục con.
Anh Lý A Hạt (anh trai của Tinh) bảo, Tinh đã bỏ nhà đi từ 4 năm nay
Theo người nhà ông An kể lại, ngày mà mẹ của A Tinh còn sống, Tinh ở cùng gia đình. Tinh là người con ngoan, trò giỏi. Ngoài thời gian lên lớp, ngày ngày Tinh đi làm cùng mẹ. Một hôm hai mẹ con Tinh từ trên núi trở về, đi qua dòng suối Nậm Ô. Tinh vui mừng nhảy nhót từ hòn đá này sang hòn đá khác, không may Tinh nhảy hụt và bị đập đầu vào đá. Tinh nằm bất tỉnh bên suối. Vụ tai nạn đó khiến đầu óc của Tinh không còn tỉnh táo như trước nữa.
Ở nơi góc núi xó rừng nên mọi người trong gia đình cũng không đưa Tinh đi khám. Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, Tinh vẫn lớn lên khỏe mạnh, chưa có dấu hiệu gì bất thường. So với 8 anh em trai trong gia đình, Tinh là người thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát. Càng lớn Tinh càng khôi ngô, tuấn tú.
Bà Chìn Me Cao - mẹ của Tinh hy vọng con của mình sẽ được ăn học đến nơi đến chốn. Do bố Tinh mất sớm nên bà dồn cả tình thương cho người con trai út. Nhờ thế mà Tinh được học hết cấp II.
Thế rồi một biến cố đã xảy ra trong cuộc đời của Tinh. Cách đây 4 năm, bà Cao bỗng đổ bệnh trọng và mất. Từ ngày mẹ mất, A Tinh thay đổi tính nết. Ngày ngày Tinh sống ủ rũ như tàu lá chuối gặp lửa. Tinh không muốn nói chuyện hay tiếp xúc với người lạ. Tinh sống tựa như cái bóng của chính mình. Ngày ngày Tinh chỉ biết ăn, chứ không động chân, động tay làm việc gì. Tình trạng đó kéo dài gần một năm, gia đình anh trai bắt đầu có lời ra, tiếng vào. Các chị dâu cũng không muốn nuôi báo cô A Tinh.
Sau thời gian sống vạ vật lang thang qua hết nhà này đến nhà khác, A Tinh rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần. Bà con trong bản Nậm Ô thấy Tinh không thích ngủ ở nhà người thân nữa. Ở bản có một ngôi nhà sàn của người dân bỏ hoang lâu ngày ở bìa ruộng, Tinh chọn ngôi nhà đó làm nơi trú ẩn. Cả ngày tinh lăn ra ngủ, đêm đến Tinh vào bản lùng sục cái ăn. Nhà nào có cơm thừa, canh cặn còn để trên bếp, Tinh chén sạch.
Thời gian đầu mọi người còn thương tình nên cứ để cho A Tinh ăn no nê, thỏa thích. Được đằng chân, lân đằng đầu, A Tinh còn bắt trộm gà của bà con để nhắm. Bà con bắt đầu xua đuổi, không cho Tinh tự tung, tự tác như trước nữa. Bà con đuổi rát quá, Tinh bỏ lên rừng ở. Đêm lại mò vào bản tìm cái ăn.
Từ một con người hiền lành, cậu học trò giỏi của trường THCS Nậm Ban, Lý A Tinh đã biến thành một con người hoàn toàn xa lạ với thế giới văn minh.
Theo anh Chào Anh Tuyên, Phó Bí thư xã Nậm Ban – từng là thầy giáo dạy người rừng Lý A Tinh, trước đây Tinh là học sinh có học lực tốt. Có thể do cuộc đời A Tinh gặp nhiều biến cố nên cậu ta mới trở thành người như vậy.
“Chúng tôi cũng đã nhiều lần nghe bà con phản ánh lại tình trạng mất trộm, mất cắp liên tục. Sau mỗi năm tình hình này càng diễn ra phổ biến hơn. Chúng tôi cũng mong một ngày nào đó sẽ có kinh phí để đưa A Tinh đi viện khám bệnh. Hy vọng rằng, bệnh viện sẽ đưa A Tinh trở lại và sống hiền lành như tộc người Mảng nơi đây”, anh Tuyên cho biết.
Tác giả bài viết: Phong Nguyệt