Hạt muồng và những lợi ích bất ngờ đối với sức khỏe

Cao Hiếu
Nhiều người có lẽ vẫn chưa biết rõ hạt muồng là gì và có lợi ích như thế nào đối với sức khỏe.

Hạt muồng là hạt gì?
Hạt muồng được gọi với nhiều cái tên khác như đầu muồng, đậu ma, đậu tiên, còn tên khoa học của loại hạt này Cassia Tora L. Cây thuộc loại họ Đậu, mọc rất nhiều tại Việt Nam.

Cây muồng là một loại cây bụi nhỏ mọc ở nơi đất ẩm ấm khắp các vùng nhiệt đới của các nước châu Á và châu Phi, cao trung bình từ 0,5-1m, với các lá mọc theo dạng so le nhau, có từ 2-4 đôi lá chét. Hoa muồng mọc từ kẽ lá, có màu vàng tươi.

Quả muồng có dạng hình trụ dài, với 2 đầu vát chéo, màu nâu xỉ, thường chứa từ 15 - 25 hạt ở bên trong. Khi quả chín, nếu không được thu hoạch thì hạt muồng sẽ tự bung ra ngoài.

Hạt muồng thường được thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 11 và thường chỉ lấy quả. Các bộ phận như thân hoặc lá cây muồng cũng có thể được lấy để đem làm rau với nhiều lợi ích đối với cơ thể.

Sau thu hái, quả muồng được đập nát lấy phần hạt và đem đi phơi khô. Tuỳ thuộc theo mục đích sử dụng, hạt muồng sẽ được sơ chế theo các phương thức khác nhau như sao vàng hoặc sao cháy.

Hạt muồng sau đó được bảo quản với túi nilon hoặc túi zip, để ở nơi khô thoáng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Theo Đông Y, hạt muồng có vị hơi đắng, nhạt, có chất nhầy. Khi hạt muồng được sao qua sẽ có vị đắng và mặn và tính hàn. Trong Đông Y, hạt muồng được sử dụng làm vị thuốc.

hat-muong-va-nhung-loi-ich-bat-ngo-doi-voi-suc-khoe-16391719-1721967689.jpg


Tuỳ theo mục đích sử dụng, hạt muồng được sơ chế theo những phương thức khác nhau như sao vàng hoặc sao cháy. Ảnh minh họa

Một số lợi ích của hạt muồng đối với sức khỏe
Chống lại quá trình oxy hóa

Polyphenol trong hạt muồng có tác dụng chống lại và bảo vệ các tế bào khỏi sự tấn công của gốc tự do, ngăn chặn quá trình oxy hoá, nhờ đó giúp ngăn ngừa một số bệnh lý về ung thư,Alzheimer, xơ vữa động mạch…

Chống viêm, chống vi sinh vật

Các nghiên cứu đã chỉ ra, chiết xuất Methanol trong hạt muồng có tác dụng hiệu quả đối với việc chống lại các tác nhân gây viêm như Histamine, serotonin hay Carrageenan…

Ngoài ra, chiết xuất Methanolic có tác dụng chống tăng sinh với các tế bào ung thư tử cung đối với bệnh nhân. Chiết xuất Methanolic cũng cho thấy hoạt tính kháng nấm.

Hạt muồng có đặc tính kháng khuẩn do các chất chiết xuất có hoạt tính chống lại một số vi khuẩn, nấm có khả năng gây nhiễm trùng ra, rối loạn dạ dày - ruột.

Tốt cho bệnh nhân tiểu đường

Dưới tác dụng của hàm lượng Butanol có trong hạt muồng, lượng glucozo và insulin tiết ra từ tuyến tuỵ được kiểm soát tốt hơn, qua đó giúp cải thiện các triệu chứng, cũng như phòng ngừa bệnh tiểu đường.

Bảo vệ sức khỏe gan

Các chuyên gia cho biết, sử dụng hạt muồng có tác dụng hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe gan, chống lại các tổn thương tại gan. Sở dĩ như vậy là bởi dưới ảnh hưởng của hoạt chất ononitol monohydrate giúp giảm nồng độ transaminase trong huyết thanh, làm tăng mức độ chống oxy hoá và hoạt động của enzym glutathione ở gan.

Được biết, các phát hiện bệnh lý lịch sử cho thấy hoạt động bảo vệ gan của hoạt chất ononitol monohydrate mà không có bất cứ tác dụng phụ nào.

Chữa mất ngủ, ngủ không ngon

Nếu gặp phải tình trạng mất ngủ, ngủ không ngon giấc thì có thể sử dụng hạt muồn theo cách như sau:

- Lấy 15-20g hạt quả muồng khô, 30g lá vông, 30g cây lạc tiên đem sao khô.

- Sắc toàn bộ dược liệu trên với khoảng 1 lít nước, có thể dùng thay cho nước uống hàng ngày.

Hỗ trợ ổn định huyết áp

Dùng hạt muồng đúng cách và đúng liều lượng được đánh giá là có tác dụng ổn định huyết áp hiệu quả. Các bước thực hiện như sau: Lấy từ 10-15g hạt quả muồng đã sao cháy kết hợp với nhãn lòng, hoa atiso, hoa hoè sao vàng, cúc hoa (mỗi loại 10g) mang đi hãm trà.

Lưu ý, có thể sử dụng nước trà uống thay cho nước lọc mỗi ngày, kiên trì thực hiện từ 1 - 2 tháng để nhận thấy sự cải thiện về sức khoẻ.

Hỗ trợ điều trị táo bón

Hạt muồng cũng được dùng trong việc hỗ trợ và cải thiện tình trạng táo bón. Cách thực hiện như sau:

- Lấy từ 5-10g hạt muồng khô đem đi sao vàng.

- Thêm vào khoảng 500ml nước sạch, sắc thuốc cho tới khi còn khoảng 200ml thì tắt bếp. Dùng nước hạt quả muồng sau khi ăn khoảng 20 phút.

Lưu ý, nếu bị tiêu chảy thì không dùng hạt muồng, sẽ khiến tình trạng bệnh nặng thêm do hạt muồng có tác dụng gây co thắt, kích thích đường ruột.

Điều trị nấm ngoài da

Nếu trẻ nhỏ đang bị các bệnh nấm ngoài ra, hắc lào, lang ben… thì có thể áp dụng cách thức như dưới đây:

- Lấy khoảng 20g hạt muồng sao khô đi giã nát, rồi ngâm với cồn 50 độ (khoảng 100ml) ở trong lọ thuỷ tinh.

- Mỗi ngày lấy lọ thuỷ tinh lắc 1 lần, sau 10 ngày thì lấy hết phần nước cồn ra, bỏ bã rồi đổ lại vào một bình sạch.

- Dùng nước cồn - hạt muồng để chấm lên vùng da bị nấm 3 - 4 lần/ngày.

Ngoài các công dụng nêu trên, hạt muồng còn giúp giảm cân, giảm mỡ, hỗ trợ điều trị một số bệnh lý về mắt như quáng gà, nhìn mờ, hoa mắt hay đau mắt đỏ…

Tuy hạt muồng có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe nhưng mọi người lưu ý không lạm dụng vị thuốc này. Nếu muốn dùng hạt muồng để chữa trị một số tình trạng sức khỏe, mọi người tốt nhất nên đi khám để được bác sĩ tư vấn cụ thể về liều lượng, cách sử dụng loại hạt này