Hầu hết lợi ích của sữa công thức cho trẻ em không được khoa học chứng minh

Admin
Một nghiên cứu mới đây cho biết, phần lớn các tuyên bố về sức khỏe sử dụng để quảng cáo sữa công thức cho trẻ em trên toàn thế giới không có bằng chứng khoa học.

Nghiên cứu được đưa ra một tuần sau khi một nhóm các bác sĩ và nhà khoa học kêu gọi siết chặt quy định đối với hoạt động tiếp thị sữa công thức.

Nuôi con bằng sữa mẹ được công nhận rộng rãi là mang lại nhiều lợi ích sức khỏe to lớn cho trẻ sơ sinh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, khuyến nghị đó được áp dụng cho chưa đến một nửa số trẻ sơ sinh trên toàn cầu.

 

Tiến sĩ Daniel Munblit, giảng viên danh dự tại Đại học Hoàng gia London (Anh) và là tác giả của nghiên cứu mới, cho biết các nhà nghiên cứu không tham gia vào một cuộc chiến chống lại sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh. Đây vẫn là một lựa chọn cho những bà mẹ không thể hoặc chọn không cho con bú.

Tiến sĩ Munblit nói với AFP: "Chúng tôi phản đối việc tiếp thị sữa công thức cho trẻ sơ sinh không phù hợp, vốn đưa ra những tuyên bố gây hiểu lầm mà không có bằng chứng chắc chắn".

Ông Munblit và một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã xem xét các tuyên bố về sức khỏe đối với 608 sản phẩm trên trang web của các công ty sữa bột trẻ em ở 15 quốc gia, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Anh và Nigeria. Tuyên bố phổ biến nhất là sữa công thức hỗ trợ phát triển trí não, tăng cường hệ thống miễn dịch và nói chung là giúp tăng trưởng.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMJ, một nửa số sản phẩm sữa công thức không liên kết lợi về ích sức khỏe như đã tuyên bố với một thành phần sữa cụ thể nào. 3/4 sản phẩm không đề cập đến bằng chứng khoa học chứng minh cho tuyên bố của họ.

Trong số những sản phẩm cung cấp tài liệu tham khảo khoa học, hơn một nửa chỉ ra các bài đánh giá, ý kiến ​​​​hoặc nghiên cứu trên động vật. Chỉ 14% các sản phẩm đề cập đến các thử nghiệm lâm sàng đã thực hiện trên người. Tuy nhiên, 90% các thử nghiệm đó có nguy cơ sai lệch cao, bao gồm thiếu dữ liệu hoặc phát hiện không hỗ trợ cho tuyên bố. Gần 90% các thử nghiệm lâm sàng có các tác giả nhận được tài trợ từ hoặc có quan hệ với ngành công nghiệp sữa công thức.

Thành phần được trích dẫn phổ biến nhất là axit béo không bão hòa đa có trong sữa mẹ và được coi là quan trọng đối với sự phát triển của não bộ. Tuy nhiên, không có bằng chứng về bất kỳ lợi ích bổ sung nào khi thành phần này được thêm vào sữa bột trẻ em.

Tiến sĩ Munblit cho biết các tuyên bố về sức khỏe hầu hết được sử dụng để quảng cáo các sản phẩm sữa công thức cao cấp, điều này có thể gây lầm tưởng cho các bậc cha mẹ rằng các thành phần này là thiết yếu song có mức giá quá đắt đỏ.

Nghiên cứu này được đưa ra sau khi một loạt bài báo được xuất bản trên tạp chí Lancet vào tuần trước kêu gọi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu chấm dứt tiếp thị quá mức sữa bột trẻ em.

Nigel Rollins, chuyên gia về sức khỏe trẻ sơ sinh của WHO, tác giả của một trong những bài báo trên tạp chí Lancet, cho biết các bậc cha mẹ quá bận rộn và "thiếu thời gian để xem xét kỹ lưỡng các tuyên bố" về sữa công thức cho trẻ sơ sinh.

Nghiên cứu mới cho thấy "các chính phủ và cơ quan quản lý phải cam kết dành thời gian và sự quan tâm về các tuyên bố về các sản phẩm sữa công thức", tiến sĩ Rollins cho biết.

Tác giả: Đan Thùy 

Nguồn tin: 1thegioi.vn