Hé lộ những bảo vật cấp quốc gia sắp được công bố ở Hải Phòng

Admin
Từ ngày 8/5 -8/6/2022, 12 cổ vật cấp quốc gia của Hải Phòng sẽ được công bố và trưng bày tại Bảo tàng thành phố phục vụ du khách tham quan.

Sáng 6/5/2022, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đã thông tin chính thức về 12 bảo vật quốc gia của thành phố được công bố và góp mặt trong sự kiện chào mừng Hải Phòng giải phóng và lễ hội Hoa phượng đỏ 2022.

 Bà Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng thông tin về sự kiện

Cụ thể, 12 bảo vật cấp quốc gia được công bố tại sự kiện gồm:

Bảo vật thứ nhất là thanh long đao đang lưu giữ tại Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng. Đây là hiện vật gốc độc bản, chưa thấy xuất hiện trong các di tích và bảo tàng ở Việt Nam. Thanh Long đao này có giá trị trên nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hoá, khoa học, mỹ thuật và đặc biệt có giá trị biểu tượng cho một dòng họ Phạm gốc Mạc, họ Phạm ở Việt Nam và là biểu tượng của dòng họ Mạc Việt Nam.

 Hiện Long đao đang lưu giữ tại Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc (thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) và là biểu tượng của dòng họ Mạc Việt Nam

Bảo vật thứ 2 là tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung được làm từ đá vôi có kích thước vừa phải với chiều cao 63cm, ngang vai rộng 37cm, ngang gối rộng 55cm. Đây là pho tượng tự nhiên, nguyên khối, là hiện vật cổ, độc bản, không sao chép, hình thức độc đáo, chưa thấy xuất hiện trong các di tích và bảo tàng ở Việt Nam. Hiện, pho tượng đang được đặt tại chùa Trà Phương, thôn Trà Phương, xã Thuỵ Hương, huyện Kiến Thuỵ, thành phố Hải Phòng.

 Bức tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung là cổ vật giá trị đặc biệt liên quan đến vương triều Mạc

Pho tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung là cổ vật giá trị đặc biệt liên quan đến vương triều Mạc, dòng tộc họ Mạc của đất nước. Việc tạc tượng và phụng thờ Thái tổ Mạc Đăng Dung thể hiện giá trị văn hoá tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc. Pho tượng được tạc dưới dạng Hậu Phật (tín đồ Phật giáo/Phật tử).

Bảo vật thứ 3 là phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đang được lưu giữ, thờ cúng tại chùa Trà Phương, thôn Trà Phương, xã Thuỵ Hương, huyện Kiến Thụy. Bức phù điêu có kích thước vừa phải, được tạo tác từ đá vôi, tự nhiên, nguyên khối giống pho tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung. Phù điêu là hiện vật cổ, độc bản, chưa thấy xuất hiện trong các di tích và bảo tàng ở Việt Nam.

Bức phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn có giá trị đặc biệt liên quan đến vương triều Mạc, dòng tộc họ Mạc của đất nước bởi bà là vợ của vua Mạc Đăng Dung. Bà là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, làm nhiều việc thiện, công đức tiền, bạc, ruộng đất vào các chùa thờ Phật. Qua nghiên cứu điêu khắc, mỹ thuật trang trí trên bức phù điêu này, có thể xác định đây là phù điêu quý, có niên đại tuyệt đối thời Mạc (năm 1551).

 Qua nghiên cứu điêu khắc, mỹ thuật trang trí trên bức phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ thị Ngọc Toàn, có thể xác định đây là phù điêu quý, có niên đại tuyệt đối thời Mạc (năm 1551)

Tiếp đến là 9 bảo vật gốm men trắng An Biên có nguồn gốc từ triều Lý (thế kỷ XI-XIII), gồm: 04 chiếc ấm, 2 chiếc liễn, 3 chiếc đĩa. Những hiện vật này được sản xuất để dùng trong các nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo thời Lý.

Trong bộ sưu tập 9 cổ vật này, hầu hết đều được bảo quản nguyên lành đến mức hoàn hảo, được đánh giá chưa từng gặp bộ sưu tập thứ hai tại các bảo tàng, các di tích hay trong các bộ sưu tập tư nhân tại Việt Nam. Đây là bộ sưu tập của ông Trần Đình Thăng, hội viên Hội Cổ vật Hải Phòng.

 Bộ sưu tập 9 hiện vật gốm men trắng thời nhà Lý đang được Ban tổ chức sắp đặt tại Bảo tàng thành phố, chờ ngày công bố, trưng bày phục vụ du khách tham quan

Theo đánh giá của ông Nguyễn Bá Thanh Long - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cổ vật Hải Phòng, 9 cổ vật trên của nhà sưu tập Trần Đình Thăng là những cổ vật tiêu biểu, đại diện cho dòng gốm men trắng cao cấp thời Lý, có nhiều giá trị trên các lĩnh vực lịch sử, văn hoá, kỹ, mỹ thuật. Bộ sưu tập đã đạt đỉnh cao về kỹ nghệ chế tác, các hiện vật có kiểu dáng thanh thoát, trang nhã trong hình khối; hoa văn được thể hiện bằng những đường cong mềm mại, cầu kỳ, tinh mĩ, hết sức điêu luyện; nước men trắng trong, mịn màng, đạt đến độ lung linh, huyền ảo, tiêu biểu cho nghệ thuật gốm men trắng cao cấp thời Lý.

Cũng theo ông Nguyễn Bá Thanh Long, Hải Phòng có tổng cộng 15 bảo vật quốc gia, trong đó có 12 bảo vật lưu giữ tại địa phương, số còn lại đang lưu giữ tại Bảo tàng quốc gia.

Bà Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP Hải Phòng chia sẻ: Việc tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 12 bảo vật quốc gia tại Nhà hát thành phố và trưng bày các bảo vật nhằm khẳng định giá trị tinh hoa văn hoá của dân tộc, phát huy và quảng bá giá trị di sản văn hoá, lịch sử của các bảo vật trên địa bàn thành phố. Sự kiện góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, huy động sự vào cuộc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá của toàn xã hội.

Tác giả: Minh Lý

Nguồn tin: giadinh.suckhoedoisong.vn