Hé lộ nợ khủng của chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi

Admin
Từ cao tốc 34.000 tỷ Đà Nẵng – Quảng Ngãi xuống cấp hé lộ Tổng CTy Đâu tư phát triển đường cao tốc (VEC) nợ đầm đìa. Tính đến ngày 31/12/2017, nợ dài hạn của VEC từ hơn 25.500 tỷ đồng năm 2016 tăng vọt lên hơn 60.146 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ hơn 9.782 tỷ đồng.

 Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa làm đã hỏng. Ảnh: N.T

Nợ đầm đìa

Theo báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) xác định nợ công đến 31/12/2015 theo Luật Quản lý nợ công là 2.556.039 tỷ đồng, bằng 61% GDP. Trong khi đó, báo cáo tài chính của VEC, tính đến ngày 31/12/2015, nợ ngắn hạn của Cty này là hơn 28.193 tỷ đồng, nợ dài hạn là 0 đồng. Nhưng đến ngày 31/12/2017, nợ dài hạn của doanh nghiệp này đã tăng vọt từ 0 lên 25.500 tỷ đồng.

Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2017, nợ dài hạn của VEC từ hơn 25.500 tỷ đồng năm 2016 đã tăng vọt lên hơn 60.146 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ hơn 9.782 tỷ đồng. Nợ phải trả gấp hơn 6 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này.

Nói về khoản nợ của VEC, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ đến ngày 31/12/2015, Bộ Tài chính đã chuyển 4.438 tỷ đồng cho VEC (ứng Quỹ tích lũy 2.477 tỷ đồng; ứng NSTW 1.961 tỷ đồng (tính đến 30/6/2016, NSTW ứng 2.857 tỷ đồng) để thanh toán trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đến hạn nhưng chưa được VEC ký nhận nợ.

Trong số 4.438 tỷ đồng đó, Bộ Tài chính tính vào nợ của Chính phủ 2.477 tỷ đồng; ghi thu ghi chi vốn cấp phát đối với vốn vay nước ngoài về cho vay lại của 5 dự án đường bộ cao tốc của VEC khi các dự án chưa được chuyển đổi nguồn vốn đầu tư sang cấp phát và bổ sung kế hoạch vốn; chưa ký hợp đồng cho vay lại đối với khoản cho vay được cơ cấu lại từ nguồn trái phiếu quốc tế 1 tỷ USD.

Năm 2016, VEC cũng chưa hoàn trả NSNN đầy đủ, kịp thời 35 tỷ đồng khoản trả lãi năm 2015 của Dự án đường cao tốc Bắc Nam (dự án cho vay lại của VEC), tiếp tục nợ thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước hơn 141 triệu đồng. Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự báo nợ công sẽ tăng lên mức hơn 3,9 triệu tỷ đồng và gần 4,3 triệu tỷ vào năm 2019, 2020, tương ứng với GDP các năm này là 6,15 triệu tỷ và 6,85 triệu tỷ đồng. Nợ công tăng quá cao có thể sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế.

Và VEC với khoản nợ dài hạn ngày càng tăng cao, dự án liên tục đội vốn nhưng lại chậm tiến độ hoặc gặp sự cố khi vừa đưa vào sử dụng…sẽ khiến áp lực nợ công ngày càng nặng nề.

Người dân “cõng” thêm gánh nợ từ VEC

Theo báo cáo số 464 ngày 19/10/2016 của Chính phủ, nợ công đến 31/12/2015 là 2.608.421 tỷ đồng, bằng 62,2%GDP trong đó, nợ Chính phủ 2.108.349 tỷ đồng, bằng 50,3% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh 463.755 tỷ đồng, bằng 11%GDP và nợ chính quyền địa phương 36.317 tỷ đồng, bằng 0,9%GDP.

Sở dĩ có sự chênh lệch tới 52.382 tỷ đồng giữa hai báo cáo như vậy theo KTNN là do nợ trong nước của Chính phủ: Thiếu 477 tỷ đồng (trái phiếu ngoại tệ trong nước 432 tỷ đồng; công trái 45 tỷ đồng); tổng hợp, báo cáo vào nợ của Chính phủ không đủ điều kiện 4.177 tỷ đồng (khoản ứng từ Quỹ tích lũy cho VEC để hoàn trả trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đến hạn 2.477 tỷ đồng; khoản trái phiếu VEC được Chính phủ bảo lãnh 1.700 tỷ đồng); tổng hợp trùng khoản vay từ nguồn chi phí cải cách doanh nghiệp 830 tỷ đồng có nguồn gốc từ vay nước ngoài đã được tính vào nợ nước ngoài của Chính phủ.

Trong khi đó, nợ được Chính phủ bảo lãnh: Báo cáo thừa 10.333 tỷ đồng; báo cáo vào nợ của Chính phủ khoản bảo lãnh phát hành trái phiếu VEC 1.700 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ chính quyền địa phương thừa 32 tỷ đồng. KTNN cho rằng, do 5 dự án đường bộ cao tốc của VEC được chuyển đổi cơ chế tài chính sang nguồn vốn đầu tư trực tiếp của Chính phủ theo Quyết định số 2072 ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ (khi đó nợ Chính phủ 2.105.149 tỷ đồng, bằng 50,2% GDP).

Thực tế này đang khiến cho nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro và gánh nặng nợ công sẽ đè nặng lên đầu người dân.