Hãy nghĩ rằng người thầy là nguồn sống của gia đình
PGS. Nghiêm Đình Vỳ, Viện trưởng Viện phát triển Giáo dục và Văn hóa nhận định, việc nâng chao chất lượng giáo dục đào tạo có nhiều yếu tố, từ chương trình cho tới đầu vào đại học, cơ sở vật chất, thiết bị, cơ chế quản lí và con người hay nói cách khác chính là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục.
Cái quan trọng nhất, cơ bản nhất vẫn là con người. PGS. Nghiêm Đình Vỳ cho rằng, sự nghiệp giáo dục vẫn là người thầy là quan trọng nhất.
Lấy ví dụ cụ thể để minh chứng cho tầm quan trọng của người thây, PGS. Vỳ đặt giả thiết, ông là chủ biên sách giáo khoa Lịch sử lớp 7 và viết sai một chi tiết là: Quân Mông – Nguyên kéo sang xâm lược nước ta, ta tiêu diệt là 50 vạn quân, nhưng ở phần ý nghĩa và kết quả thì nói quân ta tiêu diệt trên 50 vạn quân.
PGS. Nghiêm Đình Vỳ trong buổi trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Với chi tiết này nếu giáo viên giỏi thì có thể phê bình sách giáo khoa viết sai, nhưng nếu giáo viên không giỏi thì thầy viết như thế nào giáo viên dạy như thế. Do đó có thể khẳng định giáo viên là nhân tốt quan trọng nhất.
“Lâu nay chúng ta chưa chú ý đến lực lượng này, điều này thể hiện rõ nhất là chế độ đãi ngộ thấp, giáo viên không đủ ăn, không đủ mặc thì người ta không chuyên tâm vào chuyên môn. Có thể khẳng định ngay, nếu giáo viên chuyên tâm vào thì giáo dục sẽ tốt.
Giáo viên đã có trải nghiệm, có những bài giảng có người dựng thì bao giờ cũng tốt hơn hay những bài thao giảng bao giờ cũng tốt hơn bài bình thường. Phòng, Trường dự giờ thì bài giảng bao giờ cũng tốt, các cuộc thi bao giờ cũng tốt, chứng tỏ rằng vai trò của giáo viên rất quan trọng. Có khẳng định giáo viên có thể làm được nhưng chúng ta chưa tạo điều kiện” PGS. Nghiêm Đình Vỳ cho hay.
Quan điểm của PGS. Vỳ, thực tế chúng ta chưa đánh giá đúng vai trò người thầy. Vấn đề này Đảng và Nhà nước đã khẳng định người thầy là quan trọng. Trong bức thư của Bác Hồ gửi ngành giáo dục từ năm 1945 đến nay cũng khẳng định điều đó.
Vấn đề có ảnh hưởng tới chất lượng đội ngũ người thầy hiện nay theo PGS. Nghiêm Đình Vỳ là quy trình đào tạo đội ngũ nhà giáo hiện hay chưa tốt. Nhưng tốt hơn cả vẫn là lực lượng giáo viên ở bậc THPT, còn lại bậc THCS và tiểu học đang có vấn đề, bởi phần lớn lực lượng này tốt nghiệp ở các trường cao đẳng địa phương, các trường trung cấp sư phạm trước kia, thậm chí có những người chỉ cần chứng chỉ sư phạm cũng đã đi dạy.
“Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận giáo viên phải có trình độ kiến thức giỏi, nhưng phải có được nghiệp vụ sư phạm. Tôi cũng không hoàn toàn đồng ý với nhận định chương trình trước đây nặng về truyền thụ kiến thức, ít về phát triển năng lực, điều này trước đây có cả kiến thức và năng lực.
Năng lực giáo viên và năng lực bồi dưỡng cho học sinh không chỉ nằm ở chương trình và sách giáo khoa, đó là năng lực nằm trong đào tạo, năng lực nằm trong thực tiễn, năng lực trong phẩm chất, năng lực trong cuộc sống…Chứ không chỉ quan niệm làm chương trình hiện nay phải theo định hướng phát triển năng lực.
Đào tạo giáo viên hiện nay từ truyền thụ kiến thức nhưng cũng bảo đảm tiếp cận với năng lực thì mới đảm bảo cho giáo viên dạy giỏi” PGS. Nghiêm Đình Vỳ chia sẻ.
Đứng trước tình hình hiện nay về đội ngũ giáo viên, nguyên Phó Ban tuyên giáo Trung ương Nghiêm Đình Vỳ cũng
Đảng và Nhà nước cùng với xã hội cần nhận thức rõ hơn vai trò của người thầy giáo, vai trò của giáo viên trong sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo. Làm sao để vai trò của người thầy luôn có trong suy nghĩa là nguồn sống của gia đình.
Dù khó khăn nhưng phải lấy sư phạm là gốc
PGS. Nghiêm Đình Vỳ cũng cho rằng, để cho lực lượng đội ngũ người thầy đi lên cần phải xem xét lại chương trình đào tạo tổng thể cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Đổi mới theo phương pháp lấy học sinh làm trung tâm, tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, nhưng cũng bảo đảm vai trò của người thầy.
Một nhiệm vụ hết sức quan trọng theo PGS. Nghiêm Đình Vỳ là chúng ta phải cải cách lại hệ thống sư phạm. Cải cách theo hướng củng cố lại các trường sư phạm, nhất là các trường sư phạm trọng điểm. Hệ thống sư phạm hiện nay theo PGS. Nghiêm Đình Vỳ đang đứng trước một ngã ba đường, kể cả sinh viên và các trường sư phạm.
Theo PGS. Nghiêm Đình Vỳ, lượng đào tạo giáo viên hiện nay về cơ bản đã đủ, thậm chí theo tính toán đến năm 2020 có thể thừa 70 nghìn giáo viên. Nhiều trường sư phạm muốn đa ngành hóa, nhưng đa ngành hóa sẽ không thể đuổi kịp các ngành khác.
“Đứng trước ngã ba đường buộc các trường sư phạm phải đổi mới, nhưng theo tôi dù đứng trước ngã ba đó vẫn phải lấy sư phạm làm gốc. Ngoài ra tập trung đào tạo, củng cố thêm chất lượng, tập trung vào các trường lớn có thể đào tạo nhiều cấp. Có thể trường Đại học Sư phạm Hà Nội phải mở lại khoa đào tạo giáo viên cấp hai” PGS. Nghiêm Đình Vỳ bày tỏ quan điểm.
Giải pháp khác trong ngã ba đường của các trường sư phạm, theo PGS. Nghiêm Đình Vỳ các trường sư phạm phải tập trung bồi dưỡng và đào tạo lại hệ thống giáo viên hiện tại. Vấn đề này phải có chủ trương của Bộ GD&ĐT, bởi tính toán trên tổng số phạm vi của cả nước, tất cả các sở giáo dục đào tạo xem thừa, thiếu bao nhiêu.
Số giáo viên được tính toán như trên sẽ phải đi bồi dưỡng và đào tạo lại. Nếu là giáo viên cấp THPT sẽ quay về các trường đại học sư phạm, giáo viên cấp THCS và Tiểu học quay về các trường cao đẳng sư phạm, các trường cao đẳng sư phạm nếu không còn nhiệm vụ đào tạo thì sẽ làm nhiệm vụ đào tạo lại và bồi dưỡng.
Vấn đề này phải có chế độ rõ ràng cho các trường sư phạm có nhiệm vụ đào tạo lại giáo viên, và Bộ GD&ĐT phải trình để xin ngân sách nhà nước. Phải đào tạo lại thực sự ở các cấp thì mới giải quyết được bài toán nguồn nhân lực sư phạm.
“Trước mắt các trường sư phạm phải được tiếp cận ngay đổi mới chương trình và sách giáo khoa, thậm chí hiện chương trình mới chưa có nhưng các trường sư phạm phải đi trước một bước, ngay cả sinh viên năm thứ nhất cũng phải được đào tạo theo định hướng phát triển năng lực, tăng cường hợp tác quốc tế, cho giáo viên phổ thông tiếp cận với thế giới” PGS. Nghiêm Đình Vỳ cho hay.
"Tôi cho rằng, việc đổi mới căn bản và toàn diện là bước đi đúng đắn của ngành giáo dục. Tuy nhiên, muốn triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29 đó, ngành giáo dục cần phải thẳng thắn, trung thực chỉ căn nguyên của thực trạng khủng hoảng trong ngành giáo dục nhiều năm vừa qua. Có vẻ như, càng đổi mới càng sa vào tình trạng lúng túng, bế tắc, khủng hoảng. “Đổi” nhưng có những vấn đề không “mới” mà lại quay lại cái cũ. Một trong những căn nguyên đó là do nhiều người trong đội ngũ cán bộ quản lý của ngành giáo dục thiếu cái tâm đối với ngành, thiếu trách nhiệm đối với công việc và lĩnh vực mà mình phụ trách.Họ đã thiếu tư duy phản biện những chủ trương không phù hợp và thừa thói quen “tuân thủ” theo cách “trên bảo, dưới nghe”. Tôi thiết nghĩ, thay đổi cách làm việc là rất khó, thay đổi tư duy làm việc càng khó hơn. Chúng ta đã nghe quá quen thuộc câu nói cửa miệng “ Cán bộ nào, phong trào đó”. Để khắc phục tình trạng này của ngành giáo dục, tôi cho rằng tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phải là người thật sự quyết liệt, đi tiên phong trong ngành mình, gương mẫu trước cấp dưới của mình. Phải dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cần có sự thay đổi về mặt nhân sự trong ê kíp cũ của người tiền nhiệm. Nếu những cộng sự đó đã yếu kém về mặt năng lực lãnh đạo mà thiếu cái tâm đối với ngành, với lĩnh vực mình phụ trách thì phải thay thế ! Thực tiễn ngành giáo dục trong nhiều năm gần đây đã và đang bộc lộ nhiều yếu kém và cả sự bất lực, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng và đánh mất niềm tin của rất nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh. Nhiều quyết sách “trên trời”, nhiều chủ trương, nghị quyết phi khoa học, thiếu thực tiễn chưa kịp triển khai đã bộc lộ sự bất cập. Vừa làm vừa “thí điểm” và “thử nghiệm” dẫn đến phản tác dụng và tạo nên sự khủng hoảng niềm tin trong ngành và trong dư luận xã hội. Theo tôi, căn nguyên của tình trạng đó là Bộ GD&ĐT đã không chịu tham vấn sâu rộng tiếng nói từ cơ sở và đội ngũ cán bộ quản lý quản lý , giáo viên trực tiếp đứng lớp trên khắp vùng miền. Tôi nghĩ, giải pháp đầu tiên và căn bản để điều chỉnh vấn đề này là mọi vấn đề đổi mới giáo dục đều phải xuất phát từ tình hình thực tiễn của ngành, của điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước. Đổi mới chứ không phải phủ nhận sạch trơn những thành tự, ưu điểm của cái cũ. Đổi mới cũng không có nghĩa là bê nguyên xi những cái xa lạ từ nước ngoài vào trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể có nhiều sự khác biệt. Cần có tham vấn và tham chiếu, cần tôn trọng sự phản biện xã hội và tiếng nói của nhiều nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà giáo lão thành giàu tâm huyết, có thừa kinh nghiệm". Thầy Trần Trung Hiếu - Giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. |
Tác giả bài viết: Xuân Trung