Giáo dục

Hè về, cho con học hay chơi?

Không phải chỉ đến những ngày cuối tháng 5, khi kỳ nghỉ hè của các học sinh tiểu học, trung học cơ sở chính thức bắt đầu mà từ trước đó cả tháng, các phụ huynh đã đau đầu bởi câu hỏi, hè về cho con học hay chơi?.

co day tro lam banh troi ds TGAT jpg ashx
Cô dạy trò làm bánh trôi.

Kẻ chạy show, người chơi dài

Nhà có hai con đều học tiểu học, đối với chị Nguyễn Như Hảo ở Thành Công, Ba Đình Hà Nội, hè này còn “nặng gánh” hơn các hè trước vì năm nay con trai lớn của chị chuẩn bị kỳ thi chuyển cấp. Làm thế nào để con vừa có thời gian nghỉ ngơi, chơi thể thao, tham gia các Câu lạc bộ vừa đảm bảo ôn luyện cho kỳ thi vào trường chuyên mà chị nhắm tới là câu chuyện chẳng hề đơn giản.

Thế là, sau khi khảo sát rất nhiều cơ sở dạy thêm, học thêm, với các Câu lạc bộ đàn ca múa nhị, chị quyết định lên chương trình mùa hè cho hai nhóc. Cậu con trai lớn một tuần ngoài 2 buổi học văn hóa (gồm toán và tiếng việt) ở một Trung tâm thì còn 2 buổi tham gia Câu lạc bộ tiếng Anh tổ chức ngay tại trường, một buổi ôn luyện do gia sư đảm trách.

Thời gian còn lại chị cho con trai đi tập bơi, tham gia học võ ở một võ đường trong thành phố. Nói tóm lại là với cậu lớn mang tiếng nghỉ hè nhưng ngày nào cũng có chương trình. Nếu muốn về ông bà nội ở hai ngày thì cũng phải học dồn hoặc xin phép nghỉ.

Cô em gái do năm nay mới lên lớp hai nên ngoài việc học văn hóa tuần ba buổi ở nhà cô thì cũng chỉ tham gia học đàn và một lớp dạy hiphop ở Trung tâm văn hóa quận. Chị Hảo quan niệm, với trẻ em, phải trang bị cho chúng kỹ năng sống cần thiết. Muốn có kỹ năng đương nhiên phải học. Mà học thì không còn lúc nào hợp lý hơn là mùa hè.

Khác với chị Như Hảo, chị Mai Linh ở Minh Khai, Hai Bà Trưng thì lại… thả lỏng con hoàn toàn. Sau kỳ nghỉ mát cùng với cả gia đình ở Cửa Lò, chị lên kế hoạch cho hai đứa về ông bà nội ngoại mãi tận Sơn La trong vòng 2 tháng.

Từ 1/8 nhà trường bắt đầu tổ chức cho học hè thì chị mới cho con về đi học. Chị chia sẻ: “cả năm các con đã chúi đầu vào học, giờ là lúc để chúng xả hơi, làm những điều mà chúng thích. Ở thành phố nóng bức, cho về quê với ông bà ngoại, vừa tình cảm vừa cho chúng khôn ra, vì ở thành phố không phải riêng con mình, nhiều đứa trẻ chưa bao giờ nhìn thấy con lợn, con gà…, nên cứ như ngố cả lượt”.

img0234 ds yrpn jpg ashx
Hình minh họa.

Hè về, trong khi với nhiều gia đình ở thành phố câu hỏi cho con học hay chơi là bài toán nan giải thì ở các vùng quê, thậm chí là ngay vùng ngoại thành, đó là việc “chẳng phải mất thời gian động não”, như tâm sự của chị Mai Thị Hương ở Thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ. “Bố mẹ đi làm cả ngày, hai đứa nhà mình tự ở nhà coi nhau. Con nhà nông, 6, 7 tuổi đã biết nấu cơm, dù phải nhóm bếp củi. Thế nên thằng anh lớn lớp 8 đã có thể chăm em 6 tuổi ở nhà mà không cần bố mẹ”.

Chị Hương nói. Nhiều gia đình như chị Hương, ở nông thôn, trẻ em có thể mặc sức đi đến những nơi chúng muốn, thả diều, nhảy dây, đánh đáo, bơi lội, thậm chí giúp cha mẹ việc ruộng đồng, chợ búa… Trẻ tự chơi không có người quản lý nhưng cũng theo chị Hương “mình vẫn phải dặn dò, nhờ ông bà chạy qua chạy lại để chúng khỏi đi xa hay nghịch dại, chẳng may xảy ra chuyện gì...”.

Không cho con học thì sợ trẻ “quên chữ”, vào năm học sẽ vất vả, mất thời gian ôn luyện lại, còn nếu đi học thì phải mất chi phí, thời gian... Đối với nhiều gia đình, hè trở thành áp lực cho chính các bậc cha mẹ.

Không nên chạy theo phong trào

Dù cho con học hay chơi, ở đâu và như thế nào thì theo nhận định của nhiều bậc cha mẹ thì đây cũng là khoảng thời gian họ phải để mắt nhiều hơn đến con cái mình. Vì việc trẻ ở nhà đồng nghĩa phải có người chăm sóc, nấu nướng, trông coi… mà không phải nhà nào cũng có giúp việc hay ông bà.

Nhiều gia đình để con ở nhà trong tình trạng lo nơm nớp vì không biết trẻ có nghịch ngợm gì không, có tự ý ra khỏi nhà không, có bị kẻ xấu đột nhập không…

Còn với gia đình cho con đi học, bên cạnh các khoản tiền trẻ theo học các lớp (cũng lên tới cả triệu đồng/khóa) thì phải tính đến chuyện đón đưa. “Hai vợ chồng mình đều làm xa nhà, thằng bé đi học cứ 10h30 là tan, không thể về vào giờ đó nên mình đành phải thuê bác xe ôm hàng tháng đưa đón. Thế là lại phải đầu tư thêm một khoản tiền”, chị Hải Lê, nhà ở quận Long Biên than thở.

Còn anh Minh Việt, ở Mỹ Đình thì cho biết, do không có ai quản lý con nên hè anh chị cho con học bán trú ở một trung tâm với mức giá lên tới 6 triệu đồng/tháng. Bù lại sáng anh đưa con đi học, tối đón về như khi con còn chưa nghỉ hè.

Tuy nhiên, nói vậy nhưng hè về vẫn có nhiều sự lựa chọn cho các phụ huynh với chi phí không quá đắt đỏ. Nhiều lớp học võ tuần 3 buổi, mỗi buổi 1,5 giờ chỉ thu 100 ngàn/ tháng. Lớp học taekwondo thu 300 ngàn/khóa. Các lớp học dancesport, hiphop...chỉ từ 900 – 1,2 triệu cho 3 tháng hè.

Ngoài ra các Câu lạc bộ tiếng Anh cũng ở một số nơi cũng chỉ thu 50 ngàn/buổi. Các chương trình học múa ở Nhà văn hóa các quận huyện với mức thu từ 400 - 500 ngàn/ khóa học 3 tháng. Quan trọng nói như Th.S Thanh Huyền, Hội Khoa học - Tâm lý giáo dục TP HCM thì phụ huynh không nên chạy theo phong trào, mà nên chọn lựa những địa chỉ, thương hiệu đào tạo kỹ năng sống có uy tín, chuyên môn và kinh nghiệm để gửi gắm con em.

Cần xem xét, lựa chọn những khóa học hè phù hợp độ tuổi, sở trường lẫn năng khiếu của trẻ. Còn bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, Giám đốc Đào tạo Trường Ngoại khóa Tomato thì ép học những thứ con không thích thì sẽ làm khổ con. Điều cần chú ý là phải hiểu trẻ có thiên hướng thích cái gì, muốn cái gì để đáp ứng chứ không phải tìm cái gì hay, mới lạ là cho con học.

Thực tế cho thấy, nếu kết hợp tốt giữa chơi với học thì trẻ sẽ thích thú, mang lại hiệu quả cao hơn. Để chọn những khóa học hè, ngoại khóa bổ ích cho con, phụ huynh nên chú ý các tiêu chí, nội dung giúp trẻ phát triển tốt về trí tuệ, tâm hồn, thể chất.

Tác giả bài viết: Việt Hòa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP