Hỗ trợ đầu ra cho trái vải

Admin
Vải thiều chính gốc thu mua trực tiếp từ Bắc Giang, Hải Dương được vận chuyển bằng xe chuyên dụng về các điểm bán lẻ Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra… Khách hàng của Saigon Co.op sẽ được thưởng thức vải chính gốc với giá cả phải chăng

Ngày 8-6, Diễn đàn Kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang năm 2018 do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức đã thu hút sự quan tâm tham dự của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số tỉnh, thành và doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh mặt hàng trái vải. Sự kiện nhằm kết nối tìm thị trường cho trái vải Bắc Giang đang đạt sản lượng và chất lượng cao kỷ lục.

Kết nối thị trường tiêu thụ

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm nay thời tiết thuận lợi, vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt, tỉ lệ ra hoa và đậu quả cao, đặc biệt các hộ trồng vải thiều đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP và GlobalGAP nên sản lượng và chất lượng vải thiều Bắc Giang có thể nói là cao nhất những năm gần đây.

Vụ vải năm 2018, tỉnh Bắc Giang có gần 29.000 ha vải thiều, ước tính sản lượng đạt khoảng 150.000-180.000 tấn. Trong tổng diện tích trên, có 13.500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ước sản lượng đạt 90.000 tấn; 218,5 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sản lượng đạt 10.000 tấn. Dự kiến 50% tổng sản lượng vải sẽ tiêu thụ trong nước, 50% còn lại phục vụ xuất khẩu.

 Khách hàng mua vải thiều Lục Ngạn chính gốc tại siêu thị Co.opmart Ảnh: Tuấn Linh 

Vải thiều chính vụ dự kiến thu hoạch từ ngày 10-6, tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị các điều kiện hậu cần tốt nhất và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ DN, thương nhân trong và ngoài nước đến thu mua, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Song song đó, UBND tỉnh chủ động phối hợp với các tỉnh, thành bàn các biện pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ vải thiều. Cùng với đó là các kết nối giữa thương nhân tiêu thụ vải thiều của tỉnh với các nhà mua hàng là doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân chợ đầu mối...

Liên kết vùng nguyên liệu

Từ đầu năm, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op đã chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND tỉnh Bắc Giang và Hải Dương xây dựng kế hoạch chi tiết bao tiêu vải thiều. Theo kế hoạch, từ ngày 28-5 đến 15-7, Saigon Co.op cam kết bao tiêu 400 tấn vải thiều được khai thác trực tiếp từ những tổ sản xuất tại Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) và tỉnh Hải Dương.

Là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam với mạng lưới rộng khắp cả nước gồm 97 siêu thị Co.opmart, 3 đại siêu thị Co.opXtra, hơn 230 cửa hàng thực phẩm Co.op Food, 70 Co.opSmile, 3 cửa hàng tiện lợi Cheers, 142 cửa hàng Co.op..., Co.opmart đã trở thành thương hiệu quen thuộc của người dân thành phố và người tiêu dùng cả nước. Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đặc biệt chú trọng đến chất lượng hàng hóa kinh doanh tại siêu thị. Bên cạnh đó, Saigon Co.op còn đẩy mạnh xây dựng các vùng nguyên liệu rộng lớn về nông nghiệp thông qua việc thiết lập một mô hình gắn kết chuỗi giá trị giữa sản xuất, phân phối và người tiêu dùng. Từ đó, tạo tiền đề liên kết và phát huy lợi thế của 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất (nông dân) và nhà phân phối để đưa sản phẩm sạch, an toàn tới tay người tiêu dùng.

Những năm gần đây, Saigon Co.op còn là một trong những nhà bán lẻ chủ lực tham gia "giải cứu" kịp thời hàng trăm tấn nông sản (điển hình là dưa hấu) giúp nông dân thu hồi vốn, hạn chế lãng phí xã hội và quan trọng hơn là từ đó giúp người trồng có vốn để tái đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống. "Không để tình trạng "giải cứu" xuất hiện vào mỗi mùa nông sản, Saigon Co.op chủ động kết nối các vùng nguyên liệu; bao tiêu sản phẩm từ nông sản đến thủy hải sản, các loại thịt tươi sống; hỗ trợ về vốn và kiến thức, giúp nông dân ổn định đầu ra, yên tâm sản xuất để tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, giá cả hợp lý nhằm phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng trên cả nước" - ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Thường trực Saigon Co.op, nói.