Hoàng Su Phì sau mùa lúa chín

Admin
Thu về, lúa chín trên miền di sản ruộng thang bản Nhùng, bản Phùng, qua đến bản Luốc Nậm Ty, Hồ Thầu, Tả Sử Choóng, Nậm Khòa… của Hoàng Su Phì hẳn mê mẩn khách xuôi bởi vẻ diễm lệ, hùng vĩ, đáng hơn một lần hạnh ngộ. Lúa gặt về, miền đất ấy lại khiến người xuôi mê đắm bởi những điều hấp dẫn khác.

Từ Hà Nội, cách đến Hoàng Su Phì là theo quốc lộ 2 đến ngã ba Tân Quang, ngược hướng núi vào đường DT177. Nếu trong điều kiện đường đẹp, trời không phụ lòng người, đi từ Hà Nội đến ngã ba Tân Quang mất tầm 5 giờ đồng hồ cho khoảng 240km, rồi từ Tân Quang vào thủ phủ Hoàng Su Phì là thị trấn Vinh Quang, chỉ 60km đường nhưng có lái lụa lắm cũng trên 3 giờ đồng hồ, còn phổ thông phải lên đến 4, thậm chí 5 tiếng sau khi lái xe đã “xơi” no hàng nghìn con cua núi, còn người trên xe thì mật xanh mật vàng, đầu quay cuồng vì say.

Cung đường “đẹp” DT177 vài năm nay đang đại tu nhan sắc, cơi nới thênh thang, chưa hoàn thiện nên muốn vào được Hoàng Su Phì, phải qua đủ kiếp nạn thống khổ của đường đèo, nửa ngày có khi chưa đến nơi. Đấy cũng là lý do hiếm lữ khách xuôi lọ mọ vào chốn hoang sơ ấy.

Tìm về nguyên sơ

Có lẽ hành trình lên Hoàng Su Phì quá khổ nên mỗi khi đặt chân xuống miền đất ấy, thấy đời như nở hoa, sự gì cũng đẹp, từ những thứ giản đơn như vệt cỏ ven đường, đến mây núi xa xa, cho đến đại cảnh của lúa chín tầng tầng, của vô số thác nước hùng vĩ, của biển mây trên đường lên đỉnh Chiêu Lầu Thi 2.402m, cả những khu rừng nguyên sinh thâm u xa lạ dấu chân người.

Với người yêu thiên nhiên, miền đất này được ví như tiên cảnh bởi cái đẹp hoang sơ, dân dã, đủ làm đã đời con mắt kẻ phàm trần. Những cao độ, nước đầu nguồn, rừng nguyên sinh… mang lại cho không gian nơi ấy sự trong lành đến kỳ diệu, bởi thế ở xứ này ăn thứ gì cũng thấy ngon, uống nước đâu cũng ngọt, ngủ qua một đêm sớm thức giấc đợi bình minh lên, để sương lùa vào kẽ tóc, đậu ướt hàng mi, nhìn đời chậm trôi và dễ tự mỉm cười bởi… quá đẹp.

Các nấc thang vàng của mùa gặt ở Tả Sử Choóng.

Khách xuôi hỏi lên Hoàng Su Phì mùa nào hấp dẫn? Nếu thích ngoạn cảnh, mùa lúa hẳn là mùa đẹp. Cái mát mẻ trời thu, cộng thêm tiết trời biết chiều lòng người, ấy là không mưa, nắng không to quá, để những nấc thang vàng từ thửa ruộng di sản cứ thế diễn nét đẹp hiếm nơi nào bì kịp. Phải nói thêm nếu lên xứ này những ngày mưa, mới thấy nguy hiểm của núi rừng từ những vụ lở đất như cơm bữa, nhẹ thì gián đoạn giao thông, nặng thì… trời kêu ai nấy dạ.

Cái lạnh se se buổi chớm đông, cũng là những tháng ngày mây quần tụ về đỉnh Chiêu Lầu Thi. Thật đáng làm chuyến tản bộ theo cung đường mòn nay đã “độ” lại khang trang, đủ đẹp, đủ an toàn, đủ cho người không mấy yêu thể thao cũng có thể vác tấm thân chinh phục đỉnh núi. Hành trình ấy, có cơ duyên, sẽ thấy mình đang đằng vân phiêu cùng biển mây phủ trên tán rừng già.

Theo miền phong cảnh khi đã đủ đầy, xứ xa Hoàng Su Phì còn một danh sách gây mê khác, ấy là “thực”. Ở nương vào núi ăn đồ của núi (kháo sơn thực sơn). Câu nói của người xưa chẳng sai. Ở nơi ấy, nước trong, đất tốt, gieo cái gì cũng mọc xanh mơn mởn, các loại gia súc, gia cầm cũng cứ thế phát triển theo cái nguyên sơ, trong veo ấy, nên ở bất kỳ mâm cơm nào cùng người bản địa, cắn cọng cải mèo luộc thôi cũng đủ khiến khách xuôi khen tấm tắc bởi độ ngọt cùng cái đắng nhẫn đậm đà hiếm gặp nơi miền xuôi. Chưa kể đến nào là gà thả, lợn chạy rông, bò tơ, dê núi, cá chép ruộng, đến cả những đặc sản tự nhiên như con bọ cứng (người bản địa gọi con tu pù), cùng cơ man các loại rau rừng chỉ biết ăn là ngon, hỏi đến tên thì… mù tịt. Riêng ở khâu “thực” xứ này, mùa nào cũng đều là mùa ngon.

Sau mùa lúa chín

Với cộng đồng dân tộc bản địa, thời điểm vui và rộn ràng nhất ở Hoàng Su Phì, chính là sau mùa gặt. Ở đây, tính cộng đồng bản làng vẫn được duy trì, thể hiện qua mùa gặt. Lúa nhà ai chín trước, cả bản cùng huy động người đến gặt giúp, nay tôi giúp anh, mai anh giúp lại. Gặt xong một nhà, gia chủ lại ngả mâm cơm đãi khách. Vậy là riêng trong sinh hoạt cộng đồng các dân tộc như Nùng, Dao, H’mông, La Chí… mùa gặt là mùa của lao động và tiệc tùng, kéo dài cả tháng. Ở mùa lúa chín, mọi công việc khác đều bị đình trệ.

Chị Nguyễn Thị Cúc, quản xưởng của Hà An trà ở xã Tân Tiến, Hoàng Su Phì kể: “Đến mùa gặt, nhân công đang làm trà cho mình họ xin nghỉ hết đề về đi gặt, lương cao mấy cũng đừng mong giữ chân họ, khi về xin nghỉ một tuần nhưng bao giờ cũng kéo dài ít thì hai tuần, thậm chí cả tháng mới quay lại, mùa gặt như mùa hội của họ đấy!”.

 Góc bán trà cổ thụ ở chợ phiên Vinh Quang mỗi sáng Chủ nhật.

Một mùa bội thu, sau đó cũng là quãng thời gian chuẩn bị nghỉ đông, ruộng nương đồng áng hết việc, đủng đỉnh chờ tết đến nên đây là lúc người bản địa tận hưởng cuộc sống an nhàn. Một số hộ gia đình mở thêm loại hình kinh doanh du lịch kiểu khám phá, đưa khách đi tham quan vùng trà cổ thụ, đi săn mây trên núi Chiêu Lầu Thi, đi săn thác rừng, thưởng thức sản vật địa phương ở các chợ phiên Túng Sán, bản Máy, Nậm Dịch, Vinh Quang… Khách tham quan tuy chưa ồ ạt, rầm rộ như cung Đồng Văn - Mèo Vạc, nhưng ai trở về cũng mang cảm nhận tích cực, đặc biệt là câu chuyện được sống những ngày chan hòa với thiên nhiên hoang sơ.

Sau mùa lúa, cũng là dịp để cảm tạ đất trời, nhiều nghi lễ cúng tế, nhiều sự kiện trọng đại của gia đình… được cử hành trong thời điểm này để bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, với núi rừng. Những lễ cúng rừng, cúng trà, nghi thức nhảy lửa, lễ mừng cơm mới… Mỗi dân tộc, mỗi nghi lễ lại mang phong tục, bản sắc riêng. Trong đó hấp dẫn và ấn tượng nhất chính là nghi thức nhảy lửa của người Dao đỏ. Ngày trước, nghi thức nhảy lửa chỉ được thực hiện vào những dịp trọng đại, nhưng nay đã cởi mở hơn, mọi người dễ dàng tham dự những nghi thức nhảy lửa cầu bình an, do các thầy cúng và thanh niên trai tráng trong cộng đồng cử hành khi nhà đón khách.

 Triệu Tài Pú (phải), thanh niên tiêu biểu làm du lịch cộng đồng ở Hồ Thầu.

Tham dự một nghi thức nhảy lửa ở Hồ Thầu do người Dao đỏ bản địa tổ chức, lễ vật bày trên bàn thờ trước sân nhà, lời cúng được thầy cúng nhập tâm thưa cùng thần linh, đoạn gieo các thanh tre đoán biết sự đồng thuận… thành viên tham gia nhảy lửa là thanh niên Triệu Tài Pú chia sẻ về lễ cúng: “Người Dao chúng em quan niệm nhảy lửa không bị bỏng là nhờ thần linh và tổ tiên phù hộ, lời cúng là thỉnh mời các ngài về chứng giám. Các ngài có đồng ý nghi thức mới diễn ra được”. 

 Nhảy lửa, nghi thức thực hành tín ngưỡng độc đáo của người Dao ở Hồ Thầu.

Nhìn ở góc độ du lịch, khám phá, nghi lễ nhảy lửa của người Dao Hoàng Su Phì mang lại nhiều chấm phá đặc sắc, gây thích thú, tò mò cho người tham quan. Đây cũng là cách duy trì các phong tục, bản sắc độc đáo mang tính dân tộc, vùng miền, nhất là lưu giữ lại các lời văn cúng (vốn dĩ rất dài) lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Sau lễ cúng, bao giờ cũng lại là một buổi tiệc linh đình bày những món ngon đặc trưng trong văn hóa ẩm thực người Dao, với lợn, gà, rau rừng, rượu ngô… dễ khiến lữ khách say đến quên cả lối về.

Tác giả: Thiên An

Nguồn tin: nguoidothi.net.vn