Giáo dục

Học sinh “ngồi nhầm lớp”: Kỉ luật giáo viên không giải quyết được vấn đề

“Nếu sử dụng các biện pháp hành chính như cách chức Hiệu trưởng, kỉ luật giáo viên đối với một số trường hợp học sinh ngồi nhầm lớp như vừa qua, tôi nghĩ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã minh chứng: Khi được hỗ trợ về giáo dục đặc biệt, các em học sinh này có tiến bộ rõ rệt”.

Gần 7% trẻ em lớp 2 và lớp 5 có khó khăn đặc thù trong đọc, viết và làm Toán

Trên đây là ý kiến của một số chuyên gia tại Viện KHGD Việt Nam khi nói về đối tượng học sinh “ngồi nhầm lớp” và cách thức hỗ trợ các em ra sao. Đặc biệt, các chuyên gia này cho rằng, biện pháp “cách chức” cán bộ hoặc kiểm điểm giáo viên như thời gian qua, không giải quyết được vấn đề mà đối tượng học sinh này đang gặp phải.

PGS.TS Phạm Minh Mục, Giám đốc TT Giáo dục Đặc biệt, Viện KHGD Việt Nam: “Chúng tôi rất bức xúc”

Từ trước đến nay, câu chuyện học sinh không biết đọc, biết viết đều được đổ do bệnh thành tích, do giáo viên và nhà trường thiếu quan tâm. Nghiên cứu này phần nào đã chỉ ra nguyên nhân, đó là những học sinh bị “khuyết tật học tập” nhưng chưa có biện pháp can thiệp, giáo dục phù hợp.

Thật sự, chúng tôi rất bức xúc về nhận định này nên trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, chúng tôi đã dồn tâm và trí cho việc nghiên cứu này và muốn công bố với xã hội rằng, đây là một bộ phận học sinh (không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới) không học được không phải môi trường, không do giáo viên không quan tâm mà nguyên nhân do các em gặp phải vấn đề khó khăn trong học tập nên cần phải có sự hỗ trợ đặc biệt mới hoàn thành được chương trình phổ thông, cũng như hòa nhập trong cuộc sống sau này.

PGS. TS Phạm Minh Mục

Vì vậy, qua nghiên cứu này, chúng tôi mong muốn nhà nước quan tâm hơn nữa đối tượng học sinh có khó khăn đặc thù trong học tập, đồng thời đề xuất được tập trung phát triển nguồn nhân lực có kiến thức kĩ năng để hỗ trợ các em và nguồn tài liệu tham khảo. Còn nếu sử dụng các biện pháp hành chính như cách chức Hiệu trưởng, kỉ luật giáo viên như trường hợp học sinh ngồi nhầm lớp ở một số địa phương vừa qua, tôi nghĩ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã minh chứng: Khi được hỗ trợ về giáo dục đặc biệt, các em học sinh này có tiến bộ rõ rệt nên việc hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông không phải là vấn đề khó khăn.

Về giải pháp trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị với Bộ GD&ĐT cũng như một số tổ chức quốc tế để xây dựng bộ công cụ đánh giá sự tiến bộ của học sinh để sàng lọc nhận diện những khó khăn, biên soạn tài liệu, tập huấn giáo viên. Đối tượng này không thể học chuyên biệt và phải học hòa nhập nhưng giáo viên phải có kiến thức kĩ năng để hỗ trợ các em này bởi như tôi đã nói, các em này có khi chỉ gặp khó khăn ở một khâu nào đó trong học tập nên chỉ cần phát hiện ra hoặc tháo gỡ được khó khăn này, sẽ giúp các em vượt qua để học tập bình thường.

PGS.TS Lê Văn Tạc, chuyên gia cao cấp về giáo dục đặc biệt, Viện KHGD Việt Nam: “Không nên “vị tha” mà tạo cơ hội khác cho các em”!

Việc trẻ ngồi nhầm lớp trước hết do chủ quan của giáo viên, do sức ép gì đó buộc giáo viên phải cho đứa trẻ lên lớp trong khi không biết đọc biết viết. Tuy nhiên, qua nghiên cứu của chúng tôi, thực tế có một số học sinh gặp khó khăn rất đặc thù.

Chẳng hạn các em này có thể nói rất hoa mỹ, hoạt ngôn, hoạt động xã hội tốt, làm toán tốt nhưng lại không biết đọc, không ghép từ được. Hoặc có trường hợp viết được nhưng không đọc được do không định hình được chữ nào đứng trước, chữ nào đứng sau, còn nhầm “ng” hoặc “ngh”, nhầm “p”, “q”. … Nguyên nhân chính của hiện tượng này, không phải do giáo viên mà do chính bản thân đứa trẻ đó gặp phải khó khăn đặc thù trong học tập.

PGS.TS Lê Văn Tạc

Ở nước ngoài, đối tượng này rất nhiều. Tuy nhiên, tỉ lệ cao hay thấp là do tiêu chí đánh giá của chính nước đó. Chẳng hạn, ở Mỹ, do chuẩn đặt ra cao nên có một số bang, tỉ lệ trẻ em tiểu học gặp khó khăn trong học tập tới 19%. Trong khi đó ở một số nước, tiêu chí thấp, tỉ lệ cũng thấp hơn. Ở Việt Nam, tỉ lệ này gần 7%.

Nhận xét về tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” hiện nay, tôi nhận thấy góc độ trung thực trong giáo dục, cháu nào không học được thì nên công bằng nhìn nhận để đưa các cháu vào đối tượng hỗ trợ học tập. Không nên “vị tha” để trở thành lỗi của ngành giáo dục mà phải tạo cho các em cơ hội học tập khác.

Do vậy, có thể nói nghiên cứu của chúng tôi đã tìm ra nguyên nhân và bản chất của đứa trẻ để từ đó có những hỗ trợ học tập sao cho khác đi. Nhiệm vụ của nhà trường phải phát hiện ra và có biện pháp để hỗ trợ học tập cho các em hoặc khắc phục một phần nào khiếm khuyết, nếu cứ cho lên lớp thì có lỗi với đứa trẻ.

Một nghiên cứu mới nhất, do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam vừa công bố ngày 2/12 đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Theo đó, gần 7% học sinh gặp phải vấn đề khó khăn đặc thù về đọc, viết và làm Toán. Các chuyên gia ở Viện KHGD Việt Nam cho rằng, có thể gọi tên đối tượng này là những trẻ em có khó khăn về học tập còn trong nghiên cứu, có thể gọi đó là đối tượng “khuyết tật học tập” (students with learning disabilities).

Tác giả bài viết: Mỹ Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG