Trước đó, như Dân trí đã thông tin, nhiều phụ huynh có con đang theo học tại trường tiểu học Thiệu Thịnh và giáo viên đang công tác ở đây thì năm nào nhà trường cũng đề ra nhiều khoản thu vô lý, không công khai minh bạch việc thu những khoản đó sử dụng vào mục đích gì.
Dù không công khai các khoản thu, chi nhưng năm học 2015-2016, nhà trường còn yêu cầu phụ huynh phải đóng bù tiền trang trí lớp học là 40.000đ/HS do trong năm đã chi âm. Việc tiền điện quy định HS không phải đóng nhưng nhà trường vẫn thu tiền quạt điện 60.000đ/HS; tiền xã hội hóa với mức 300.000đ/HS (lớp 1); 250.000đ/HS (lớp 3, 4) và 200.000đ/HS (lớp 5) cũng không được công khai đến phụ huynh. Ngoài ra học sinh vẫn phải đi học thêm và đóng 400.000đ/HS.
Ngày 31/8, Phòng GD-ĐT huyện Thiệu Hóa đã mời phụ huynh có đơn tố cáo lên để làm việc. Tại buổi làm việc, ông Lê Đức Hạnh, Trưởng Phòng GD-ĐT cho rằng nội dung phụ huynh tố kế toán trường không bỏ tiền học thêm và tiền xã hội hóa giáo dục vào sổ sách là đúng.
Ông Hạnh giải thích: “Năm học 2016-2017, theo nguyện vọng của học sinh là tham gia sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) Toán, CLB tiếng Việt nên nhà trường đã mở CLB để giao lưu học hỏi cho học sinh và thu mỗi em 400.000đ. Tuy nhiên, đây là sinh hoạt CLB chứ không phải học thêm”.
“Vì là câu lạc bộ nên nhà trường không mở sổ sách chi tiêu khoản này. Không có sổ sách nên không rõ khoản này chi như thế nào, bao nhiêu cho quản lý, bao nhiêu phần trăm cho giáo viên... Trách nhiệm này là do Hiệu trưởng. Còn việc không mở sổ sách là do Hiệu trưởng không giao cho kế toán hay giao mà kế toán không mở thì việc này thanh tra sẽ làm rõ” - ông Hạnh nói.
Tại Công văn số 1524/SGDDT-KHTC về việc hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách trong các đơn vị trường học năm 2016-2017 ngày 4/8/2016 do Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa ký nêu rõ: “Nguyên tắc quản lý khoản thu xã hội hóa, các trường phải niêm yết công khai, báo cáo quyết toán số kinh phí đã huy động và kết quả thực hiện. Khoản thu này phải đưa vào sổ sách kế toán và hạch toán, thanh quyết toán theo quy định. Các tài sản được mua sắm, sửa chữa phải hạch toán tăng tài sản và sử dụng trong nhà trường (thực hiện hạch toán và khấu hao tài sản theo đúng quy định hiện hành)”.
Thế nhưng, theo lời giải thích của Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thiệu Hóa với phụ huynh thì khoản thu xã hội hóa này giao cho phụ huynh tự thu, tự chi nên kế toán trường không biết và không mở sổ sách thu chi.
Trường tiểu học Thiệu Thịnh, nơi kế toán bị tố thu chi bỏ ngoài sổ sách |
“Đáng lẽ chủ quản lý là nhà trường chứ không phải là phụ huynh nhưng UBND xã lại không cho trường quản lý số tiền đó mà giao cho phụ huynh. Phụ huynh có học hành kế toán gì đâu mà có sổ sách thu chi. Phụ huynh thu bao nhiêu, chi bao nhiêu thì cũng quyết toán với nhà trường, không phát hiện dấu hiệu tham ô, không thấy thất thoát là được” - ông Hạnh cho biết.
“Còn việc nhà trường và UBND xã chưa báo cáo huyện phê duyệt làm những công trình gì là sai. Sau này cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của Hiệu trưởng” - ông Hạnh khẳng định.
Cũng theo ông Hạnh thì hiện UBND huyện đã giao cho thanh tra, thanh tra tất cả những nội dung mà phụ huynh nêu trong đơn cũng như phản ánh với báo chí. Sai như thế nào và quy trách nhiệm cho ai, phía thanh tra sẽ làm rõ.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đức Hạnh xác nhận: “Sau khi có phản ánh của báo thì lãnh đạo UBND huyện Thiệu Hóa đã giao cho Chánh thanh tra sẽ thành lập đoàn thanh tra để thanh tra, khẩn trương, nghiêm túc và có báo cáo kết quả với báo chí”.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc!