Giáo dục

Học tiếng Anh từ lớp 1: Mỗi trường một kiểu, phụ huynh hoang mang

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 được Bộ GD&ĐT triển khai từ lớp 3 đến lớp 12. Tuy nhiên, nhiều năm nay, các tỉnh đã đưa chương trình dạy học ngoại ngữ vào từ lớp 1 bằng hình thức liên kết song song với dạy học song ngữ. Không ít phụ huynh bức xúc, lo lắng vì chương trình dạy học liên kết thu phí cao mà chất lượng dạy học không đo đếm được.

Nhiều trường triển khai dạy học tiếng Anh ngay từ lớp 1

Anh Nguyễn Chí Anh, phụ huynh học sinh lớp 1, một trường ở quận Long Biên (Hà Nội) cho biết: “Con học tiếng Việt chưa rành, cùng lúc trường đã triển khai hai chương trình tiếng Anh với mức học phí khủng”. Theo anh Chí Anh, riêng tiền các khoản thu trong tháng 10, gia đình phải đóng lên gần 5 triệu. Trong đó, tiền phí học tiếng Anh Language Link kỳ I lên tới 3 triệu đồng; tiền mua sách học Language 350 nghìn đồng; tiền học song ngữ 400 nghìn đồng, sách song ngữ 2 quyển 130 nghìn đồng. Chương trình tiếng Anh trên nguyên tắc tự nguyện nhưng khi giáo viên thông báo, đa số phụ huynh đều đăng ký, nộp tiền nên anh cũng không dám thắc mắc.

Anh Chí Anh cho rằng: “Điều tôi lo lắng không phải là số tiền mà chính chương trình học nhiều như vậy con có theo nổi hay không, trong khi con còn đánh vật với tiếng Việt”.

Anh Ngô Văn Lục, có con là học sinh lớp 3, một trường ở quận Đống Đa cũng chia sẻ: “Cùng lúc con có tới 2 môn tiếng Anh với 7 quyển sách gồm chương trình chính thống của Bộ và chương trình liên kết. Học nhiều nhưng kiểm tra trình độ chỉ i tờ, mẹ hỏi gì cũng không biết tối về đành dạy lại bài từ đầu cho con”. Theo anh Lục, con gái anh cũng học chương trình làm quen với ngoại ngữ từ lớp 1 do trường liên kết với các trung tâm, học phí mỗi năm khoảng 8 triệu đồng.

Điều khiến các phụ huynh băn khoăn là mỗi trường liên kết với một trung tâm khác nhau, giáo trình khác nhau thì chất lượng dạy học sẽ như thế nào? Dù là chương trình tự nguyện nhưng khi giáo viên thông báo gần 100% phụ huynh đăng ký cho con học, nên nhiều người cũng không dám đặt mình ngoại lệ.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang, có con học 1 trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng cho biết: “Nhiều lần tôi thắc mắc với trường, tại sao lại chọn trung tâm liên kết này mà không phải là trung tâm khác, dựa trên tiêu chí nào thì cả giáo viên và hiệu trưởng đều lảng tránh, chỉ nói phụ huynh có quyền cho con học hoặc không. Nhưng nếu không học, tiết tiếng Anh con sẽ phải ngồi một mình trong lớp”.

Mỗi trường một kiểu

Bà Ngô Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, trường triển khai dạy tiếng Anh cho học sinh ngay từ lớp 1. Giáo trình Family với dung lượng 4 tiết/ tuần do giáo viên bản ngữ và giáo viên người Việt phụ trách. Trường này cũng cùng lúc thí điểm 2 lớp học song ngữ môn Toán và Tự nhiên xã hội, tuy nhiên là trường chất lượng cao nên phụ huynh đã đóng học phí trọn gói theo từng tháng.

Bà Đào Thị Thủy, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết, trường hiện có hai chương trình tiếng Anh cho học sinh từ lớp 1. Trong đó, lớp tiếng Anh chất lượng cao chiếm đa số học sinh với khoảng 600 em. Học sinh theo lớp này sẽ học giáo trình Kid’s box với thời lượng 8 tiết/ tuần (3 tiết giáo viên bản ngữ). Song song đó là lớp theo chương trình quốc tế Cambridge, thời lượng 8 tiết/ tuần hoàn toàn do giáo viên bản ngữ dạy. Hai chương trình này do học sinh tự nguyện đăng ký có mức học phí hoàn toàn khác nhau.

Trường tiểu học Thanh xuân Trung cũng triển khai song song hai chương trình làm quen tiếng Anh từ lớp 1. Trong đó, những học sinh đăng ký cho con học theo chương trình Language Link sẽ được xếp vào một lớp (học phí 3 triệu đồng/ kỳ), học sinh đăng ký theo chương trình Dynet (200 nghìn/ tháng) được xếp vào lớp khác. Bà Đinh Thùy Dương, Hiệu trưởng trường cho biết, vì chương trình tự nguyện nên cả hai chương trình chỉ có 100/ 300 học sinh lớp 1 theo học. Trường cũng không triển khai dạy học song ngữ khi các con còn quá nhỏ tuổi. “Muốn triển khai dạy học song ngữ phải có sự lựa chọn học sinh, trong khi đó quy định không được phép kiểm tra, đánh giá đầu vào nên trường không nghĩ tới”, bà Dương nói.

Theo đề án dạy học ngoại ngữ quốc gia, chương trình chính thức của Bộ GD&ĐT có hệ 10 năm bắt đầu triển khai từ lớp 3 đến lớp 12. Tuy nhiên, nhiều năm lại đây, các địa phương đưa môn tiếng Anh vào từ ngay lớp 1, thậm chí là các trường mầm non cho trẻ làm quen. Do chưa phải chương trình chính thống của bộ nên mỗi trường tự liên kết với một trung tâm tiếng Anh nào đó, giáo trình dạy học vì thế cũng có ba bảy loại như: Let’s go, Family and Friend, kid’s box…Các trường cũng tự thiết kế dung lượng học, giá tiền khác nhau trên cơ sở thỏa thuận với phụ huynh. Tuy nhiên, trên thực tế, thời lượng và giá học phí do trường quy định.

Trả lời báo chí, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, chương trình tiếng Anh từ lớp 1,2 ở các trường là không bắt buộc. Các trường triển khai chỉ nhằm mục đích giúp các em làm quen môn học một cách nhẹ nhàng, tự nhiên để không bỡ ngỡ khi chính thức học chương trình của Bộ.

Ông Phạm Sỹ Thư, Trưởng Ban đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 Bộ GD&ĐT cho rằng, chương trình tiếng Anh của Bộ triển khai bắt đầu từ lớp 3, Bộ cũng chưa ban hành văn bản nào hướng dẫn các trường dạy học song ngữ. Muốn dạy học song ngữ, trường phải có cơ sở vật chất, giáo viên đạt trình độ, kỹ năng và sự đồng tình của phụ huynh học sinh.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG