“Hội nhập để phát triển nhưng không phải bằng bất kỳ giá nào”

Lợi Trần
Theo ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, mục đích chính của hội nhập là phát triển, nhưng phát triển không có nghĩa là bằng bất kỳ giá nào.

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII có ra Nghị quyết số 06 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Trong đó, Nghị quyết đánh giá hội nhập mang lại cho nước ta cả cơ hội và thách thức. Những cơ hội và thách thức có mối quan hệ qua lại và có thể chuyển hoá lẫn nhau. Cơ hội có thể trở thành thách thức nếu không được tận dụng kịp thời. Thách thức có thể biến thành cơ hội nếu chúng ta chủ động ứng phó thành công.

Phóng viên Báo điện tử VOV phỏng vấn ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, về chủ đề cơ hội và thách thức của Việt Nam khi hội nhập.

Cần chính sách “đòn bẩy” thực sự, không phải khẩu hiệu

PV: Thưa ông, gần đây chúng ta bàn rất nhiều đến tính hai mặt của hội nhập là có cả những thách thức và cơ hội. Vấn đề đặt ra là ta phải làm thế nào để biến thách thức thành cơ hội và gặt hái thành công. Quan điểm của ông thế nào về luận điểm này?

 

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (Ảnh: Bình Minh)


Ông Vũ Khoan: Người Việt Nam ta rất thích dùng từ hoa mỹ, có cánh. Ta nói trong thách thức có cơ hội, trong cơ hội có thách thức, nhưng mà cụ thể hóa nó ra thì không ai chỉ ra cho rõ thách thức ấy thì cơ hội ở đâu với từng lĩnh vực, từng mặt hàng. Đây là làm ăn kinh tế, không thể nói khẩu hiệu chính trị được. Trong khi đó, ta mới chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu đó thôi. Như thế rất khó để đối phó với thực tế rất ngặt nghèo trên thương trường.

PV: Như ông vừa nói, ta vẫn nói khẩu hiệu rất nhiều, mà thách thức thì hiện hữu, năng lực thực tế của chúng ta, cả doanh nghiệp và chất lượng hàng hóa, còn hạn chế. Trung ương đặt vấn đề ta phải nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa để xuất khẩu thu về giá trị nhiều hơn nhằm góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững hơn. Vậy khi mà ta chưa chỉ rõ những nguy cơ, thách thức… thì làm thế nào để đạt mục đích đặt ra, thưa ông?

Ông Vũ Khoan: Tôi lấy ví dụ thế này, ta rất dễ nói rằng phải nâng cao giá trị nông sản. Nhưng vấn đề đặt ra là ai làm và làm như thế nào thì vẫn là câu hỏi. Bây giờ muốn nâng cao giá trị gia tăng thì ta phải làm gì?

 

Tôi không phải là nhà nông nghiệp, nhưng tôi hình dung thế này: Một là, phải chọn những sản phẩm mà thế giới cần. Lúa gạo người ta cũng cần nhưng không phải là cái số 1, mà giá trị gia tăng cũng không cao. Vậy ta chọn cái gì thì phải rõ ràng. Hai là, muốn nâng cao giá trị gia tăng thì cũng phải có chế biến. Chế biến thì cần doanh nghiệp. Mà doanh nghiệp làm thì lại đụng vấn đề đất đai, hạn điền, không tập trung được. Không sản xuất lớn được thì không nâng cao giá trị gia tăng được.

Tức là những cấu kiện, biện pháp phụ trợ đó mà không đi theo thì khẩu hiệu vẫn là khẩu hiệu thôi. Tôi mong đợi rất nhiều biện pháp phụ trợ đó, những đòn bẩy kinh tế, những chính sách kinh tế đó chứ không phải các khẩu hiệu. Kinh nghiệm cả 30 năm qua cho thấy, nhiều cái vướng mắc là vẫn dừng lại ở khái niệm.

Không phải phát triển bằng mọi giá

PV: Trung ương đặt vấn đề phải kiên định mục tiêu hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc và giữ ổn định chính trị trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bình đẳng và hợp tác cùng có lợi. Vậy với vị thế và năng lực của Việt Nam như hiện nay, chúng ta cần phải ứng xử thế nào để gặt hái thành công từ hội nhập, giảm thiểu thiệt hại, thưa ông?

Ông Vũ Khoan: Thực sự thì muốn ổn định chính trị hay không, nó có nhiều yếu tố chứ không phải riêng hội nhập, hội nhập chỉ là một trong những nhân tố. Mà mục đích chính của hội nhập là phát triển. Nhưng phát triển không có nghĩa là bằng bất kỳ giá nào, mà phát triển phải trên cơ sở giữ vững đất nước ta được độc lập chủ quyền và giữ chế độ của chúng ta.

Nhưng để giữ vững được độc lập chủ quyền và chế độ ta, cần nhiều nhân tố khác quan trọng hơn cả hội nhập. Đó chính là vấn đề nội bộ của chúng ta. Trung ương cũng vừa bàn đến cả vấn đề nội xâm và ngoại xâm. Trung ương cũng nói rõ rồi, nội xâm là chính, tức là cái của ta là chính.

Chơi luật chung, nhưng ta phải có đội hình riêng

PV: Ông là người có kinh nghiệm nhiều năm làm thương mại, ngoại giao. Theo ông, chúng ta có thể chắt lọc được kinh nghiệm nào của quốc tế cho Việt Nam, dĩ nhiên là không áp dụng máy móc, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, thưa ông?

Ông Vũ Khoan: Vấn đề này rất là rộng. Tôi nghĩ, cách tiếp cận duy nhất mà tôi muốn nhấn mạnh, đó là chúng ta sống không phải trên một hoang đảo mà chúng ta sống trong một thế giới thì chúng ta phải nhìn ra thế giới xem nó biến động thế nào, xem người ta làm ăn ra sao, thành công do đâu, thất bại do đâu. Rồi từ đó rút kinh nghiệm, áp dụng vào điều kiện cụ thể của mình.

Tức là lấy cái chung để làm cái riêng, chứ không phải đường ta ta cứ đi. Không phải cứ do đặc thù của mình thì cứ đi đường riêng của mình mà không giống ai cả. Mình cần phải giống nhưng mà vận dụng vào hoàn cảnh Việt Nam chứ không phải máy móc. Ta không thể làm như Thụy Sỹ, Singapore, nhưng ở những nước đó họ có những cái hay tại sao mình không làm. Cách tiếp cận nó phải như vậy, chứ chẳng có mô hình nào phù hợp với Việt Nam. Vì thế ta không thể áp dụng máy móc được.

Đó là tôi nói về nhận thức. Còn đi vào cụ thể, ví dụ nợ công, nợ xấu ta đang tính theo chuẩn khác, vậy thì làm sao mà so sánh được với những nước khác. Cho nên, cần phải theo những cái chuẩn chung. Hội nhập chính là theo luật chơi chung, còn chơi luật chơi đó thế nào thì còn do đội của mình. Ví dụ, giống như đá bóng, ta phải chơi bằng chân, bằng đầu, không thể nói riêng Việt Nam đá bằng tay. Còn xếp đội hình thế nào, đá tấn công hay phòng vệ thế nào là do bài của mình. Triết lý cơ bản nằm ở chỗ đó.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Xuân Thân

Nguồn tin: