Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 nội dung, trong đó có dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật) so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đối với những nội dung lớn xin ý kiến tập trung thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận, trao đổi, rà soát kỹ lưỡng, các cơ quan hữu quan đã thống nhất chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung đáng chú ý như về về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; về không mở rộng phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 28); về trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Bên cạnh đó còn có các nội dung liên quan đến thu hồi đất như thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ (khoản 27 Điều 79); về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước...
Trước đó, theo Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra vào cuối năm 2023, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những luật sẽ được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp ngày 3/11/2023 và ý kiến của các cơ quan, ngày 16/11/2023, tại phiên họp giữa hai đợt của Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, thống nhất về nhiều nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Với Luật Đất đai (sửa đổi), hiện dự thảo luật vẫn còn một số nội dung, chính sách lớn cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án chính sách tối ưu; việc rà soát, hoàn thiện toàn diện cần thêm thời gian để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật.
Đây là dự án luật có tính chất đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Sau khi thống nhất với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp này sang kỳ họp gần nhất của Quốc hội.
Việc lùi thời điểm để các cơ quan có thời gian tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.
Về vấn đề nêu trên, tại phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra vào những ngày đầu năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) rất quan trọng. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung dự án luật này đã qua 3 kỳ họp rồi nhưng vẫn còn nhiều nội dung tiếp tục được cân nhắc.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét lại các quan điểm và nguyên tắc xây dựng luật. Trong các nội dung lớn, chỉ còn thảo luận về 3 nội dung lớn và một số vấn đề khác. Như vậy, đã có cơ sở để có thể tiến tới trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong Kỳ họp bất thường lần thứ 5 (dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 1/2024).
"Không lùi thông qua Luật đất đai (sửa đổi) được nữa. Vì Nghị quyết 18 nêu rõ phải cơ bản hoàn thành xong Luật đất đai trong năm nay. Nếu có để lại đến Kỳ họp thứ 7 thì có phải mỗi 2 luật này nữa đâu. Mà Kỳ họp thứ 7 dự kiến thông qua 9 luật. Nếu cộng hai Luật này để thành 11 dự án luật thì còn nhiều nội dung nữa, Chủ tịch Quốc hội nói.