Hủ tục bắt vợ và nước mắt của những cô dâu nhí

Lợi Trần
Làm vợ, làm mẹ ở cái tuổi còn cắp sách tới trường, họ hàng kết hôn với nhau, thậm chí cố sinh thật nhiều con để “được” là hộ nghèo, hưởng trợ cấp của Nhà nước… là thực trạng đáng buồn tại nhiều địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Nghệ An. Vấn nạn này đặt ra những thách thức không nhỏ cho công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn.

Tảo hôn, kết hôn cận huyết thống hay sinh con đông vẫn là những vấn nạn không nhỏ tại các vùng sâu, vùng xa. Ảnh: N.Mai


Những cuộc hôn nhân sau… một lần gặp gỡ

Cách trung tâm TP Vinh hơn 300km, chúng tôi tìm về xã Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) - xã biên giới giáp ranh với nước bạn Lào. Đón chúng tôi tại Trạm Y tế xã, Trạm trưởng Vi Thị Giang cho biết, toàn xã có 3 dân tộc sinh sống, chủ yếu là Mông, Khơ Mú và Thái, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 70% dân số. Người dân chủ yếu sống dựa vào nương rẫy nên đời sống bà con còn nhiều thiếu thốn.

Cả xã có 6 bản, trong đó, hơn một nửa là bản xa, đường xá đi lại hiểm trở. Để tiếp cận được người dân ở bản xa nhất phải mất 6 - 8 tiếng đi xe máy và gần một ngày đường đi bộ mới tới nơi. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động bà con còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, tại đây còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu nên tảo hôn, kết hôn cận huyết thống hay sinh con đông vẫn đang là những vấn đề nhức nhối tại xã nghèo vùng biên này.

Với lời đề nghị được đến bản xa nhất để tìm hiểu một vài gia đình “điển hình”, chị Sồng Y Trử - cán bộ dân số xã cười gượng: “Không cần phải đến bản xa nhất, ngay những bản gần cũng có rất nhiều trường hợp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, sinh con đông hay thậm chí nhiều gia đình còn “kết hợp” ba trong một nữa cơ”.

Như để bổ sung thông tin, chị Trử tiếp tục: “Ở đây, bọn trẻ kết hôn sớm lắm, cứ 12 - 13 tuổi là lấy nhau rồi. Chỉ cần Tết đi chơi, gặp nhau có một lần là bắt về làm vợ thôi, kể cả đang đi học cũng nghỉ ở nhà lấy chồng. Phải đến gần 70% các cặp vợ chồng đều tảo hôn như thế”.

Cách Trạm Y tế xã không xa, chúng tôi đến thăm gia đình em Và Y Xê (16 tuổi) ở bản Trường Sơn. Không giống như những đứa trẻ dưới miền xuôi, Xê không được đi học vì em là... con gái. Giải thích về vấn đề này, chị Trử cho biết, một phần là vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, phần khác là do quan niệm của đồng bào ở đây. Với người dân tộc Mông, con gái rất ít được đi học vì họ cho rằng, mai này con gái sẽ theo chồng, là con nhà người ta nên không cần đi học, ở nhà đi làm nương rẫy phụ giúp bố mẹ. Chỉ có những gia đình có điều kiện mới cho con gái đi học.

Theo bố mẹ đi làm nương từ nhỏ, Và Y Xê cũng ít có cơ hội tiếp xúc với các bạn cùng trang lứa. Năm 14 tuổi, Xê bị chồng hiện tại bắt về làm vợ khi gặp đi chơi Tết mà không hề có tình yêu. Hỏi em có muốn lấy chồng sớm và sinh con thế này không, Xê lắc đầu. Ngồi ru đứa con mới sinh được hơn một tháng, Xê bảo: “Sinh con khổ lắm. Con bé quấy đêm suốt nên em hầu như không được ngủ, phải thức trắng trông con”. Con gái Xê lúc mới sinh chỉ được 2,3kg nhưng em bảo, so với nhiều đứa trẻ khác, con của em vẫn “nhỉnh” hơn nhiều vì có nhiều đứa trẻ lúc mới sinh chưa đầy 2kg.

Gian nan công tác truyền thông

Tiếp tục dẫn chúng tôi đến “mục sở thị” một vài trường hợp khác, chị Trử cho biết thêm, ngay cả chuyện người trong họ hàng lấy nhau cũng vẫn còn phổ biến. Mặc dù đã được các cán bộ dân số tuyên truyền rất nhiều về tác hại của việc kết hôn cận huyết thống ảnh hưởng xấu đến giống nòi, nhưng vẫn chưa thể xóa bỏ được tư tưởng người trong họ lấy nhau để không “lọt” tài sản ra bên ngoài. Không những thế, việc sinh nhiều con cũng không phải là hiếm. Chị Trử bảo, người dân ở đây quan niệm “đông con, đông của”, với lại đẻ nhiều con để được là hộ nghèo, được hưởng trợ cấp của Nhà nước” (?).

Ngồi ôm con bên nồi cám lợn đang bốc khói nghi ngút, em Hạ Y Thìa (14 tuổi) không giấu được những nét mệt mỏi trên gương mặt sau một đêm thức trắng chăm con. Gia đình có bảy miệng ăn nhưng chỉ dựa vào ít nương rẫy. Nếu hạn hán, không thu hoạch được lúa thì phải ăn khoai, sắn thay cơm. Em bảo, lúc mang thai, hầu như không được tẩm bổ gì cả, lâu lâu cả gia đình mới thịt con gà mà phải để dành ăn trong 2 - 3 ngày. Hôm nào có gạo thì nấu cơm ăn với rau luộc. Nếu không có rau thì đun nước sôi rồi thả muối thành canh. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn trong căn nhà lụp xụp không có gì đáng giá này.

Nói về trợ cấp hộ nghèo, chị Trử cho biết: “Cả năm, hộ nghèo sẽ được hưởng trợ cấp 100.000 đồng. Do đó, nhiều người thường “ỷ lại” vào số tiền đó để sinh nhiều con. Nếu phát miễn phí các phương tiện tránh thai thì có thể họ dùng nhưng tỷ lệ không nhiều, còn nếu phải mua thì chắc chắn họ sẽ không mua và “lý sự” rằng: “Con cái là của trời cho nên cứ có là đẻ thôi”. Do vậy, công tác vận động thay đổi nhận thức của người dân không phải là chuyện một sớm một chiều mà còn nhiều nan giải lắm”.

 

Trao đổi với PV về những khó khăn trong công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện, ông Lữ Văn Tòa, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Kỳ Sơn cho biết: Địa bàn huyện Kỳ Sơn chủ yếu là bà con dân tộc, trong đó, chủ yếu là người Mông, Khơ Mú, Thái và một số ít người Kinh nên nhận thức người dân còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, đường sá đi lại khó khăn dẫn đến tình trạng có những người cả đời chỉ quanh quẩn trên nương, trên rẫy mà không biết đến thế giới bên ngoài ra sao. Hơn nữa, do còn nhiều hủ tục từ xưa đến nay của bà con đồng bào trong việc cưới hỏi, ma chay, sinh đẻ nên việc kết hôn sớm, sinh nhiều con để có thêm lao động hay anh em họ hàng lấy nhau vẫn còn chưa thể đẩy lùi được và “dai dẳng” cho tới ngày nay.

Tác giả bài viết: Mai Thùy