Như vậy là bộ GD&ĐT đã công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào Đại học năm 2016 là 15 điểm cho tất cả các khổi. Theo thống kê, có 581.313 thí sinh có tổng điểm 3 môn xét tuyển dưới 15 điểm, tức là dưới điểm sàn đại học, vậy những thí sinh đó sẽ xét tuyển như thế nào? có những con đường nào để bước tiếp và chinh phục thành công? Ngoài cánh cửa Đại học ra, thí sinh còn rất nhiều sự lựa chọn đáng để quan tâm và không nhất thiết rằng Đại học mới có cơ hội xin việc làm, điều đó hoàn toàn không phải.
Những trường cao đẳng nghề, những hướng đi mới sẽ luôn là những cơ hội hoàn toàn mới dành cho những thí sinh có phổ điểm dưới 15 điểm, đừng lo lắng, còn rất nhiều lựa chọn không tồi một chút nào cả dành cho bạn để bạn bước tiếp ngay đây.
Cao đẳng nghề hay cao đẳng chuyên nghiệp
Cao đẳng nghề và cao đẳng chuyên nghiệp có những đặc điểm hoàn toàn khác nhau. Trường CĐ nghề do bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lí, trong khi đó trường CĐ chuyên nghiệp do bộ GD&ĐT quản lí. Bên cạnh đó, hiện nay một số trường ĐH, Cao đẳng do ngành giáo dục quản lý còn có đào tạo hệ nghề (bậc trung cấp nghề và Cao đẳng nghề) với tên gọi "Cao đẳng thực hành". Như vậy, chúng ta cần phân biệt được giữu CĐ nghề, CĐ chuyên nghiệp và CĐ thực hành, để nắm vững những đặc thù đáp ứng đúng yêu cầu công việc mà bạn mong muốn.
Tùy vào công việc mà bạn lựa chọn trường CĐ sao cho phù hợp, CĐ nghề chú trọng đào tạo chuyên môn, hình thức học chú trọng thực hành sao cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đã có thể thành thạo với công việc. Các ngành được nhiều bạn quan tâm cũng như "rất khát" nguồn nhân lực như: Cơ khí, Điện – Điện tử, Công nghệ thông tin, Công nghệ ô-tô, Chế biến thực phẩm…đây đều được xem là những ngành học có cơ hội tìm kiếm việc làm cao cũng như vẫn có thể có được một công việc ổn định lâu dài.
Cao đẳng chuyên nghiệp về cơ bản cách đào tạo khá giống với Đại học, tuy nhiên chương trình đào tạo thấp hơn, thời gian ngắn hơn, các ngành học ở cao đẳng chuyên nghiệp vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng nên bạn không phải nhất quyết học Đại học thì mới có việc làm. Điều đó hoàn toàn sai.
Trung cấp nghề - Cơ hội việc làm ngay khi tốt nghiệp
Thất nghiệp đang là một bài toán cực kì khó mà chưa thể tìm ra lời giải, con số hơn 70.000 sinh viên sư phạm thất nghiệp là một dấu hỏi lớn – đó mới chỉ là 1 ngành sư phạm, còn biết bao nhiêu ngành học nữa phải gánh trên mình những con số mà không một ai mong muốn. Nhưng nó lại là điều hoàn toàn ngược lại ở hệ trung cấp, đưa ra 1 so sánh thú vị, Đại học mất khoảng 4 năm, học phí cao, chương trình nặng…nhưng lại có nguy cơ thất nghiệp cao, trong khi đó hệ trung cấp đào tạo trong 2 năm, mức học phí thấp hơn cũng như yêu cầu trình độ không cao như đại học, nhưng lại rất dễ tìm việc làm. Thế mới có chuyện sinh viên ở Nghệ An phải đem "giấu" tấm bằng Đại học để dễ dàng xin việc làm. Vậy nguyên nhân ở đâu?
Trung cấp nghề đào tạo trình độ cơ bản, sau tốt nghiệp sinh viên có thể bắt tay vào công việc ngay, chương trình học cũng chú trọng thực hành để đúc rút kinh nghiệm, nhu cầu nhân lực cũng không cần phải quá cao, chỉ ở mức trung cấp là vừa đủ đáp ứng …đó là những lí do để trung cấp nghề không phải "đau đáu" nỗi lo thất nghiệp. Ngoài ra, sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường cũng là điều đáng mừng, ngay mỗi khóa tốt nghiệp, các doanh nghiệp đều đến trực tiếp tại trường để tuyển lao động, tạo đầu ra đảm bảo cho sinh viên. Tuy nhiên, thu nhập phụ thuộc chủ yếu vào năng lực, mới đầu tiền lương thường không cao, song vẫn có cơ hội để phát triển. Chỉ cần sau 2 năm đã có thể tìm được cho mình một công việc, đó là một lựa chọn rất đáng quan tâm.
Các trường đại học dân lập và các trường ĐH xét tuyển học bạ THPT
Theo thống kê, năm 2016 có 420.354 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH trên tổng số 599.429 thí sinh đạt chuẩn trên mức điểm sàn của bộ GD&ĐT. Cụ thể, chỉ tiêu xét tuyển Đại học là 317.639 chỉ tiêu, xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia; 102.615 chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT. Tuy nhiên theo dự đoán có khoảng 320.000 thí sinh đăng kí xét tuyển, như vậy các trường ĐH top dưới sẽ thiếu chỉ tiêu rất nhiều, và đó là cơ hội cho những thí sinh có phổ điểm thấp hơn 15 điểm.
Như vậy, nếu bạn không đảm bảo ngưỡng điểm đầu vào ĐH, bạn có 102.615 chỉ tiêu để dùng kết quả học bạ THPT của mình để vào Đại học hoặc các trường top dưới sẽ buộc phải hạ điểm chuẩn của trường để tuyển ở nguyện vọng bổ sung sao cho đủ chỉ tiêu, điều này dễ nhận thấy nhất ở các trường ĐH dân lập. Chất lượng đào tạo ở các trường ĐH dân lập không hề thua kém so với những trường ĐH khác. Cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, chương trình học đáp ứng được nhu cầu của công việc sau này.
1 năm để viết tiếp giấc mơ vào cánh cửa đại học
Nếu như bạn không thể tìm được cho mình một trường cao đẳng vừa ý, bạn muốn học Đại học ở một ngôi trường mà bạn hằng mơ ước. Hãy sẵn sàng ngay bây giờ để tiếp tục chặng đường chinh phục cánh cửa đại học. Ngay từ bây giờ, bạn sẽ phải "lên dây cót" cho việc tiếp tục ôn tập và vượt qua kì thi năm 2017. Rút kinh nghiệm từ kì thi vừa qua, bổ sung những kiến thức mà mình đang còn thiếu sót, vững vàng tâm lí để viết tiếp ước mơ. Không có gì là không thể, chỉ cần bạn cố gắng và quyết tâm thì cánh của ĐH sẽ không có gì là khó khăn cả.
Tác giả bài viết: Nguyễn Huy