Hương vị Tết quê

Admin
Tôi nhớ Tết qua mùi chợ quê rất riêng biệt, không lẫn với những địa phương khác.

 

Tôi nhớ da diết những chiều 30 Tết, khi nhà cửa đã sạch bóng không còn hạt bụi, khi khói từ bếp củi của những nồi bánh chưng cuối cùng bay lên bảng lảng, khi tiếng nhạc mừng xuân từ loa phóng thanh vang lên làm lòng người rạo rực, xao xuyến…

Trong kí ức của tôi, khi còn thơ bé, gia đình tôi đón Tết đơn giản lắm, nhưng cái "vị" Tết ngày xưa lại nồng đậm đến nỗi, nhiều năm trôi qua, "mùi" Tết vẫn chưa phai, mà mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn thấy có gì đó rộn ràng trong tim, cay cay nơi khóe mắt, nồng nồng lên sống mũi.

Ngày bé, tôi hay ngóng Tết về từ độ mẹ dăm ba bữa lại ra vườn ngắm từng quả bưởi, buồng chuối để lựa những trái đẹp nhất bày lên mâm ngũ quả trong những ngày tết. Mẹ bảo, gió chướng cuối năm đúng như tên gọi của nó: khó chịu, lạnh và khô, làm bưởi bị rám, phải che chắn để gió không làm mất đi lớp vỏ ngoài vàng óng, thơm mát, nhẵn nhụi của quả bưởi thờ.

Tôi nhớ Tết qua mùi xà bông nồng đượm, những bọt bong bóng xà phòng nhiều màu sắc và cả những cơn "đau lưng" của tuổi lên 10 khi phải lôi hết chén dĩa, ly tách ra rửa, lôi chăn lôi mền ra giặt phơi kín bờ rào, lau ban thờ, lau bộ bàn ghê quét mạng nhện sạch bóng nhà cửa. Tết cuốn cả những đứa trẻ con vào sự bận rộn không tên nhưng chẳng đứa nào ca thán một lời. Trong tâm trí chỉ còn sự háo hức ngóng chờ được đi chúc tết, nhận những phong bao lì xì đỏ đẹp mắt.

Ngày Tết, trẻ nhỏ không bận bịu như người lớn, "chạy vặt" cho ba mẹ xong, từng nhóm ba bốn đứa trẻ con đi tới đi lui mấy nhà trong xóm để được hỏi một câu “Sắm Tết tới đâu rồi”, mới thấy không khí Tết.

Tôi nhớ Tết qua mùi dưa hành củ kiệu cay xè lên mắt. Tết mà, dù gia đình tôi chẳng mấy khá giả nhưng cứ tầm 27 Tết, mẹ lại bày ra mấy trái dừa cho chị em tôi nạo làm mứt, sên đường, bày ra mấy ký gạo nếp mới thơm mát hương đồng nội cùng lá dong xanh ngắt gói bánh chưng. Bố lúi húi chuẩn bị sẵn đống củi, ngọn đuốc để chờ sang canh, mấy bố con châm lửa, dắt nhau đi xin lộc ngoài đình làng.

Tôi nhớ Tết qua mùi chợ quê rất riêng biệt, không lẫn với những địa phương khác. Chợ Tết thì ở đâu cũng có nhưng trong tâm trí tôi, phiên chợ cuối năm vô cùng đặc biệt và là điểm đến mà bất cứ một đứa trẻ nào cũng háo hức được bám sau chiếc làn đỏ cùa mẹ, ngó nghiêng từng củ khoai, mớ rau, miếng thịt mẹ lựa cho ba ngày Tết.

Tôi nhớ Tết qua mùi lá mùi già trong nồi nước tắm của bà nội. Nội tôi có thói quen tắm lá mùi già ngày tất niên. Tôi theo lời nội dặn, ra vườn chọn những cây mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây chuyển sang màu nâu, đem về rửa sạch, cuộn tròn rồi bỏ vào nồi nước lớn đun sôi kĩ cho mùi thơm dậy lên rồi mới lấy hơi, lấy nước ấy để xông nhà, xông người và tắm.

Nội bảo, tắm lá mùi ngày 30 là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt Nam. Dân gian quan niệm, mùi thơm đặc trưng của lá mùi già có thể xua đi những chuyện không vui, giúp tĩnh tâm, tẩy bỏ mọi phiền muộn, vướng bận của năm cũ, để sẵn sàng đón năm mới với nhiều niềm vui và tốt lành.

Thế nhưng, sau khi nội mất, những bánh xà phòng "Hoa Lài" mẹ tôi được phát mang về có một sức hút kỳ lạ. Mùi hoa lài hăng hắc của bánh xà phòng lưu lại mỗi lần tắm xong lại khiến chúng tôi dần quên đi hương cay nồng, dân dã từ nồi nước tắm mùi già của nội.

Tôi nhớ Tết qua mùi hương trầm bố thắp trên ban thờ ngày Tết. Dù nhà tôi thời điểm đó cũng chẳng mấy khá giả nhưng bố vẫn cố gắng tìm mua những thẻ hương tốt nhất, thơm nhất để dâng lên cúng lễ ông bà tổ tiên. Bàn thờ gia tiên ngày Tết luôn nồng đượm hương thơm cũng những thức quà Tết đẹp mắt khiến cho ai ai cũng cảm nhận được sự ấm cúng, quây quần.

Bây giờ, Tết đủ đầy, không còn khó khăn, thiếu thốn như trước nữa nhưng vật chất hiện tại không thể mua được những ký ức vô giá của không khí Tết ngày thơ bé. Thế nhưng, dù có thế nào, “Tết” vẫn là một tiếng gọi chứa chất biết bao yêu thương, cảm xúc đẹp đến nao lòng. Tết về, đồng nghĩa với những khoảnh khắc ấm lòng, mà trong guồng xoáy thường nhật hối hả, chảy trôi, ta chẳng thể nào cảm nhận cho được.

Tết mà….

Tác giả: Phạm Tâm

Nguồn tin: nguoiduatin.vn