Tin địa phương

Huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng: Cát tặc hoành hành, đất canh tác thành sông

Người dân các xã khu vực ven sông Luộc, đoạn qua huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) bất lực khi chứng kiến hàng trăm mét đất canh tác màu mỡ của mình phút chốc biến thành sông do cát tặc.

Hàng trăm mét đất canh tác của người dân biến thành sông vì cát tặc. Ảnh: Diễm Hằng

Cát tặc lộng hành

Đã hơn 10 năm trôi qua, nạn khai thác cát trái phép trên sông Luộc, đoạn chảy qua địa bàn chưa bao giờ ngừng, dù chính quyền xã Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo) căng mình ra xử lý. Đầu năm 2018, tình trạng khai thác cát trở nên phức tạp hơn khi vùng khai thác cát mở rộng sang đất canh tác của người dân địa phương.

Ghi nhận thực tế tại khu vực sông Luộc địa phận huyện Vĩnh Bảo cho thấy, nhóm đối tượng không chỉ cắm vòi hút cát sát bờ làm sạt lở diện tích đất ven sông mà còn ngang nhiên “xơi” cả đất canh tác của người dân. Đất ven đê nham nhở lở, kéo theo những bụi chuối đổ xuống sông. Có những điểm bị hút lẹm hàng trăm mét dài, hết phần đất ruộng canh tác, ăn sát vào chân vùng đê bao. Ước tính diện tích đất bị cát tặc khai thác trái phép tới trên 10ha và con số vẫn chưa dừng lại ở đó.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Đào Mạnh Thế - Phó chủ tịch UBND xã Thắng Thủy cho biết, xã Thắng Thủy có diện tích đất bãi ven sông Luộc là 140ha với chiều dài 3,5km từ cầu Chanh Chử đến địa bàn xã Trung Lập, giáp với các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ (Hải Dương). Từ tháng 1/2018, cát tặc hoạt động quyết liệt hơn, chủ yếu về đêm, lợi dụng lúc không có người trông coi là kéo vào khai thác.

“Trước kia khu đất ven sông này dài khoảng 200m, bây giờ chỉ còn 50m. Cứ như thế này thì tất cả diện tích đất canh tác màu mỡ, được bồi đắp từ bao đời nay mất hết”, ông Thế lắc đầu nói.

Ông P.V.T (67 tuổi, ở xã Thắng Thủy) ngậm ngùi: “Nhìn đất canh tác của mình mất dần mất mòn, hoa màu cũng theo đó mà đi, ai cũng đau xót. Cây cối thì chẳng dám trồng vì trồng xong lại bị cát tặc diệt. Nguy hiểm nhất, chân đê bị cát tặc hoành hành sạt lở hết. Tới mùa mưa bão thì không biết hậu họa ra sao?”.

Khó kiểm soát?

Chính quyền địa phương phải gia cố đoạn đê có nguy cơ sạt lở cao trong trận bão số 4 vừa qua.

Theo người dân Thắng Thủy, khu vực bãi bồi ven sông Luộc từ lâu đã là “miếng mồi” béo bở để cát tặc nhăm nhe tới. Tàu hút cát chủ yếu từ các vùng lân cận như Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng tới đây khai thác, gây bất ổn an ninh khu vực nông thôn.

Nói về trách nhiệm của địa phương, ông Đào Mạnh Thế chia sẻ, việc bắt hay xử phạt những tàu hút cát trái phép gặp nhiều khó khăn. Do khu vực này cách khá xa nhà dân, cát tặc có thể chạy thoát trước khi lực lượng chức năng hay người dân kéo tới. Nếu có bắt được thì cũng chỉ là phạt hành chính hoặc tịch thu công cụ, vẫn chưa đủ sức răn đe.

Nhóm đối tượng khai thác cát rất manh động, có đủ các chiêu trò để thực hiện hành vi hút cát. Chúng hoạt động chủ yếu về đêm và bố trí lực lượng thám thính. Khi thấy địa phương không có người trực, chúng triển khai hoạt động rất nhanh. Cát tặc sử dụng loại tàu ít gây tiếng động và có khả năng hút cát nhanh, hơn 1 giờ có thể hút 200m3 cát. Lợi nhuận từ việc khai thác cát là vô cùng lớn vì thế, chúng bất chấp làm liều.

Xã cũng đã lập báo cáo về tình hình khai thác cát trái phép tại địa phương, đề xuất UBND huyện Vĩnh Bảo và nhờ Công an huyện giúp đỡ. Năm 2017, cơ quan chức năng đã bắt 2 vụ, năm 2018 bắt 3 vụ, trong đó 2 vụ do Công an huyện phối hợp bắt, một vụ do Công an Môi trường TP Hải Phòng bắt. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép nơi đây vẫn diễn ra thường xuyên và khó kiểm soát.

Ngoài ra, xã còn bố trí lực lượng trực, tuần tra ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép, cắm lều canh cát tặc tại khu bãi làng Hà Phương - là khu bãi nằm cách xa khu dân cư 3,5km. Nhưng do lực lượng mỏng, đối tượng rất manh động nên gặp nhiều khó khăn, có lần bị cát tặc vây đánh khiến cán bộ bị thương… Ông Thế nói: “Chúng tôi chỉ biết ngăn chặn bằng cách ấy. Còn về lâu dài, cần sự giúp đỡ của các tỉnh, huyện lân cận. Các cơ quan chức năng nên có chế tài xử phạt thích đáng đối với những kẻ xâm phạm tài sản của nhân dân, tài nguyên của nhà nước”.

Tác giả: Diễm Hằng

Nguồn tin: giadinh.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP