KhaiSilk đến Con Cưng: Dân buôn vô đạo, chung mánh lừa đảo

Admin
Hết đại gia Hoàng Khải (Khaisilk) buôn khăn lụa Tàu về cắt tem gắn “mác Việt” giờ lại đến chuỗi Con Cưng bị nghi cắt tem nhãn gắn “mác ngoại” cho sản phẩm... Thói “buôn gian bán lận” vô đạo đức lừa khách Tây, dối cả trẻ nhỏ của người Việt đang khiến niềm tin của người tiêu dùng bị đổ vỡ, niềm tự hào dân tộc bị tổn thương.

Doanh nghiệp lộ mánh buôn gian bán lận

Ở Việt Nam, phần đông mọi người đều chọn lựa vào siêu thị, cửa hàng có thương hiệu bởi tin tưởng vào chất lượng cũng như uy tín của người làm ăn lớn, sẽ không có chuyện “treo đầu dê bán thịt chó” như những hàng “buôn thúng bát mẹt”. Họ chấp nhận mua với mức giá cao để được sử dụng sản phẩm với chất lượng tương đương.

Thế nhưng, thời gian gần đây, hàng loại vụ làm ăn gian dối của các doanh nghiệp lớn bị lật tẩy, khiến dư luận phản ứng dữ dội.

Chẳng nói đâu xa, mới đây, dư luận rất bức xúc về chuyện chuỗi cửa hàng Con Cưng (Công ty CP Con Cưng) khi khách khiếu nại sản phẩm của đơn vị này nghi bị cắt tem nhãn để gắn “mác ngoại” cho sản phẩm của mình. Đáng chú ý, đây không phải sản phẩm bán tại một cửa hàng nhỏ lẻ mà là chuỗi cửa hàng với quy mô lên tới 300 cửa hàng trên cả nước chuyên kinh doanh các sản phẩm cho trẻ em và phụ nữ mang thai.

 Siêu thị Con Cưng bị nghi gắn mác hàng Thái Lan

Mánh làm ăn này của Con Cưng bị lật tẩy khi một khách hàng trong TP. HCM đã gửi ý kiến khiếu nại của mình đến nhiều cơ quan, đơn vị về việc sản phẩm của Con Cưng bị lỗi, tem nhãn bị cắt và thay thế bằng tem nhãn CF (Con Cưng Fashion).

Ngay sau khiếu nại của khách hàng, Con Cưng đã thu hồi hàng ngàn sản phẩm, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc tổng kiểm tra. Kết quả, phát hiện nhiều sai phạm tại 70 cửa hàng bán đồ trẻ em và bà bầu. Đơn cử như, cửa hàng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, tổ chức khuyến mãi “chui”, không ghi tên và địa chỉ nhà sản xuất, không có thông tin về hàng hóa,...

Không chỉ có Con Cưng nhập nhèm vấn đề tem mác, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm mà trước đó vào cuối năm 2017, dư luận còn phẫn nộ khi đại gia Hoàng Khải (Khaisilk) - chủ thương hiệu lụa tơ tằm Khaisilk - bị một khách hàng tố mua 60 chiếc khăn lụa của thương hiệu này nhưng có 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung “Khaisilk made in Vietnam” còn một nhãn nữa với nội dung “Made in China”. Điều đáng nói là khi kiểm tra số khăn còn lại thì đều phát hiệu dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ “Made in China”.

Ông Hoàng Khải sau đó đã thừa nhận tập đoàn bán khăn Tàu nhưng lại mang thương hiệu Việt. Thậm chí, việc này đã diễn ra hàng chục năm nay và Khaisilk coi đó là một việc bình thường cho đến khi bị tố ầm ĩ.

Bất ngờ hơn, sau khi ông chủ thương hiệu lụa Khaisilk thừa nhận bán lụa Tàu, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra còn phát hiện khăn lụa Khaisilk không có thành phần lụa như công bố trên sản phẩm là 100% thành phần lụa.

Cũng theo kết luận của Bộ Công Thương, doanh nghiệp này đã vi phạm loạt dấu hiệu liên quan tới bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Khaisilk còn có dấu hiệu vi phạm luật về quản lý thuế, hóa đơn,...

 Đại gia Khaisilk thừa nhận bán lụa Tàu gắn mác Việt Nam

Lời bao biện cho thói kinh doanh vô đạo

Hồ sơ vụ buôn lụa Tàu gắn mác lụa Việt của Khaisilk đã được chuyển qua cơ quan công an điều tra theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Trước đó, đại gia Khaisilk - người đã từng được lên trang bìa của Forbes Việt Nam (số tháng 12/2013) và nhiều lần đăng đàn nói về đạo đức - đã cúi đầu xin lỗi khách hàng. Ông bao biện rằng do tập đoàn mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực, trong khi mảng lụa tơ tằm chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong doanh thu của tập đoàn, nên ông đã không chú tâm vào đầu tư phát triển.

Chủ thương hiệu Khaisilk còn cho hay, họ đã nhập lụa Trung Quốc từ lâu. Nguyên nhân xuất phát vào giữa những năm 90, khi ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái, doanh nghiệp không thể tìm đủ nguồn hàng phù hợp với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng ở các làng nghề trong nước.

Còn việc đáng lẽ ra khăn lụa phải có mác “Khaisilk made in China” thay cho mác “Khaisilk made in Vietnam” thì ông Khải giải thích, quyết định sang Trung Quốc tìm nguồn hàng nhập về vì khi đó ông chỉ nghĩ đơn giản, các thương hiệu nổi tiếng đều nhập hàng từ Trung Quốc về phân phối ở các nước khác bằng tên của họ.

Với lời bao biện cho thói kinh doanh vô đạo, làm ăn gian dối, “treo đầu dê bán thịt cho” thì cái cúi đầu xin lỗi của đại gia Khaisilk cũng không thể lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng. Niềm tin của người tiêu dùng về một thương hiệu tầm cỡ quốc gia có lẽ đã hoàn toàn đổ vỡ, niềm tự hào dân tộc bị tổn thương.

Đáng buồn chẳng kém, sau sự việc sản phẩm của Con Cưng có dấu hiệu bị cắt tem nhãn dán “mác ngoại” cùng nhiều sai phạm đã bị cơ quan chức năng phát hiện, nhưng thay vì nhận lỗi, Con Cưng lại đổ cho “nhà cung cấp sản phẩm bị lỗi đến từ Thái Lan” và cho thu hồi hàng ngàn sản phẩm trên hệ thống.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI (một trong các quỹ đầu tư do Công ty quản lý quỹ SSI quản lý hiện là cổ đông lớn của Con Cưng) cho rằng, thái độ xử lý với hàng giả là không phân biệt của ai.

Vị Chủ tịch SSI khẳng định: "Hàng thay mác tức là hàng giả, không tranh cãi. Người tiêu dùng phải mua hàng giả là không chấp nhận được. Con Cưng chỉ có một giải pháp duy nhất là công khai bản chất các công đoạn hình thành sản phẩm này. Nếu đây là lỗi cố tình vi phạm thì phải khởi tố hình sự. Nếu đây là lỗi của nhà cung cấp thì Con Cưng phải khởi kiện nhà cung cấp tội lừa đảo và cơ quan pháp luật cần vào cuộc làm rõ vụ này. Trước mắt, tất cả những sản phẩm này phải được thu hồi và trả lại tiền cho khách hàng. Tiền rất quý nhưng không thể làm như vậy! Đây là quan điểm xuyên suốt và không có ngoại lệ".

Con Cưng vẫn đang trong quá trình kiểm tra, vụ Khaisilk bán lụa Tàu tới nay vẫn chưa công khai mức xử phạt ra sai và niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt vào chuỗi bán lẻ uy tín đang ngày càng vơi dần trước những mánh “buôn gian bán lận” của doanh nghiệp bị lật tẩy.