Khâm phục cô gái chinh phục nóc nhà Đông Dương với đôi chân không lành lặn

Lợi Trần
Fansipan cũng được gọi là "Hủa Xi Pan" có nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh. Đây là ngọn núi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, nằm giữa tỉnh Lai Châu và Lào Cai, được mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương" với đỉnh núi có độ cao 3.143m.

Đỉnh Fansipan, "nóc nhà Đông Dương" là nơi được rất nhiều khách du lịch mạo hiểm trong nước và cả nước ngoài đưa vào danh sách cần chinh phục trong đời.
 

Phương Thu Thủy, sinh năm 1981 đã quyết định thôi việc để thực hiện ước mơ đi du lịch của mình. Hành trình của cô bắt đầu từ Sài Gòn đến Côn Đảo, từ đó xuyên suốt từ Nam ra Bắc và điểm khám phá cuối cùng của hành trình là đỉnh Fansipan.
 

Trên chuyến đi của mình, Thủy không may bị tai nạn tại Huế, cuộc hành trình phải dừng lại để cô điều trị vết thương (khâu 5 mũi ở chân trái). Nhưng không vì vậy Thủy bỏ dở quyết tâm leo Fansipan. Cô quyết định cứ vừa đi vừa nghỉ cho đến lúc nào chân lành hẳn sẽ chinh phục mục tiêu cuối của cuộc hành trình.
 

Ngay sau khi đến Sapa, Thủy dự định leo Fanxipan ngay. Nhưng do di chuyển nhiều khiến vết thương không thể liền miệng, lại bị chảy máu nên cô phải chờ 2 ngày cho vết thương khô hẳn sau đó mới bắt đầu hành trình leo núi.
 

Do vào mùa mưa và cũng do sức khỏe nên Thủy chọn cung đường ngắn nhất (16km), ít hiểm trở nhất và cũng ít đẹp nhất khởi nguồn từ Trạm Tôn (cổng vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn) ở độ cao 1.934 m.
 

Trong cung đường leo Fan, cô gái 8X được chiêm ngưỡng cả biển mây bồng bềnh với những dải màu vàng rực tưởng chừng như kéo dài đến tận cuối chân trời.
 

Hay trải qua những khoảnh khắc nghẹt thở khi đứng trước những dãy núi trùng trùng điệp điệp với những đám mây trắng vờn quanh đỉnh núi và có khi những đám mây buông xuống bao trùm lấy cơ thể.
 

Càng lên cao, không khí càng loãng, hơi nước và không khí lạnh lúc nào cũng bao bọc lấy toàn bộ cơ thể, tạo cảm giác như mặt đất đã được kết bằng mây. Gió cũng càng ngày càng mạnh hơn khiến tai có thể bị ù đi.
 

Đoàn gồm 4 người, 3 thành viên nữ người Việt Nam và một thành viên nam người Hà Lan cùng 2 anh người H’Mông dẫn đường kiêm gùi đồ thuê. Dù đã chọn hành trình dễ đi nhưng con đường càng lên cao càng khó đi bởi mây và sương mù giăng, con đường trơn trượt, có nhiều đoạn phải bám dây hoặc rễ cây để leo lên. Cuối cùng dù chậm hơn so với các bạn đồng hành cả tiếng đồng hồ nhưng Thủy cũng đã đến đích.
 

Thủy chia sẻ: “Cái cảm giác khi đến đích thật khó tả. Không phải vì mình đã đến đích, không phải vì mình đã chinh phục được đỉnh cao mà là vì mình đã vượt qua chính mình, vượt qua cái suy nghĩ cho rằng mình không thể đến đích với đôi chân bị thương, với những cơn ho rát cổ họng khi lên cao. Leo núi không phải chinh phục núi mà là chinh phục chính mình mà thôi. Lên đỉnh cao để rồi lại trở về nơi thấp trũng hàng ngày để mà sống trong cuộc đời cũng nhiều cung đường lên và xuống.”
 

Thông tin thêm về việc chinh phục "nóc nhà Đông Dương"

Thủ tục để leo Fansipan

Trước tiên, phải đến Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường Hoàng Liên để xin giấy phép. Trung tâm nằm trên đường xuống khu du lịch Cát Cát thuộc xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa.

Các cung đường để leo lên đỉnh Fansipan

- Trạm Tôn: Phù hợp với các bạn chưa leo núi lần nào và sức khoẻ cũng ở mức tàm tạm. Đa phần là đường bằng và có thể bám rễ cây trèo lên.

- Sín Chải: Đường này lên dốc rất cao, nhưng bù lại thì có phong cảnh đẹp.

- Cát Cát: Tuyến này dài nhất, khó khăn nhất, chỉ dành cho những người leo núi chuyên nghiệp.

Các loại phí đóng cho tuyến leo núi Fansipan cùng một số khoản lệ phí như: vé, bảo hiểm, vệ sinh môi trường, giám sát, lưu trú... cũng được đóng tại đây.

Tác giả bài viết: Hạ Phương