Giáo dục

Khi câu chuyện đầu năm học vẫn chỉ là… tiền!

Đến khi nào câu chuyện quan trọng nhất đầu mỗi năm học vẫn là tiền thì nền giáo dục vẫn còn tiêu cực!

LTS: Bàn về câu chuyện “lạm thu” đầu mỗi năm học tại các trường, ThS. Trương Khắc Trà đã có bài viết thể hiện quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!


Chẳng ai phủ nhận được tầm quan trọng của đồng tiền, bởi chẳng có hoạt động nào của con người có thể cách ly khỏi tiền nhưng sẽ đáng ngại cho một nền giáo dục nếu câu chuyện mở đầu mỗi năm học không phải là dạy gì, học gì mà là vấn đề tiền bạc.

Đến hẹn lại lên, cứ đến mùa khai giảng thì câu chuyện đóng góp các loại phí lại được hâm nóng trên các mặt báo.

Không ít trong số đó đã bung bét thành những câu chuyện buồn mang tên “lạm thu” gồm quỹ trường, quỹ phụ huynh, tiền mua bình nóng lạnh, điều hòa, quỹ an ninh trật tự, làm sổ liên lạc điện tử…

101
Lạm thu đầu năm học (Ảnh: vtc.vn).

Hầu như đầu năm học nào, tình trạng này cũng diễn ra, khiến nhiều phụ huynh, đặc biệt với những gia đình kinh tế eo hẹp rất lo lắng, xoay xở khắp nơi để có tiền đóng góp cho nhà trường.

Tại sao phải thu thêm những khoản tiền hết sức vô lý khi hàng năm nhà trường đã được cấp kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất đã được ngân sách đảm bảo xây dựng và trang bị theo tiêu chuẩn từng cấp học, bậc học.

Chủ trương “xã hội hóa” của phụ huynh nhằm mục đích gì? Ai là người kiểm soát các nguồn thu chi này phát huy hiệu quả ra sao?

Nếu được sử dụng minh bạch và đúng mục đích thì những khoản thu sẽ giúp nhà trường giải quyết được nhiều công việc quan trọng, song bản chất tối thượng của giáo dục vẫn là hướng đến chất lượng giáo dục.

Có không ít các buổi họp phụ huynh đầu năm chỉ để bàn bạc và “thông qua” những khoản thu, chi.

Điều đáng buồn hơn là phụ huynh nào không kịp đóng tiền thì con em họ bị coi là… cá biệt! (?)

Đồng tiền đã làm mất cái đẹp vốn có của nhà trường, làm băng hoại đạo đức của không ít giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục bởi cứ mỗi đầu năm nhiều phụ huynh lại “ớn lạnh” vì quá nhiều những khoản đóng góp!

Nhiều người phải bấm bụng nhịn ăn, nhịn mặc hoặc vay mượn để đóng tiền cho con.

Thử hỏi với những chính sách như vậy liệu đã khuyến khích cho giáo dục phát triển?

Nói về tình trạng lạm thu, ông Bùi Hồng Quang, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo phân bua:

Từ năm 2010, Bộ liên tục có văn bản chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật để quy định, chấn chỉnh thu chi đầu năm học. Thậm chí 2 năm gần đây, các quy định này còn được đưa vào trong chỉ thị năm học [1].

Ở Hà Nội, địa phương nhức nhối về tình trạng lạm thu trong các trường học, mới đây đã thành lập đường dây nóng để phụ huynh phản ánh. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng đã có Công văn số 3026/SGD&ĐT-KHTC hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi đầu năm học 2016 - 2017.

Theo đó, năm học 2016, không quy định mức kinh phí ủng hộ từ phụ huynh.

Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản như xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị đồ dùng dạy học cho nhà trường, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường… [2]

Sự quyết tâm, chỉ đạo của cấp trên có thừa nhưng phải chăng “trên bảo dưới không nghe”?

Nhiều nhà trường, đặc biệt là Hiệu trưởng và Ban giám hiệu hiện nay không khác lắm với những “ông vua con” và phụ huynh với tâm lý muốn “yên ổn” cho con mình nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Xưa nay, đồng tiền vốn khó “chung sống” với sự trong sáng và tinh thần nhân văn của loài người, nhất là trong giáo dục, nơi nào có bóng dáng của đồng tiền nơi đó ắt có “mùi tanh” của lòng tham.

Triết lý “giáo dục là con người” của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chắc chắn không có chỗ cho đồng tiền tác oai tác quái nhưng một bộ phận không nhỏ sâu mọt trong ngành giáo dục đã biến nhà trường thành nơi để trục lợi cá nhân, làm bại hoại cả một nền giáo dục nhuốm màu thực dụng.

Đổi mới giáo dục chẳng phải ở đâu xa xôi và cao siêu mà phải bắt đầu bằng tẩy trừ những cái “mụn ghẻ” mọc lên khắp nơi, trước hết phải trả lại cho nhà trường bản chất vốn có là phi lợi nhuận rồi sau đó mới bàn đến việc học gì và dạy gì.

Đến khi nào câu chuyện quan trọng nhất đầu mỗi năm học vẫn là tiền thì nền giáo dục vẫn còn tiêu cực.

Tác giả bài viết: ThS. Trương Khắc Trà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP