Giáo dục

Khi giáo dục “nhờ” công an vào cuộc

Hôm qua, ngày 26-7, đồng loạt nhiều báo đưa tin: Công an vào cuộc điều tra vụ một nam sinh đạt 10 điểm môn Vật Lý nhưng môn Toán bị 0 điểm. Hóa ra đó là do lãnh đạo cụm thi Vinh, Nghệ An đã “nhờ” bên công an tỉnh Nghệ An xác minh vụ việc.


8f778 cum thi vinh bqjo
Theo báo Pháp luật TPHCM, cán bộ Phòng PA83, Công an tỉnh Nghệ An đã đến Trường ĐH Vinh (ảnh) tiếp cận hồ sơ vụ việc một thí sinh dự thi tốt nghiệp tại cụm thi Vinh do Trường ĐH Vinh tổ chức được điểm 10 môn vật lý nhưng điểm 0 môn toán. Ảnh PLO.vn

Câu hỏi đặt ra là vì sao ngành giáo dục không dựa vào các quy chế có sẵn để xử lý tình huống này? Vì sao phải nhờ công an điều tra? Và ngành công an nên ứng xử như thế nào trước các vụ việc tương tự?

Trước đó, theo tường thuật của các báo, thí sinh “đặc biệt” này đã thú nhận bỏ giấy trắng không làm được một dòng nào cho bài thi môn Toán. Vậy môn này em được 0 điểm là hoàn toàn chính xác. Môn Vật Lý (thi trắc nghiệm, chấm bằng máy) thì thí sinh cho biết đã quay cóp của bạn bè nên được 10 điểm.

Vậy có gì phải “nhờ” đến bên công an? Tại sao không áp dụng quy chế, môn Toán bị điểm liệt nên thí sinh này không đỗ kỳ thi THPT và kết thúc câu chuyện ở đó? Phải chăng do áp lực dư luận xã hội nên lãnh đạo cụm thi e ngại trách nhiệm, bèn “nhờ” công an vào cuộc cho chắc ăn, cho có địa chỉ “kết luận” đúng sai rõ ràng hơn?

Nhà trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung là nơi được xã hội kỳ vọng giáo dục, đào tạo học sinh, không chỉ là truyền thụ kiến thức mà còn rèn luyện các em thành người hữu dụng. Ngành giáo dục nhân chuyện này mà giảng giải cho các em khác về sự trung thực trong thi cử thì có phải hay hơn, có tính giáo dục hơn là “nhờ” bên công an? Và ngành công an gặp những trường hợp như thế này, nên mạnh dạn từ chối, công việc của các anh, đã có quy định, quy chế, cứ thế mà xử, sao lại nhờ bọn tôi làm gì?

Cách đây không lâu, ngành giáo dục Huế cũng nhờ công an vào cuộc điều tra vụ một số em học sinh tham gia làm một đoạn video chế giễu kỳ thi THPT. Các em học sinh này làm vậy là đáng phê phán nhưng sự việc đâu có gì đến nỗi Sở Giáo dục - Đào tạo Thừa Thiên-Huế phải cậy nhờ đến công an. Thế vai trò giáo dục của các thầy cô ở đâu, tại sao không gọi các em vào phòng, nói cho chúng hiểu cái sai, cái bậy của các em rồi trừng phạt, khiển trách hay có bất kỳ hình thức kỷ luật gì tùy ý. Sao lại dùng quyền lực công trong những vụ việc như thế.

Lẽ ra chúng ta phải tạo một không gian riêng biệt cho ngành giáo dục, trong đó một chủ tịch tỉnh xuống gặp thầy hiệu trưởng một trường tiểu học cũng phải lễ phép, theo đúng truyền thống tôn sự trọng đạo của nước nhà. Lẽ ra công an phải đứng ngoài cổng trường trong hầu hết mọi tình huống, chứ không phải như một vụ ở Buôn Ma Thuột, lực lượng thi hành án hình sự đã tiến hành bắt giữ một em học sinh ngay trong giờ học do trước đó đã điều khiển phương tiện giao thông gây hậu quả. Tại sao lực lượng thi hành án không triệu tập hoặc tiến hành bắt em này tại nơi cư trú mà lại chọn môi trường giáo dục để thực hiện?

Trong nhiều vụ việc khác, chỉ cần có một nghi ngờ gì đó, có trường sẵn sàng gọi công an đến để “điều tra” học sinh ngay tại trường vì nghi ngờ ăn cắp, chẳng hạn. Như vậy chính nhà trường đã lẫn tránh trách nhiệm giáo dục học sinh và đẩy các em cho phía công an, gây nên những chấn động tâm lý không đáng có.

Một trong những lỗ hổng của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là không dạy cho các em lòng tự trọng, kiến thức tự bảo vệ bản thân, phẩm giá con người và tính chịu trách nhiệm. Đọc các tin các em học sinh nhỏ tuổi bị xâm hại, bị lạm dụng thật xót xa, một phần là bởi nhà trường không xem đó là trách nhiệm của mình khi dạy cho các em biết nói không trước những điều bất bình thường.

Mời công an vào cuộc ở những vụ việc hoàn toàn nằm trong thẩm quyền giải quyết của mình là một trong những điều bất thường ấy của ngành giáo dục.

Tác giả bài viết: Nguyễn Vạn Phú

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP