Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế

Admin
Một cuộc loạn đả vừa xảy ra tại Quốc hội Uganda trong ngày thứ 2 liên tiếp vì tranh cãi quanh chuyện gỡ bỏ giới hạn tuổi cho các ứng viên tổng thống.

Sau khi chủ trì hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, ngày 28-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục đến Hậu Giang dự hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh này.

Đột phá thủ tục hành chính

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lữ Văn Hùng cho biết kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2017 đạt khá, vượt kế hoạch về chỉ tiêu cơ cấu kinh tế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 636 triệu USD (tăng 30,9% so với cùng kỳ), giá trị sản xuất công nghiệp đạt 17.478 tỉ đồng (tăng 11,6% so với cùng kỳ)… Mục tiêu và kỳ vọng đối với hội nghị này là phải tìm kiếm, mời gọi được nhà đầu tư thích hợp vào những dự án mà tỉnh đang kêu gọi.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh Hậu Giang, trong năm 2016, số DN đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là 798 DN, tăng 24,13% so với năm 2015. Trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của các DN đạt trên 700 triệu USD, tăng 40% so với năm 2015; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 20.000 tỉ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2015.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những năm gần đây, Hậu Giang đã có những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng với 6 tuyến quốc lộ, đường nội tỉnh có 11 tuyến đang khai thác, điển hình như Quốc lộ 61C nối TP Cần Thơ với tỉnh Hậu Giang được đầu tư, nâng cấp theo quy hoạch đã góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị

Thà ít mà chắc

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng cho vùng ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng với quy mô 5.200 ha, trong đó phân khu trung tâm là 415 ha; sản phẩm chủ lực là lúa gạo đặc sản chất lượng cao, cây ăn quả và chăn nuôi…

Hậu Giang đã hình thành 2 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp tập trung, với tổng diện tích khoảng 1.530 ha. Các khu, cụm công nghiệp nằm ở các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên Hậu Giang có nhiều chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư.

"Tỉnh đã xây dựng các cơ chế, chính sách thiết thực hơn trong việc hỗ trợ về mặt bằng, thuế, tìm kiếm lao động, vùng nguyên liệu... Chẳng hạn như được miễn thuế thu nhập DN 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế; được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập DN là 10% trong vòng 15 năm đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới…" - ông Lữ Văn Hùng cho biết.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Hậu Giang đã ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư và biên bản hợp tác với các địa phương và DN với sự chứng kiến của Thủ tướng. "Đây là cách làm tốt, nếu muốn đi xa thì phải cùng đi" - Thủ tướng nói. Trước con số về lượng vốn đầu tư đã ký tại hội nghị còn khiêm tốn, Thủ tướng cho rằng: "Thà ít mà làm chắc, còn hơn nhiều mà làm ít. Qua hội nghị hôm nay, tôi tin rằng niềm tin của những nhà đầu tư vào Hậu Giang ngày càng rõ nét".

Thủ tướng cho rằng xu hướng phát triển của Hậu Giang là phải đặt trong tầm nhìn phát triển tổng thể của vùng ĐBSCL, không thể tách rời vùng, coi mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh còn lại cũng như giữa vùng với TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Vùng ĐBSCL chỉ cần một quy hoạch duy nhất, trên cơ sở đó, Hậu Giang và các tỉnh khác có thể phân công lao động, cùng hợp tác, cùng phát triển. Các cấp chính quyền phải thật sự cầu thị, lắng nghe, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư.

Thủ tướng lưu ý Hậu Giang cần đặc biệt quan tâm đến giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo lao động nông thôn, chuyển đổi có hiệu quả lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Cần phát triển mạnh mẽ du lịch, dịch vụ, tuyên truyền quảng bá về du lịch làng nghề, làng quê, văn hóa, ẩm thực… Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý tỉnh Hậu Giang ngoài việc kêu gọi đầu tư cần chú trọng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Đối với các nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị cần có chiến lược kinh doanh dài hơi, bền vững và đề cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. "Sông nước mênh mông thế này mà xả thải thì cả làng, cả xóm, cả mấy tỉnh ô nhiễm chứ không chỉ một tỉnh. Phải lo cho cái chung. Trung ương, Quốc hội đều đặt vấn đề là phải xử lý nghiêm việc gây ô nhiễm môi trường" - Thủ tướng nói.

Mời gọi 7 dự án trọng điểm

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, tỉnh Hậu Giang có 7 dự án trọng điểm mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn dự kiến 261 triệu USD gồm: Xây dựng hệ thống bảo quản và chế biến lúa, gạo chất lượng cao; đầu tư hạ tầng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 5.200 ha; xây dựng kinh doanh hạ tầng 3 dự án cụm công nghiệp tập trung; xây dựng Khu Du lịch sinh thái bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; dự án khu dân cư thương mại tại TP Vị Thanh.