Giáo dục

Không học thêm vẫn đoạt giải vàng

Không học thêm ở cơ sở ngoại ngữ nào nhưng Trần Bác Chương, lớp 9/1 Trường THCS Phan Tây Hồ (Q.Gò Vấp, TP.HCM), vẫn là học sinh duy nhất của TP.HCM đoạt giải vàng trong kỳ thi Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE) cấp quốc gia năm học 2015-2016 do Bộ GD-ĐT tổ chức.

48951741
Em Trần Bác Chương và thầy Trần Quang Minh trao đổi về việc học tiếng Anh ở sân trường - Ảnh: Nguyễn Nguyễn
Cũng trong năm học này, Bác Chương còn đoạt nhiều thành tích về tiếng Anh khác: giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi TP.HCM, đạt học sinh giỏi kỳ thi IOE cấp thành phố.

Tiếp xúc với tiếng Anh từ lớp lá

Trong 30 phút trả lời 250 câu hỏi tiếng Anh, và đạt số điểm đáng ngưỡng mộ: 1.940, trong kỳ thi IOE cấp quốc gia, nhưng Trần Bác Chương vẫn cho rằng vốn ngôn ngữ này của em cần phải tiếp tục rèn luyện trong tương lai. Bởi theo Chương, nếu không rèn luyện hằng ngày thì tiếng Anh rất dễ bị rơi rụng và không trở thành phản xạ nghe, nói, đọc, viết nhuần nhuyễn được.

Bác Chương cho biết ngay từ lớp lá em đã được tiếp xúc với tiếng Anh trong chương trình của trường mầm non, rồi thích ngôn ngữ này từ đó. Từ lớp 1 đến lớp 5, Trần Bác Chương học tại một trường tiểu học công lập ở quận 12, TP.HCM và được học chương trình tiếng Anh trong trường. Theo Chương, đây là giai đoạn em tích lũy được rất nhiều vốn kiến thức tiếng Anh để “bật” lên ở bậc THCS.

Một buổi học ở trường, buổi còn lại là khoảng thời gian Chương dành cho tiếng Anh. Ba mẹ đi làm, ở nhà một mình không biết làm gì nên Chương lấy sách tiếng Anh... của ba ra đọc.

Đó là những cuốn tài liệu về ngữ pháp tiếng Anh và sách tiếng Anh về kỹ thuật của một kỹ sư, nhưng Chương vẫn say mê đọc. Bác Chương bắt đầu mày mò đọc những cuốn sách tiếng Anh của người lớn như thế. Chẳng bao lâu, cậu bé mê tiếng Anh này thuộc làu những cuốn sách đó.

“Đến năm học lớp 2, nhà em có truyền hình cáp. Một bữa nọ, chương trình thiếu nhi mà em hay xem bị... mất tín hiệu, em bật nhiều kênh thì bỗng hiện ra kênh Discovery, kênh này vừa có tiếng Anh vừa có nhiều hình ảnh mới lạ thú vị nên em bị cuốn vào đó” - Chương kể.

Chương trình tiếng Anh được phát ra bằng ngôn ngữ bản xứ bắt đầu đi vào đầu óc của cậu bé 7 tuổi Trần Bác Chương như thế.

Năm Chương 8 tuổi, nhà có máy tính để bàn, nhưng hầu như máy tính là để ba làm việc. Chương không được sử dụng máy tính, thi thoảng ba cho mượn máy để Chương thực tập môn tin học ở trường. Và tận dụng thời gian thực hành môn tin học đó, không ít lần Chương dùng máy tính để học cả tiếng Anh. “Ba mẹ không hề bắt em học tiếng Anh, nhưng em thấy thích nên cứ tự tìm tòi học” - Chương nói.

Từ lần nói chuyện với ông Tây...

Lớp 5, một lần ra quán, Chương và mẹ gặp một người đàn ông nước ngoài. “Mẹ nói em lại chào ông Tây đó mà... tim em cứ như sắp rớt khỏi lồng ngực vậy. Mẹ nói mấy lần em mới dám đến bắt chuyện với ông Tây kia” - Chương nhớ lại.

Chương run rẩy vì “sợ mình nói sai, nói người ta không hiểu, nói sao cho đúng ngữ pháp...”. Những nỗi sợ đó cộng dồn lại khiến cậu bé đã có hơn bốn năm học tiếng Anh chỉ nói vỏn vẹn được hai, ba câu giao tiếp đầy ngượng nghịu, lúng túng với người nước ngoài này.

Cuộc chạm trán bất ngờ với tiếng Anh giao tiếp ngoài đời đã làm cậu học trò tiểu học suy nghĩ rất nhiều. “Em biết phương pháp học chú trọng vào ngữ pháp của em đã sai. Em cần phải thay đổi nếu em muốn sử dụng tiếng Anh trong đời sống” - Chương kể lại. Nhưng lúc đó, với Chương “việc thay đổi này không dễ dàng”, và cậu bé đã chọn cách thay đổi từng bước một.

Chương không còn đọc nhiều các cuốn sách phân tích ngữ pháp và không nghĩ về ngữ pháp khi nói chuyện tiếng Anh với ai đó.

Ngoài ra, Chương tiếp tục tăng cường tiếp xúc với ngôn ngữ bản xứ qua các kênh như: xem phim phụ đề, nghe đĩa, đọc sách, xem báo tiếng Anh, nghe radio tiếng Anh... Chương cũng xem việc học tiếng Anh theo kiểu này giống như là giải trí, để chuyện học không gây áp lực cho chính mình mà trở nên nhẹ nhàng, thú vị, từ đó tiếng Anh thấm vào người một cách tự nhiên nhất...

Những buổi học tiếng Anh ở trường, Chương chú trọng vào việc nghe, nhất là những giờ có giáo viên bản xứ. Trong giờ học với cô giáo tiếng Việt, Chương cũng cố gắng rèn các kỹ năng nghe, phản xạ, đọc hiểu. “Mới đây, ba mẹ đã mua cho em máy tính để em có thể rèn tiếng Anh tốt hơn” - Chương nói.

Giải thích về việc không đi học thêm tại các trung tâm ngoại ngữ, Chương nói: “Em cũng có thử 1-2 lần, nhưng thấy cách học ở những nơi đó chậm quá, không rèn được những kỹ năng như mong muốn nên em chọn cách tự học”.

Vả lại, với Chương, chương trình tiếng Anh tăng cường ở trường cùng với câu lạc bộ tiếng Anh, và mỗi tuần 2 tiết giao tiếp với giáo viên bản xứ cũng đủ môi trường để cậu cọ xát tiếng Anh. “Em không nghĩ việc học tiếng Anh ở đâu quyết định sự tiến bộ của mình mà chính ý thức, sự chăm chỉ và cọ xát thường xuyên mới khiến mình tiến bộ lên được” - Chương nói.

875/900 điểm TOEFL Junior

Thầy Trần Quang Minh, hiệu phó phụ trách môn tiếng Anh (Trường THCS Phan Tây Hồ, Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho biết thêm: Trần Bác Chương không chỉ nghe nói tiếng Anh giỏi, tự tin trong giao tiếp tiếng Anh trong các buổi giao lưu học sinh quốc tế mà em còn có khả năng tin học rất tốt.

Ở bậc THCS, Chương có rất nhiều thành tích về tiếng Anh, như: lớp 6 và lớp 8 đoạt giải tiếng Anh cấp quận; lớp 7 đạt 870/900 điểm, lớp 8 đạt 875 điểm trong cuộc thi vô địch Toefl Junior dành cho học sinh THCS do IIG, Bộ Giáo dục - đào tạo và Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) tổ chức...

Đừng nghĩ về ngữ pháp nếu muốn giao tiếp tốt tiếng Anh

Em đã từng học rất nhuyễn về ngữ pháp tiếng Anh với mong muốn giao tiếp tiếng Anh tốt nhất. Nhưng sau này, khi em nói chuyện với người nước ngoài thì liên tục bị vấp.

Qua đọc một số tài liệu về giao tiếp tiếng Anh, cộng thêm kinh nghiệm cá nhân, em cho rằng: để giao tiếp tiếng Anh trôi chảy, cách tốt nhất là đừng nghĩ về ngữ pháp.

Phải học tiếng Anh y hệt như cách các em bé đã học tiếng mẹ đẻ: nghe nhiều, nghe sâu, tập nói, rồi mới đến đọc và viết. Giờ đây em cũng đang theo phương pháp đó.

TRẦN BÁC CHƯƠNG

Tác giả bài viết: MỸ DUNG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP