Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến nay toàn thế giới đã có 59 quốc gia phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tại Việt Nam, dịch bệnh đã xuất hiện tại 22 tỉnh, thành phố, tổng số lợn đã bị tiêu hủy là 69.256 con.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, thịt lợn vẫn là thực phẩm chính của gần 100 triệu dân, nếu chúng ta tổ chức chăn nuôi lợn tốt thì cơ hội rất lớn. Mặc dù bệnh nguy hiểm nhưng 53 nước xuất hiện dịch đã cơ bản khống chế được dịch bệnh. Chúng ta và các quốc gia trên thế giới cũng đã thực hiện các giải pháp để nghiên cứu vaccine.
Cần có cơ chế chính sách để người dân không bán tháo, bán chạy lợn ốm. |
Người chăn nuôi đang chồng chất khó khăn
Tại cuộc họp, đại diện một số doanh nghiệp lớn như: Masan, Mavin, Dabaco, Green Feed… đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình sản xuất. Đồng thời, nêu lên những khó khăn và đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch tả lợn, ổn định sản xuất của đơn vị.
Ông Kiều Minh Lực, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CP Việt Nam phân tích, hiện có 2 vấn đề khó khăn: Dịch bệnh và giá cả. Giá xuống dẫn đến lợn tồn rất nhiều. Vòng luẩn quẩn này làm cho sức miễn dịch của lợn đến ngày xuất chuồng đi xuống. Điều này cũng làm cho nguồn cung cấp con giống, cung cấp lợn cho tương lai cũng khó khăn.
“Tất cả các yếu tố trên làm cho dịch bệnh tăng thêm, người chăn nuôi bỏ nghề. Điều này Bộ cũng nhận thấy, các doanh nghiệp ngồi đây cũng nhận thức được. Theo tôi, việc vận chuyển con giống trong tình hình hiện nay rất phức tạp. Khi vận chuyển qua các trạm kiểm dịch cũng có khả năng lây lan bệnh”.
Ông Lực đề nghị với lợn con, lợn nái thì cơ quan thú y chỉ nên kiểm tra ở trại xuất, trại nhập, bỏ khâu kiểm tra ở trạm kiểm dịch trên đường. Vì đây chính là nơi có nguy cơ lây lan mạnh.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So lại đề nghị Bộ NN&PTNT cần có giải pháp để tháo gỡ, không chỉ có dịch tả lợn châu Phi mà cả dịch lở mồm long móng.
“Cả năm 2017 đến quý 1 năm 2018 giá thấp. Tất cả các nhà chăn nuôi đang chồng chất khó khăn, kể cả doanh nghiệp và người nông dân. Hiện nay giá thịt lợn khoảng 32 - 33 ngàn đồng/kg. Vấn đề cấp bách, nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi thì ai cũng biết, trừ một bộ phận hộ chăn nuôi nhỏ lẻ”, ông So nói và đề nghị Bộ nên kiểm soát thông tin, cân đối giải pháp thông tin.
Trung Quốc chỉ công bố 102 hộ bị dịch tả lợn châu Phi, nhưng hiện nay chúng ta công bố vài trăm xã. Vậy thì chúng ta có bao nhiêu ổ dịch, mỗi ổ dịch bao nhiêu con. Cần phải suy nghĩ là 1 - 2 con có công bố không, hay là bao nhiêu con mới công bố. Thứ hai, phải có kịch bản truyền thông, hướng dẫn, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng không tẩy chay với thịt lợn. Cần có cơ chế chính sách để người dân không bán tháo, bán chạy lợn ốm, bệnh thông qua việc phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đề nghị các trường học hợp tác trong sử dụng thịt lợn
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, năm 2018, cả nước có khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi, giảm so với 3,4 triệu hộ so với năm 2017. Hiện chúng ta có hơn 10.000 trang trại.
“Tôi đề nghị phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, có giải pháp chấn chỉnh thông tin khi mà một số trường không sử dụng thịt lợn, dẫn đến người chăn nuôi hoang mang, không dám tái đàn. Lợn có nguồn gốc, đảm bảo các tiêu chuẩn kiểm dịch thì vẫn sử dụng được bình thường. Hiện nhiều cơ sở được chứng nhận chăn nuôi tốt, thực hiện an toàn sinh học tốt. Có thể hộ đó đang trong vùng dịch, nhưng tôi đề nghị lãnh đạo Bộ NN&PTNT nghiên cứu xét nghiệm tại chỗ với các cơ sở này, để họ có thể được bán lợn âm tính với virus dịch tả lợn châu Phi”, ông Trọng nói.
Trước ý kiến này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, các cơ sở chăn nuôi có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh được phép kinh doanh bình thường.
Cùng đó ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y), cho hay: các phòng thí nghiệm của Việt Nam đang thực hiện bước nuôi cấy, phân lập nhân lên để phân loại virus phục vụ nghiên cứu sản xuất vaccine. Về huy động nguồn lực quốc tế, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ đầu tiên cho Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh.
"Thực tế hiện nay, trong các xã có dịch thì chỉ có một số hộ có lợn nhiễm dịch. Chúng ta cho phép người dân giết mổ, tiêu thụ tại cấp xã công bố dịch, nếu huyện công bố dịch thì cho phép tiêu thụ tại cấp huyện, tỉnh có dịch thì cho phép tiêu thụ tại cấp tỉnh. Chỉ có những chuồng có lợn nhiễm bệnh thì mới phải tiêu huỷ, còn các chuồng khác có thể tiếp tục được nuôi tiếp và theo dõi lâm sàng" - ông Long hiến kế.
Kết luận buổi họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lớn phải rà soát tổng thể các biện pháp an toàn sinh học của mình, đảm bảo cao nhất về cơ sở vật chất; quy trình kỹ thuật; tổ chức sản xuất, xử lý môi trường để nâng lên một bước, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, phải tăng cường các biện pháp giáp giám sát tổng thể ở tất cả các khâu, bởi nếu lơ là hậu quả sẽ rất lớn, không có cơ hội để rút kinh nghiệm. Thứ hai là kiểm tra tất cả các khâu liên quan như nguyên liệu sản xuất thức ăn, xe vận chuyển, quy chuẩn hoá vận chuyển, rà soát tất cả các khâu kinh doanh để điều phối sản xuất một cách hiệu quả. Không để tồn dư, giảm áp lực cho xã hội. Nếu có kho lạnh thì chúng ta cần tích trữ thịt lợn, không để hiện tượng sốt giá lợn đến mức không điều tiết được.