Kinh tế tư nhân tại Hải Phòng đang phát triển nhanh, mạnh

Admin
Với những bước phát triển mạnh mẽ, trong những năm qua doanh nghiệp khu vực tư nhân tại Hải Phòng đã có những đóng góp rất lớn, góp phần đưa thành phố cảng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong top đầu cả nước...

 Hải Phòng đang là thành phố có tốc độ phát triển nhanh nhất cả nước

Theo tổng kết mới nhất, Hải Phòng hiện có gần 27.000 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó, doanh nghiệp khu vực tư nhân chiếm đến 97%, đóng góp đến 34,63% GRDP toàn thành phố (Là số đóng góp lớn nhất trong các khu vực kinh tế ngoài nhà nước). Trung bình mỗi năm, thành phố có khoảng 3.000 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký trung bình trên 8 tỷ đồng.

Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp kinh doanh lớn nhất tại Hải Phòng, bao gồm: bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (chiếm 24,7%), lĩnh vực vận tải kho bãi (chiếm 13,8%), công nghiệp, chế biến, chế tạo (chiếm 11,5%), xây dựng (chiếm 9,2%) và hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (chiếm 5,1%).

Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm khu vực doanh nghiệp khu vực tư nhân luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng GRDP chung toàn thành phố. Giá trị tăng thêm (theo giá so sánh 2010) doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân tăng 18,82% cao hơn mức tăng GRDP chung là 12,38%.

Theo Báo cáo về doanh thu, nộp ngân sách trong 7 tháng năm 2023 đối với doanh nghiệp Hải Phòng thuộc khu vực tư nhân, doanh thu đạt 209.260,7 tỷ đồng, bằng 67,94% so với cùng kỳ; nộp ngân sách đạt 6.714,7 tỷ đồng, bằng 61,3% so với cùng kỳ, chiếm 37,71% trong tổng số thu nội địa.

Đối với doanh nghiệp khu vực tư nhân, doanh thu đạt 224.595,8 tỷ đồng, bằng 68,74% so với cùng kỳ; nộp ngân sách nhà nước đạt 11.373,7 tỷ đồng, bằng 63,14% so với cùng kỳ, chiếm 40,33% trong tổng số thu nội địa.

Số lao động trong các doanh nghiệp khu vực tư nhân tại Hải Phòng thời điểm hết năm 2021 là khoảng 253.277 người (chiếm 49,33% trong tổng số lao động tại các doanh nghiệp), đến hết 2022 đã tăng lên 259.424 người, tăng 2,43% so với cùng kỳ.

Bắt nhịp cùng tiến bộ khoa học kỹ thuật, doanh nghiệp Hải Phòng cũng tham gia hiệu quả, nhiều ứng dụng khoa học - công nghệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tỉ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 33,9% năm 2015 lên 40,4% năm 2022; tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng GRDP của thành phố đạt 45,65% năm 2015 lên 68,3% năm 2022.

Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của thành phố tăng từ 8,0% năm 2015 lên 15% năm 2022. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào mức tăng trưởng GRDP của thành phố tăng từ 32,4% năm 2015 lên 42,3% năm 2022. Số lượng doanh nghiệp khoa học - công nghệ thành phố tăng từ 06 doanh nghiệp năm 2015 lên 38 doanh nghiệp năm 2022.

Những dự án tiêu biểu là Tổ hợp chế tạo, sản xuất ô tô Vinfast; các dự án sản xuất sơn cao cấp theo công nghệ nước ngoài của Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng, Công ty Sơn số 2; các dự án chế tạo, sản xuất máy nong ống tự động của Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong…

Quyết tâm nỗ lực đồng hành, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định: “Doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp Hải Phòng là sức mạnh nội tại, nguồn lực tự cường của thành phố. Lãnh đạo TP Hải Phòng cam kết, sẽ giành sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Hải Phòng thật sự lớn mạnh. Đây là không phải là chủ trương lý thuyết, mà sẽ trở thành những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể …”

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết, thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục đề xuất xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển nhất là kết nối chuyển giao công nghệ, tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI, tạo mối liên kết hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh đó, Hải Phòng tiếp tục xây dựng Đề án chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc, tạo điều kiện mở rộng khả năng tham gia thị trường của doanh nghiệp khu vực tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng.

Tăng cường hỗ trợ đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Hỗ trợ để hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực hoặc dẫn đầu trong chuỗi giá trị…

Tác giả: Trương Quốc Cường

Nguồn tin: vneconomy.vn