Giáo dục

Kỳ cục bố mẹ Việt chọn trường thay con

Một quyết định có ảnh hưởng rất lớn đến cả đời người lại được đưa ra dựa trên vài dòng giới thiệu trong một cuốn sách mang nặng tính quảng cáo và cảm tính của những người không có chuyên môn.

Tôi vẫn còn nhớ cuối những năm 1970, tôi chuẩn bị thi vào đại học, khi bàn về việc chọn trường bố tôi đã dặn: “Trong đời mỗi con người có 2 điều quan trọng nhất là chọn nghề và lập gia đình, vì nó sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời mình sau này”.

Vì thế, bố tôi mua về một cuốn sách giới thiệu về các ngành nghề đào tạo trong các trường đại học, rồi cả nhà chụm đầu vào nghiên cứu. Nói là cả nhà chứ thực tế thì chỉ có bố mẹ tôi đọc là chính vì khi được hỏi sẽ thi trường nào, tôi nói ngay là sẽ thi Bách khoa. Lý do để chọn trường ấy rất đơn giản là vì tôi đang học chuyên Toán, được đánh giá là lớp chuyên cao giá nhất thời ấy và xã hội đang chuộng các trường như Y, Dược, Bách Khoa... Lớp tôi thi khối A nên đương nhiên hầu hết sẽ thi Bách khoa hay Tổng hợp.

Nhiều năm sau khi đã có dịp chứng kiến hướng nghiệp ở một vài nước, tôi mới nhận thấy sự ấu trĩ của mình. Một quyết định có ảnh hưởng rất lớn đến cả đời người lại được đưa ra dựa trên vài dòng giới thiệu trong một cuốn sách mang nặng tính quảng cáo và cảm tính của những người không có chuyên môn.

30 năm sau, khi bản thân phải trải nghiệm việc hướng nghiệp cho con cái và đã có dịp trao đổi với nhiều phụ huynh cũng như sinh viên về đề tài này, tôi phát hiện ra tình hình còn tệ hơn trước. Theo kinh nghiệm thực tế của tôi, hiện nay bố mẹ Việt đang có những sai lầm rất lớn khi định hướng nghề nghiệp cho con.

Chọn nghề theo trào lưu xã hội, như thời tôi là thích Bách khoa, Tổng hợp, còn giờ thì các ngành kinh tế lại lên ngôi. Hàng năm tôi mệt mỏi vì phải chứng kiến đến mùa đăng ký vào trường, tất cả các sĩ tử đều đi cùng bố mẹ và gần như 100% các thủ tục cũng như quyết định chọn ngành để nộp hồ sơ đều do các bố mẹ đưa ra với sự tham khảo ý kiến của họ hàng, bạn bè, giáo viên... tất tật mọi người trừ hỏi chính đối tượng!

kycucbomevietchontruongthaycon
Nhiều bạn trẻ nộp hồ sơ thi đại học chỉ dựa trên những quyết định của cha mẹ. (ảnh minh họa)

Năm nào tôi và các đồng nghiệp cũng phải tiếp rất nhiều phụ huynh hỏi những câu rất khó đỡ như: “Con tôi nên học ngành nào?”, “Ngành nào là ngành tốt bây giờ?”. Khi tôi hỏi lại “Thế nào là ngành tốt?” thì tất cả đều ngạc nhiên vì thực ra ý họ là ngành nào đang được xã hội săn lùng với niềm tin đó là ngành dễ xin việc, có lương cao.

Nhưng không ai nghĩ thế nào là lương cao? Lương lúc mới ra trường cao hay khả năng thăng tiến sau này cao? Nếu có tồn tại một ngành như vậy mà mọi người đều mong muốn thi vào thì làm gì có đủ chỗ cho tất cả sinh viên ra trường??? Tình trạng này đã thật sự xảy ra với ngành ngân hàng, mọi thí sinh đều đổ vào nhưng sau vài năm ngành thực sự bão hoà, cử nhân thất nghiệp, sinh viên và gia đình thất vọng sâu sắc mà không hề nghĩ đó chính là do sự định hướng quá kém của mình.

Có lần tôi hỏi thi một sinh viên đi thi lần 3 mà không biết gì cả, cũng không có vẻ quan tâm đến học. Khi tôi định đánh trượt thì tình cờ một giáo viên ghé qua cho biết em từng đoạt giải Toán Quốc gia, là thủ khoa đầu vào của trường. Tôi ngạc nhiên hỏi mới được biết em chỉ thích học Toán Tin, nhưng ước mơ của mẹ em là có con học Ngoại thương nên đã ép em học trường này. Học được 1 năm, em không thích nên đã thi lại để học Bách khoa và đã tốt nghiệp nhưng mẹ em vẫn bắt phải có bằng Ngoại thương, làm cả em và giáo viên đều khổ sở!

Những chuyện như vậy rất nhiều, như tôi từng có người bạn bị gia đình ép học Y vì thích trong nhà có bác sĩ trong khi bạn rất sợ máu và ghét môn Sinh. Ngày bạn kiên quyết thi trường khác, bà mẹ giận đến hàng tháng, sau này vẫn còn đay đả mãi là bạn bất hiếu. Bây giờ, mỗi lần đọc báo thấy bác sĩ mổ nhầm chân hay cắt nhầm thận, tôi vẫn nghĩ liệu có phải họ từng bị gia đình ép vào ngành này không?

Có bố mẹ chọn ngành vì nghĩ ngành này hợp với con trai hay con gái, phổ biến nhất là con trai nên học Bách khoa, Xây dựng, Máy... còn con gái nên học Sư phạm, Kinh tế... Các bố mẹ làm như vậy hoàn toàn với mong ước điều tốt cho con mà không hề biết mình đã vi phạm Luật Bình đẳng giới. Khoa học đã chứng minh trừ những việc quá đăc thù (mà ngày càng ít), còn nam nữ đều có thể làm mọi nghề tốt như nhau. Ngay ở VN, trong ngành công nghiệp, hiếm có nam giới nào có thành tích như PGS. TS Nguyễn Thị Hoè, người phát minh ra sơn KOVA và trong ngành sư phạm cũng có rất nhiều thầy giáo thành công.

Chọn ngành vì bố mẹ có quan hệ, sau này dễ tìm việc cho con. Suy nghĩ này xuất phát từ thực tế thời bao cấp, khi lượng công việc hạn chế do chỉ có thể làm cho nhà nước, nhưng hiện tại lối nghĩ ấy đã quá lạc hậu vì nó hạn chế khả năng phát triển của con cái. Hơn nữa, quan hệ có thể giúp ta tìm việc cho con nhưng không ai có thể bảo kê cho con bạn cả đời mà chỉ có năng lực làm việc mới quyết định được. Thực tế quan sát sinh viên, tôi rất ngạc nhiên nhận ra những bạn có gia đình xin việc giùm sau 5 -10 năm lại thua xa những bạn tự tìm việc, vì việc không đúng sở thích, vì ỷ lại, không chịu phấn đấu.

Quyết định ngành học thay cho con, đây chính là điều kỳ cục nhất mà tiếc rằng bây giờ lại phát triển hơn thời của tôi. Ít ra trong thời của tôi, chúng tôi cũng được hỏi ý kiến và việc chọn trường cũng dựa trên năng lực của cá nhân. Còn sau này, khảo sát trong các lớp mình dạy, khi tôi hỏi về lý do thi vào trường này, có đến trên 90% sinh viên trả lời là thi vào trường theo lời khuyên của bố mẹ, họ hàng, hay đơn giản thi theo bạn bè vì tưởng trường đó oai hoặc hay ho lắm, tóm lại tất cả đều có chữ “tưởng”.

Rất nhiều bố mẹ dẫn con đến nhà tôi hỏi về ngành học, về trường… nhưng cả buổi chỉ có bố mẹ nói, con không nói câu nào, mặt ngơ ngác như nói chuyện về ai khác. Khi tôi bảo: “Thì phải để cháu tự quyết chứ” thì 90% bố mẹ đều bảo: “Chúng nó thì biết gì! Mình phải quyết cho chúng nó chứ”!

Bản thân các em không được tự chọn, hoặc chọn trên thông tin của bố mẹ nên không có hứng thú, kết quả là một thế hệ người trẻ học đối phó, thụ động, ra đời không thành đạt, thiệt thòi cho cả bản thân, gia đình và xã hội. Và bởi vậy chúng ta sẽ tiếp tục có những thế hệ người Việt mãi không chịu trưởng thành.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Ánh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP