Đấu tranh không khoan nhượng
Để có được ngày chiến thắng thì từ trước đó, quân và dân thủ đô đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động phối hợp trong chiến địch Đông - Xuân (1953 - 1954) và chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là phong trào chống bắt lính, đẩy mạnh địch - ngụy vận được dấy lên mạnh mẽ trong học sinh, sinh viên, công chức, thanh niên, phụ nữ với khẩu hiệu “Đi lính là chết vô ích", "Quyết giữ con em không đi lính cho giặc"... Các phong trào này đã diễn ra với nhiều hình thức phong phú: Không khai báo, không trình diện, lẩn trốn tại chỗ, trốn về quê, trốn ra vùng tự do, đấu tranh ở các trại tập trung Ngọc Hà, Sinh Từ, Lò Đúc, lấy chữ ký vào kiến nghị phản đối luật tổng động viên, bãi khóa chống quân sự hóa học đường… Công tác địch - ngụy vận được đẩy mạnh với lính Âu - Phi, ngụy binh, cảnh binh. Cán bộ của Ban địch vận và quần chúng ở các đoàn thể cũng tham gia địch - ngụy vận với khẩu hiệu “Lập công trở về với Tổ quốc”. Từ tháng 3/1954, đã có hơn 19.000 tên địch đào ngũ, không kể hàng nghìn tên trong tổ chức Bảo chính đoàn và địa phương quân tan rã tại chỗ hoặc trở về với nhân dân.
Ông Phạm Văn Cường: “Đó là những ngày tháng không thể nào quên trong cuộc đời tôi” |
Ngày 13/3/1954, ta nổ súng tấn công, siết chặt vòng vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Pháp, Anh, Hoa Kỳ phải đồng ý gặp Liên Xô, Trung Quốc và các nước liên quan ở hội nghị Giơ-ne-vơ để bàn về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 7/5/1954, nhân dân vô cùng vui mừng khi được tin quân ta đại thắng ở Điện Biên Phủ. Quân Pháp và bù nhìn thì hoang mang, dao động cực độ.
Những tin thắng lợi của ta về quân sự, ngoại giao đã làm cho quần chúng lao động Hà Nội càng phấn khởi đấu tranh chống địch. Hầu hết các cuộc đấu tranh đều dùng những hình thức hợp pháp như: cử đại biểu, yêu cầu đưa đơn. Địch càng lúng túng, phong trào đấu tranh của ta càng cao và càng thu nhiều thắng lợi. Nổi bật nhất là phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Nội chống địch bắt lính và công tác vận động ngụy binh; đã có từng đơn vị trung đội, đại đội đào ngũ; có những tốp ngụy binh lái cả xe vận tải chở vũ khí ra vùng tự do.
Để chuẩn bị cho giải phóng và tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo đẩy mạnh trọng tâm cuộc đấu tranh của quân và dân Hà Nội từ 20/7 đến 10/10/1954 với lực lượng nòng cốt là công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, công sở, chống địch phá hoại tháo dỡ máy móc, nguyên vật liệu, mang đi hồ sơ quan trọng; đồng thời, chống địch cưỡng ép dân di cư vào Nam. Cuộc đấu tranh đã diễn ra quyết liệt ở các xí nghiệp lớn như: điện Yên Phụ, đèn Bờ Hồ, Bưu điện, ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội), ga Gia Lâm, sở Lục lộ, công ty vệ sinh,… để giữ cho việc cung cấp điện, nước, đảm bảo giao thông liên lạc và vệ sinh của thành phố, đảm bảo đời sống bình thường của nhân dân khi ta vào tiếp quản. Cuộc đấu tranh của Hà Nội đã kết hợp chặt chẽ với cuộc đấu tranh ngoại giao của phái đoàn ta trên bàn hội nghị ngoại giao ở Phủ Lỗ, buộc địch phải chuyển giao thành phố cho ta theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Sau hơn 2 tháng đấu tranh, ta đã giữ được gần như nguyên vẹn máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu ở nhà máy, xí nghiệp, công sở, bệnh viện quan trọng. Đồng bào các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên bị địch dồn về Hà Nội để di cư, được cán bộ giải thích, tuyên truyền, đã tự nguyện trở về quê nhà sinh sống. Đại bộ phận nhân dân Hà Nội không mắc mưu địch, ở lại chờ đón ngày giải phóng. Sau nhiều ngày đấu tranh trên bàn đàm phán, Hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết ngày 30/9/1954.
Thời khắc lịch sử
63 năm đã trôi qua, nhưng ký ức hào hùng về những ngày mùa thu lịch sử năm 1954 mãi in đậm trong tâm trí ông Phạm Văn Cường (84 tuổi, quê ở Văn Võ, Chương Mỹ, Hà Nội), một người lính có mặt trong đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô. “Từ sau chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, quân Pháp bị hất cẳng tại Mường Thanh, chúng tỏa về các tỉnh vệ tinh quanh Hà Nội như Hoà Bình, Nam Định, Bắc Giang... Ở những địa phương đó, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu với địch, thu hẹp vùng tạm chiếm. Buộc chúng phải co cụm, chạy dần về Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nội. Ta lại tiếp tục tiến về Hà Nội theo đường rút của địch...”, ông Cường nhớ lại.
Bộ đội tiến về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954 |
Cũng theo ông Cường, từ ngày 2/10/1954, Chính phủ ta đã phái các đơn vị trật tự, hành chính vào thành phố trước để chuẩn bị tiếp quản. Nhân dân Hà Nội vui mừng, ủng hộ giúp đỡ các đơn vị này, ngăn chặn địch cướp phá máy móc, tài sản. Để chuẩn bị tốt cho việc tiếp quản, Hội đồng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội, công bố các chính sách đối với đô thị mới giải phóng, các điều kỷ luật đối với bộ đội, cán bộ và nhân viên khi vào thành phố.
Đến ngày 5/10/1954, các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội bắt đầu nhận bàn giao các công sở, công trình lợi ích công cộng, các trụ sở quân sự của Pháp và ngụy quyền. Ở ngoại thành, địch rút khỏi Văn Điển từ ngày 6/10/1954. Đến ngày 8/10/1954, ta hoàn thành việc ký kết bàn giao các cơ quan, công sở, công trình lợi ích công cộng ở nội thành với phía Pháp và chuẩn bị nhận bàn giao các vị trí quân sự. Chiều 8/10, thực dân Pháp làm lễ cuốn cờ tại Thành Hà Nội, ở tất cả các vị trí quan trọng của Thủ đô đều có quân ta án ngữ.
"Trước ngày 10/10/1954, các đội trật tự đã vào Hà Nội trước để bảo vệ an ninh của Thủ đô. Nhiệm vụ chủ yếu của đội là giữ được ổn định tính mạng, vật chất của nhân dân, cùng với các đoàn thể vận động bà con Hà Nội chuẩn bị cho ngày giải phóng Thủ đô. Tuy đều là những thông tin mật nhưng hầu hết toàn dân Hà Nội đều rất hoan hỷ để chờ ngày giải phóng Thủ đô. Ở trong thành phố, lúc ấy quân Pháp vẫn đi tuần tra, thiết quân luật với nhân dân nhưng không khí đã rất "nóng". Bề ngoài, nhân dân vẫn sản xuất lao động bình thường nhưng bên trong mỗi ngôi nhà không khí sục sôi, các chiến sỹ công an cũng rất vui mừng, cảm nhận ngày chiến thắng đến rất gần nhưng vẫn "nén" trong lòng để bảo đảm an toàn cho nhân dân Hà Nội...", ông Cường kể.
Sáng ngày 9/10/1954, bộ đội từ Đê La Thành chia làm hai mũi tiếp thu các khu vực quân sự như: Quần Ngựa, Bạch Mai, Đồn Thủy, Thành Hà Nội,... Địch rút đến đâu, ta tiến đến đấy. Cũng trong buổi sáng ngày 9/10/1954, các đội công tác ngoại thành cùng bộ đội vào tiếp quản 4 quận: Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi và đến trưa tiếp quản Đại lý Hoàn Long. 16 giờ, ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút sang phía đông cầu Long Biên. Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố. Đêm 9/10, đêm hòa bình đầu tiên thành phố rực rỡ trong rừng cờ và niềm vui khôn xiết.
Rồi thời khắc lịch sử cũng đến. Sáng 10/10/1954, từ năm cửa ô, các đơn vị bộ đội tiến vào Hà Nội. Trong rừng cờ hoa, với niềm vui sướng tột độ, nhân dân Thủ đô náo nức đón đoàn quân chiến thắng trở về. Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ “Quyết chiến - quyết thắng". 15 giờ chiều 10/10/1954, quân dân Thủ đô dự Lễ mừng chiến thắng tại sân Cột Cờ. “Lúc bấy giờ, đâu đâu cũng rợp cờ đỏ sao vàng. Thời khắc ấy, sẽ vĩnh viễn in đậm trong tâm trí của tôi", ông Ca tâm sự.
63 năm đã qua đi, nhưng ký ức hào hùng của những ngày đấu tranh giải phóng và tiếp quản Thủ đô Hà Nội vẫn còn in đậm mãi trong tâm trí của những cựu binh như ông Cường cũng như tất cả người dân Thủ đô. Chắc chắn hình ảnh 5 đoàn quân với cờ đỏ, sao vàng hùng dũng tiến vào Thủ đô từ 5 cửa ô với tư thế của những người chiến thắng sẽ không bào giờ phai mờ trong thế hệ những cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đã từng có mặt và chứng kiến giây phút hào hùng khi xưa. Những thế hệ công dân Thủ đô sinh sau ngày 10/10/1954, dù không được chứng kiến những giây phút hào hùng đó, nhưng vẫn cảm nhận được niềm tự hào từ các thế hệ cha anh và sẽ luôn ghi nhớ, biết ơn những chiến sỹ đã ngã xuống, anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì sự toàn vẹn của Thủ đô Hà Nội - Thủ đô anh hùng - Thủ đô hòa bình.
Kể từ những ngày mùa thu tháng mười lịch sử ấy, Thủ đô Hà Nội đã có những bước phát triển nhảy vọt, hiện đại hóa về mọi mặt. Đâu đó trên những con đường, những tuyến phố mà đoàn quân giải phóng đã đi qua, dường như vẫn còn âm vang lời bài hát Tiến về Hà Nội của nhạc sỹ Văn Cao: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về”...