Ký ức về ngày Tết Độc lập đầu tiên

Admin
72 năm đã trôi qua kể từ mùa thu năm 1945, nhưng trong thẳm sâu ký ức của ông Nguyễn Hữu Khai vẫn luôn in đậm hình ảnh về ngày Tết Độc lập đầu tiên, về những tháng ngày cờ đỏ sao vàng rực rỡ với niềm hạnh phúc vô bờ khi chính quyền về tay nhân dân.

Những ngày tháng không thể nào quên

Ở cái tuổi xấp xỉ 90, dù trí nhớ, sức khỏe đã giảm sút nhiều, nhưng khi nhắc nhớ về quãng đời binh lửa của mình, ánh mắt ông Khai (ở thôn An Khê, xã Hải Thương, Huyện Hải Lăng, Quảng Trị) chợt sáng lên. Bằng giọng nói nằng nặng thổ âm trung bộ, ông chầm chậm kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời đầy khuất khúc của mình. Ông Khai sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Quảng Trị. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã sớm phải chứng kiến những mất mát, đau thương mà người dân quê mình phải gánh chịu bởi chiến tranh. Cũng từ đó, ông bắt đầu thắp cho mình ước mơ sau này lớn lên sẽ làm bộ đội cầm súng chống giặc để giải phóng quê hương.

Mười tám tuổi, ông Khai nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại hầu khắp các chiến trường từ miền Trung đến Tây Nguyên. Đến năm 1961, ông được cử đi học Trường bổ túc văn hóa công nông Trung ương, rồi về công tác tại Ban Giao thông vận tải đặc biệt. “Trong suốt quãng đời binh lửa của mình, thì ký ức về những ngày diễn ra cuộc Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 sẽ mãi mãi không thể nào quên. Thời điểm đó, quân và dân cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng sục sôi khí thế cách mạng để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Khắp các địa phương đều dấy lên các phong trào đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân. Đây chính là dấu mốc lịch sử quan trọng đối với toàn dân tộc”, ông Khai tâm sự.

 Ông Nguyễn Hữu Khai

Ông Khai kể, sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 9/3/1945 phát xít Nhật đã kéo vào Quảng Trị. Chúng thành lập chính quyền bù nhìn do Phan Văn Hy làm tỉnh trưởng. Sự áp bức của phát xít Nhật và tay sai đã làm cho cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân ngày càng điêu đứng, cùng quẫn. Chúng đóng quân dọc đường 1, đường 9, Đông Hà, thị xã Quảng Trị và tăng cường bắt lính, bắt phu, vơ vét lương thực, thực phẩm nhằm phục vụ quân đội của chúng. Hầu hết các đình chùa, nhà thờ đều trở thành trại lính.

Lúc này nạn đói đang hoành hoành nhiều nơi cộng với số ngưòi bị đói các tỉnh phía bắc kéo vào càng làm cho tình hình kinh tế xã hội ở Quảng Trị thêm trầm trọng, phức tạp. Giữa lúc đó nhiều đảng viên cộng sản từ các nhà tù đế quốc lần lượt được trả tự do trở về tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh. Đây chính là lực lượng chủ chốt, là một trong những nhân tố góp phần đẩy mạnh cao trào kháng Nhật cứu nước và tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong thời gian tới.

 Ông Khai và bạn cùng ngồi ôn lại những câu chuyện của thời binh lửa

Tháng 4/1945, Tỉnh ủy Quảng Trị lâm thời được thành lập do đồng chí Bùi Trung Lập làm Bí thư. Từ đó, phong trào cách mạng trong tỉnh phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Đến cuối tháng 6/1945, sau khi nhận được chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban thường vụ Trung ương Đảng, Tỉnh ủy lâm thời liền triệu tập Hội nghị đại biểu toàn tỉnh nhằm quán triệt chỉ thị của Trung ương và chủ trương đẩy mạnh mọi mặt công tác để phát động phong trào kháng Nhật cứu nước. Hội nghị cũng quyết định đổi Tỉnh ủy lâm thời thành Ban vận động thống nhất Đảng bộ.

Sau hội nghị, Ủy ban dân tộc giải phóng của các phủ, huyện lần lượt ra đời. Ở nhiều thôn xã, uy thế Việt Minh đã lấn át uy thế của chính quyền bù nhìn. Bọn quan lại cũng hoang mang, dao động, mất hết khả năng đàn áp cách mạng, khí thế quần chúng đã sẵn sàng đứng dậy. Phong trào đóng góp công, của ủng hộ cách mạng phát triển rộng khắp.

Ngày 18/8/1945, tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị toàn tỉnh tại làng Phước Lễ, nhằm thống nhất lực lượng cách mạng trong tỉnh và bàn việc khởi nghĩa. Đông đủ đại biểu các phủ trong tỉnh về tham dự. Sau khi nghe các phủ, huyện báo cáo tình hình, Hội nghị đã thảo luận sôi nổi về tình hình phong trào cách mạng, hoạt động của các đoàn thể, vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị khởi nghĩa; đồng thời đánh giá thực lực quân Nhật, lực lượng bảo an binh cũng như chính quyền bù nhìn.

Đồng thời, Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Trần Hữu Dực làm chủ tịch và quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh vào khoảng ngày 21 đến 25/8/1945. Từ ngày 19/8/1945, cùng với Hà Nội, nhiều địa phương trong cả nước cũng đã giành chính quyền thắng lợi. Trong không khí sôi sục của cả nước, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong tỉnh, chiều 22/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh đã phát lệnh khởi nghĩa.

Thắp lửa ký ức cho mai sau

“Tin Hà Nội giành được chính quyền vào ngày 19/8, đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn cho quân và dân Quảng Trị. Tất cả các địa phương trong tỉnh, từ người già, phụ nữ cho đến trẻ nhỏ đều sục sôi tinh thần cách mạng, vùng lên mạnh mẽ, ra đường biểu tình để giành chính quyền. Trên khuôn mặt mọi người đều rạng rỡ một niềm tin chiến thắng, một cảm xúc khó tả, khó quên trong tâm trí mọi người dân khi quê hương, đất nước thoát khỏi ách thống trị của giặc ngoại xâm, nhân dân được làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình”, ông Khai nhớ lại.

Ngay sau khi lệnh khởi nghĩa được phát ra, để biểu dương lực lượng và thị uy, 19 giờ ngày 22/8/1945, ba đại đội tự vệ vũ trang dưới sự điều khiển của đồng chí Trần Hồng Chương tiến vào thị xã tuần hành, thị uy. Đoàn quân vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Đánh đổ chính quyền bù nhìn Bảo Đại, Trần Trọng Kim”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng minh”, “Thành lập chính quyền nhân dân cách mạng'”. Đoàn biểu tình vũ trang tiến đến đâu đều được đồng bào hưởng ứng nhiệt liệt và gia nhập vào mỗi lúc một đông thêm. Đoàn người diễu qua các đường phố lớn với khí thế hùng dũng, mạnh mẽ...

Đúng 1 giờ ngày 23/8/1945, theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, các đơn vị tự vệ chiến đấu làm nhiệm vụ chiếm đóng và dự bị đều đột nhập nội thị, chiếm lĩnh tất cả các vị trí được phân công từ trước. Cùng lúc, các lực lượng làm nhiệm vụ biểu tình thị uy chính trị, từ các hướng rầm rập kéo vào thị xã. Cách mạng thực sự là ngày hội của quần chúng nhân dân lao động. Đến 5 giờ sáng ngày 23/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Trị kết thúc thắng lợi.

9 giờ sáng ngày 23/8/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức trước tòa Công sứ Pháp, lúc này là trụ sở của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của tỉnh. Thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực trịnh trọng tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng trong toàn tỉnh trước sự reo hò như sấm dậy của quần chúng.

“Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 3/9 tại Quảng Trị mới tổ chức lễ mít tinh. Dù được tổ chức muộn nhưng lễ mít tinh được tổ chức tại Sân vận động Cam Lộ vẫn thu hút hàng vạn người tham gia. Ngày Quốc khánh đầu tiên, nhân dân các địa phương dọn đường khá sạch sẽ, treo cờ, hoa, khẩu hiệu rất khí thế. Mọi người ai cũng vui sướng, phấn khởi vì cảm xúc mới lạ, rạo rực ấy đã được nhen nhóm từ thời điểm Cách mạng tháng Tám. Bản thân tôi cũng dâng trào cảm xúc, bởi từ đây mọi người được trở thành những công dân tự do của một đất nước độc lập”, ông Khai chia sẻ.

Trải qua nhiều giai đoạn hoạt động cách mạng, nhiều cương vị khác nhau và từng chứng kiến nhiều thời khắc quan trọng của lịch sử, nhưng đối với ông Khai, hồi ức đẹp về những ngày đầu kháng chiến, được hòa vào dòng người tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, tham gia mít tinh mừng ngày Quốc khánh đầu tiên là những dấu ấn không thể mờ phai. Ông bảo: “Có trải qua những năm tháng lầm than chịu ách thống trị của giặc Pháp, của phát xít Nhật mới thấu hiểu được ý nghĩa lớn lao của Cách mạng tháng Tám, cuộc cách mạng đưa người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, chủ vận mệnh dân tộc”.

Hòa bình lập lại, ông Khai xuất ngũ rồi về sống tại quê hương Quảng Trị. Không có vợ con, nhưng ông phải lo chăm bẵm cho hai đứa cháu về đằng nội. Tuy phải quấn bíu với chuyện áo cơm, nhưng suốt mấy chục năm qua, ông như con ông tìm mật, góp nhặt, chắt chiu những kỷ vật chiến tranh. Ở cái “bảo tàng lịch sử thu nhỏ” ấy, bên cạnh những kỷ vật, tư liệu về chiến tranh, còn có rất nhiều những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi dấu chân của Bác, mỗi năm tháng Bác bôn ba đi tìm đường cứu nước, ông Khai đều lưu lại bằng nhiều hình ảnh. Trên bàn làm việc của ông, bên cạnh di ảnh của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những bằng khen, giấy khen mà ông được các cơ quan chức năng trao tặng. Từ tấm Huân chương Lao động Hạng nhất, cho đến Kỷ niệm chương của Ban liên lạc quân khu Trị Thiên... Những thứ đó, được ông Khai cất giữ và nâng niu, trân trọng chả khác gì báu vật.

Ông Khai bảo, mình sưu tầm không phải vì tiền, cũng không phải để làm cuộc chơi. Ông muốn tập hợp chúng lại thành một bảo tàng, cho nhiều thế hệ sau được biết về 2 cuộc chiến của dân tộc như thế nào thông qua những hiện vật này, như một cách để tưởng nhớ những người đã hy sinh và cống hiến cho độc lập của dân tộc.