Lãi suất điều hành gần giảm tới giới hạn

Admin
Dư địa giảm lãi suất điều hành vẫn còn, nhưng sắp đi tới giới hạn, trong bối cảnh áp lực tỷ giá và lạm phát gia tăng.

 Các ngân hàng bắt buộc phải hạ lãi suất cho vay để cạnh tranh, giữ chân khách hàng tốt

Bị chi phối bởi các yếu tố chưa chắc chắn

Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã phản ứng nhanh bằng cách cắt giảm lãi suất tái cấp vốn tổng cộng 1,5%/năm trong 6 tháng đầu năm 2023, xuống còn 4,5%/năm. Mặc dù triển vọng cắt giảm thêm lãi suất cùng với thời gian thực hiện có thể được chuyển sang quý IV/2023, nhưng quyết định này vẫn cần cân nhắc khi Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cân đối cả rủi ro tăng trưởng và lạm phát.

Ông Quang cho biết, tỷ lệ lạm phát đã tăng cao hơn trong những tháng gần đây do giá thực phẩm và năng lượng đi lên khi các nhà sản xuất dầu chủ chốt cắt giảm sản lượng, xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, cũng những thay đổi về khí hậu, thời tiết. Áp lực tăng giá tiêu dùng có thể gia tăng trong thời gian tới.

“Chúng tôi giữ nguyên dự báo lạm phát (CPI) của Việt Nam ở mức 3,9% cho năm 2023, số liệu mới nhất là 3,7% cho tháng 9, cao hơn nhiều so với mức thấp nhất của năm nay là 2% (tháng 6/2023) và đang tiến gần hơn đến mục tiêu chính thức là 4,5%. Do đó, dự báo của chúng tôi về việc tiếp tục cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong quý IV/2023 vẫn bị chi phối bởi các yếu tố chưa chắc chắn”, ông Quang nói.

Điểm đáng chú ý trên thị trường tiền tệ đó là áp lực tỷ giá tiếp tục tăng khi tỷ giá USD/VND chạm mức 24.390 vào ngày 25/9/2023, tăng 1,3% so với cuối tháng 8 và tăng 3,2% so với đầu năm, khiến Ngân hàng Nhà nước phải có những động thái can thiệp.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho hay, áp lực tỷ giá đến từ lạm phát trong nước gần đây có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối chịu tác động sau động thái Mỹ nâng trần nợ công, nước này đẩy mạnh phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thiếu hụt ngân sách, khiến lãi suất trái phiếu tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023.

Đặc biệt, tình trạng đầu cơ tỷ giá gia tăng để hưởng chênh lệch lãi suất giữa VND và USD được hậu thuẫn bởi USD duy trì sức mạnh, khi chỉ số DXY có tuần tăng thứ 3 liên tiếp và vượt mốc 106 - mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.

Trước áp lực tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu để hút bớt thanh khoản dư thừa ra khỏi hệ thống ngân hàng, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ tỷ giá. Ngày 2/10, cơ quan này tiếp tục chào thầu tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Kết quả, có 6.900 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu, với lãi suất giữ nguyên ở mức 1%/năm. Như vậy, nhà điều hành đã hút ròng 6.900 tỷ đồng, đưa số tín phiếu lưu hành trên thị trường lên gần 100.700 tỷ đồng.

“Chúng tôi kỳ vọng, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng có thể duy trì trong vùng 24.300 - 24.500 trong tháng 10, trước khi nguồn cung USD cải thiện dịp cuối năm giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá”, ông Hinh nói.

Chính sách lãi suất đã tới giới hạn

Áp lực từ tỷ giá làm giảm dư địa hạ lãi suất điều hành, dự báo mặt bằng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên cho đến hết năm 2023.

Ông Đinh Quang Hinh nhận định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tạm dừng hạ lãi suất điều hành ít nhất cho đến nửa đầu năm 2024, vì cần cân bằng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng, trong bối cảnh áp lực tỷ giá và lạm phát gia tăng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, khi áp lực từ tỷ giá càng lớn, thì càng ít dư địa cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành.

Tuần qua, SHB công bố dành 5.000 tỷ đồng để cho vay với lãi suất từ 6,97%/năm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động ngắn hạn. Các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi gồm doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đơn vị hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên như nông lâm nghiệp, thủy sản, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, các dự án xanh…

Đồng thời, SHB dành 1.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay mua ô tô, với thời gian vay từ 36 tháng trở lên. Dựa trên nhu cầu và kế hoạch sử dụng vốn, khách hàng có thể lựa chọn ưu đãi lãi suất từ 7,5%/năm trong 6 tháng đầu, hoặc từ 9%/năm trong 12 tháng đầu.

“Cuối năm là thời điểm quan trọng cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng. Những chính sách của SHB nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường chung còn nhiều thách thức, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp các chính sách, giải pháp, sản phẩm chuyên biệt được được may đo phù hợp với từng đối tượng khách hàng, giúp khách hàng thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tạo động lực để khách hàng ngày càng phát triển”, đại diện SHB chia sẻ.

Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nhà điều hành đã có những cơ chế buộc các ngân hàng cạnh tranh với nhau bằng lãi suất, giúp doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp hơn. Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu các ngân hàng không chỉ chủ động hạ lãi suất, mà bắt buộc phải hạ lãi suất để cạnh tranh, giữ chân các khách hàng tốt.

Diễn biến thực tế trên thị trường cho thấy, lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm trong những tháng tới, do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ việc Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất điều hành trong 6 tháng đầu năm 2023. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước thông qua việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép gia hạn trích lập dự phòng nợ xấu.

Thị trường kỳ vọng, lãi suất cho vay sẽ giảm thêm 1 - 1,5%/năm trong những tháng cuối năm 2023, bởi tính đến cuối tháng 9, bình quân lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh đã giảm về mức 5,5%/năm (giảm 0,3%/năm so với tháng 8 và giảm 1,9%/năm so với đầu năm). Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng tư nhân cũng giảm mạnh, hiện trong khoảng 5,1 - 6,3%/năm, trung bình khoảng 5,7%/năm (giảm 0,3%/năm so với tháng 7 và giảm 2,6%/năm so với đầu năm). Trong tháng 9, một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân mạnh tay giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng là Sacombank, VIB, OCB, TPBank, mức giảm từ 0,6 - 1%/năm so với mức bình quân lãi suất tháng 8.

Ông Phan Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Techcombank nhận định: “Việt Nam là số ít quốc gia táo bạo thực hiện chính sách hạ lãi suất, tuy nhiên, bước đi sắp tới về chính sách lãi suất đã tới giới hạn”.

Ông Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Trường đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị, Nhà nước nên khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay như giảm chi phí vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán, đồng thời kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức 10% và tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập.

Trước diễn biến lãi suất huy động giảm mạnh và tín dụng phục hồi trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào, cùng với yếu tố lạm phát tăng trở lại, bà Trần Thị Hà My, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán Rồng Việt nêu quan điểm: “Chưa cần thiết để Ngân hàng Nhà nước giảm tiếp lãi suất điều hành và kịch bản cơ sở hiện tại là mặt bằng lãi suất điều hành sẽ giữ nguyên cho đến hết năm 2023”.

Tác giả: Nhuệ Mẫn

Nguồn tin: tinnhanhchungkhoan.vn