Đọc bài “Lương thấp, sao nhiều người vẫn muốn chạy vào làm công chức”, nhất là vào phần comment, tôi thấy đa số mọi người vào chê bai, đả kích công chức làm ít ăn nhiều, lương ít, lậu nhiều… nói chung mỗi người một ý.
Bản thân tôi cũng là một công chức, tự thi tuyển năm 2014, xin chia sẻ về công việc của mình như sau: trước khi làm công chức, tôi đã có thời gian 3 năm làm công nhân may, mức lương trung bình 6 triệu đồng. Để có 6 triệu đồng đó mỗi ngày tôi làm việc buổi sáng từ 7h 30 đến 11h 30, buổi chiều từ 13h đến 17h, nghỉ 30 phút, lại tăng ca đến 19h, có hôm chạy hàng phải làm đến 20h30. Mỗi tháng nghỉ 4 chủ nhật. Nếu không tăng ca thì lương chỉ khoảng 4,8 triệu, nghỉ một ngày trừ các khoản (lương, tiền chuyên cần) là 300 nghìn nên hầu như không ai dám nghỉ, ốm nhẹ cũng cố đi làm. Tình cảm họ hàng phai nhạt vì có đám cưới xin vào ngày thường không tham gia được, ở quê đám xá chủ yếu họ hàng cùng tập trung làm giúp. Con cái phụ thuộc hoàn toàn vào ông bà nội ngoại.
Chưa kể trong công việc bị áp lực đuổi hàng, hối hàng, bữa cơm công nhân ăn mà vẫn thấy lo. Đầu năm 2014 bố tôi bị tai nạn, không có người đưa đón con đi học, tôi đành xin nghỉ làm. May sao có đợt thi tuyển công chức nên tôi tập trung ôn thi. Sau 5 tháng học thi và đợi kết quả, tôi trở thành công chức cấp xã, vị trí văn phòng thống kê.
Tại nơi tôi làm việc có bảng nội quy rõ ràng, về thời gian làm việc mùa đông và mùa hè. Mùa hè sáng từ 6h30 đến 10h30. Chiều 13h30 đến 17h30. Mùa đông sáng từ 7h đến 11h30, chiều 13h đến 16h30. Thứ bảy làm việc bình thường. Tôi thấy đa số cán bộ công chức xã này đi làm mùa hè hay đông đều từ 7 giờ, không tập trung uống nước, không ăn sáng như ở thành phố. Trưa thường về đúng giờ, buổi chiều một số phụ nữ về sớm hơn thời gian quy định vài phút, số còn lại về đúng giờ hoặc muộn hơn vì lúc đó họ mới ngồi lại hút thuốc, chuyện phiếm với nhau. Bản thân tôi vì là người địa phương khác đến làm nên luôn tuân thủ giờ giấc và công việc.
Sáng tôi đến trước 10 phút quét dọn phòng lãnh đạo, hành lang sau đó mới làm việc. Công việc tùy từng thời điểm. Có khi tập trung một vài ngày cho báo cáo, kiểm tra, hoặc vài tháng khi tổng điều tra hoặc sự kiện nào đó. Nói chung năm nào cũng vậy, công việc giống nhau.
Cũng có khi cả tuần tôi chỉ phải thống kê một vài số liệu cho báo cáo nên khá nhàn. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ rời vị trí để làm việc khác. Trong tháng nếu gia đình có công việc có thể xin nghỉ 1-2 ngày, nhưng không giải quyết hết việc tồn đọng vẫn phải đi làm cả chủ nhật là chuyện thường.
Nhiều người có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với công chức cấp xã. Họ cho rằng công chức cấp xã không cần nhiều trình độ, bằng cấp cao. Xin thưa với xã hội phát triển và dân chủ như bây giờ, công chức cấp xã là những người gần dân, nếu làm không có trình độ và kiến thức, không khéo léo có thể bị phản ảnh, thậm chí là mắng chửi, xúc phạm…
Về mức lương tôi hưởng bậc một, phụ cấp công vụ 25%, công tác phí 200 nghìn đồng, tổng nhận về 3.713.000 đồng, không có thu nhập gì khác. Trung bình mỗi tháng phải đi huyện 3 lần (cách nhà 12 km), mỗi năm xuống cơ sở 4 lần kiểm tra, liên hệ công việc…
Thỉnh thoảng hội nghị được chi kinh phí từ 30 nghìn đến 50 nghìn (cộng cả năm chắc được 500- 600 nghìn đồng). Tôi cảm thấy hài lòng về công việc của mình. Thu nhập tuy thấp nhưng tôi có thời gian cho gia đình, phù hợp với hoàn cảnh và sức khỏe của tôi. Tất nhiên không phải ai cũng thế, nhưng số công chức chạy chức quyền, làm không hết trách nhiệm chỉ là con số nhỏ. Ngành nghề nào cũng có những con sâu làm rầu nồi canh nên tôi mong mọi người hãy có cái nhìn khách quan hơn. Đây là chia sẻ rất thật từ bản thân tôi.
Tác giả: Nguyễn Phúc Phần
Nguồn tin: Báo VnExpress