Đây cũng chính là một trong những lý do khiến đến 80% du khách quốc tế không quay trở lại Việt Nam theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam tại hội thảo "Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch".
Vụ việc này cho thấy, ngành du lịch còn nhiều việc để làm để chấn chỉnh kiểu làm ăn của các công ty lữ hành du lịch và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tàu lưu trú nói riêng và các doanh nghiệp hoạt động du lịch nói chung.
Để lấy lại niềm tin cho du khách, cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc xử lý nghiêm những doanh nghiệp lữ hành du lịch, Đồng thời, rà soát, kiểm định lại chất lượng của toàn bộ tàu lưu trú và tham quan du lịch.
Thực tế, ngay sau khi du khách phản ánh trên báo Úc, Bộ VH,TT&DL và Tổng cục Du lịch đều có công văn yêu cầu xử lý nghiêm việc cung cấp dịch vụ du lịch kém chất lượng cho du khách.
Cũng rất nhanh chóng, để không làm ảnh hưởng đến địa danh du lịch nổi tiếng, cả Quảng Ninh và Hải Phòng đều tích cực vào cuộc kiểm tra. Tưởng rằng, việc xác định đơn vị phải chịu trách nhiệm là chuyện đơn giản, hóa ra lại vô cùng phức tạp khi mà hai tỉnh Hải Phòng – Quảng Ninh đều khẳng định tàu Hoàng Phương 16 (con tàu được nhắc tới trong bài viết của du khách Úc) đều không hoạt động trên địa phận mình quản lý? Và tất nhiên, kiểu xử lý lạ lùng này gây thất vọng khi các cơ quan quản lý ngành du lịch tích cực vào cuộc, địa phương cũng tích cực vào cuộc nhưng lộ trình tàu đưa du khách Úc tới chuyến “du lịch ác mộng” vẫn là một bí ẩn.
Thật ra, không khó để các cơ quan chức năng của Hải Phòng hay Quảng Ninh xác định lộ trình con tàu này, bởi khách qua cảng Tuần Châu và lên tàu cao tốc thì các cấp quản lý ở đây như Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh không thể không biết. Nếu đoàn khách du lịch trên quần đảo Cát Bà thì Ban Quản lý vịnh Cát Bà nơi bán vé tham quan cũng không thể không nắm được.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì cả hai địa phương này đều phủ nhận hoạt động của tàu Hoàng Phương 16 trên địa phận của mình dù thực tế con tàu này đã chuyên chở du khách Úc khiến họ bức xúc phản ánh. Nếu để giữ gìn hình ảnh của các địa danh du lịch, các cơ quan chức năng cần quyết liệt xử lý những doanh nghiệp du lịch làm ăn bát nháo và công khai việc xử lý trước dư luận, chứ không phải kiểu “đá bóng trách nhiệm” và cho đó “không phải việc của mình”.
Tất nhiên, khi cả hai địa phương đều phủ nhận thì trách nhiệm chính lại thuộc về các cơ quan quản lý ngành du lịch như Bộ VH,TT&DL, Tổng cục Du lịch cần chỉ đạo nghiêm trong việc xử lý những doanh nghiệp lữ hành hoạt động mùa vụ gây cho du khách quốc tế có cái nhìn sai lệch về những điểm du lịch của Việt Nam khi họ bị cắt giảm chất lượng dịch vụ du lịch. Phải làm quyết liệt để không còn tình trạng khách quốc tế đến một lần ngồi ngán ngẩm…cạch đến già.