Làm sai lệch hồ sơ vụ án bị phạt bao nhiêu năm tù?

Admin
Đại diện Viện KSND TP Hải Phòng vừa tạm đình chỉ công tác 15 ngày (tính từ 18/10) để phục vụ hoạt động của Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đối với ông Nguyễn Thế Trung, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND quận Đồ Sơn, hiện đang đảm nhiệm vị trí Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bạch Long Vỹ từ tháng 9/2021.

Ông Trung bị tình nghi có dính líu đến vụ án "Làm sai lệch hồ sơ vụ việc, vụ án" liên quan đến quán karaoke Hải Sơn 86 (địa chỉ phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng).

Trước đó, ngày 13/11/2020, Công an quận Đồ Sơn kiểm tra quán karaoke nói trên và phát hiện 28 đối tượng có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy; qua test nhanh, xác định 25 đối tượng dương tính với ma túy. Tuy nhiên, tất cả các đối tượng lần lượt được về nhà và vụ việc có dấu hiệu bị làm lại hồ sơ. Bất bình trước sự việc, một cán bộ Công an quận Đồ Sơn đã làm đơn tố cáo.

Tháng 8/2021, Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao đã có Kết luận điều tra vụ án làm sai lệch hồ sơ vụ án tại Công an quận Đồ Sơn. Liên

 Cơ quan Viện KSND Tối cao làm việc tại Công an quận Đồ Sơn liên quan đến vụ việc vào tháng 7/2021. (Ảnh: Thanh Nga)

Liên quan đến vụ việc, lực lượng chức năng đã bắt giam 5 cán bộ công an gồm: Trung tá Phạm Quang Tuấn, Phó trưởng Công an quận Đồ Sơn; Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp; Trung tá Đinh Đình Việt, Đội trưởng Đội CSĐT về trật tự xã hội, kinh tế; Thượng uý Đỗ Hữu Dũng, Đội phó Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội; và Thượng uý Nguyễn Viết Công, công an quận Đồ Sơn.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật gia Nguyễn Thế Bách (Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nêu quan điểm, Điều 375 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về “Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc” có quy định như sau: Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, những người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch; Gây thiệt hại từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm.

Phạm tội dẫn đến việc kết án oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội; Làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự tự sát hoặc gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 - 15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Đáng chú ý, việc thực hiện các hành vi trên thường lén lút, không đúng với quy định về thủ tục tố tụng.

Cũng theo Luật gia Nguyễn Thế Bách, có thể hiểu làm sai lệch hồ sơ vụ án là làm cho nội dung của vụ án (hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình…) không phản ánh đúng sự thật khách quan hoặc khác đi so với những tài liệu và chứng cứ đã được thu thập trước đó, dẫn tới những đánh giá chứng cứ không chính xác và người có thẩm quyền trong tiến hành tố tụng có thể ra quyết định, phán quyết không chính xác.

Do đó, dư luận xã hội rất mong vụ việc sớm được xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội danh, đặc biệt khi những người vi phạm có kiến thức, hiểu biết, đang đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, chỉ huy trong các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật./.

Tác giả: Anh Tuấn

Nguồn tin: dangcongsan.vn