Cà phê là thức uống phổ biến của người tiêu dùng nhưng những thông tin về "cà phê hóa chất", "cà phê từ đậu nành, bắp", "cà phê không có caffeine"… thỉnh thoảng lại rộ lên khiến thị trường rúng động. Vụ "cà phê pin" vừa qua tuy đã được xác định không có liên quan đến chế biến cà phê nhưng một số người tiêu dùng vẫn nghi ngại thức uống này vì liên tưởng đến những thông tin cà phê bẩn trước đó.
Thiếu quy chuẩn
Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê - Ca cao, cho biết cà phê Việt Nam xuất khẩu luôn bảo đảm chất lượng nhưng thị trường trong nước lại có những trường hợp "làm bậy làm bạ".
Theo ông Vinh, tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) nêu rõ cà phê bột (sản phẩm dễ bị độn) yêu cầu nguyên liệu là từ cà phê nguyên chất. "Tuy nhiên, TCVN là tự nguyện, không bắt buộc cơ sở áp dụng. Hơn nữa, đối với việc độn thêm bắp hay đậu nành, Bộ Y tế vẫn chưa đánh giá nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới nên chưa có cơ sở để xác định tỉ lệ pha trộn nào là hợp lý" - ông Vinh nêu thực tế.
Vụ "cà phê pin" phần nào khiến người tiêu dùng e dè đối với cà phê rang xay Ảnh: CAO NGUYÊN |
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2013, Bộ Y tế đã chủ trì xây dựng dự thảo về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm cà phê. Theo dự thảo này, cà phê được phân ra 6 loại: cà phê nguyên chất, cà phê hỗn hợp, cà phê tách caffeine, cà phê hòa tan, cà phê hòa tan hỗn hợp và cà phê hòa tan hỗn hợp tách caffeine. Đáng chú ý là khái niệm "cà phê hỗn hợp" quy định thành phần cà phê không ít hơn 20% được cho là "hợp pháp" cho các loại cà phê trộn ngũ cốc phổ biến trên thị trường hiện nay.
Theo ông Vinh, quy chuẩn cà phê chưa ban hành được là do chưa thống nhất, còn nhiều ý kiến rất khác nhau. Do đó, Chính phủ đang giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng dự thảo mới. Ông Vinh cho rằng việc ban hành quy chuẩn cần tính toán phù hợp thực tiễn, bảo đảm khả thi, không ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu thụ cà phê. Bởi lẽ, nếu nâng chuẩn cao sẽ dẫn đến nhiều sản phẩm không đạt, phải xử lý. "Trong thời gian tới, Hiệp hội Cà phê - Ca cao sẽ làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ để sớm ban hành quy chuẩn áp dụng bắt buộc cho ngành cà phê" - ông Vinh nói.
Tràn lan thêm bắp, đậu nành
Theo giới kinh doanh, gu của người tiêu dùng Việt Nam phần lớn là cà phê hỗn hợp, không phải cà phê nguyên chất. Đại diện một hãng cà phê đa quốc gia từng công bố tại một hội thảo về tỉ lệ tiêu thụ cà phê nguyên chất tại Việt Nam của hãng là dưới 10%. Tuy nhiên, các hãng sản xuất cà phê hiếm khi công khai tỉ lệ bắp, đậu nành trên sản phẩm vì sợ người tiêu dùng kỳ thị. Trong khi đó, quy định về ghi nhãn hàng hóa của Việt Nam cũng chưa yêu cầu.
Một cán bộ quản lý thị trường từng kiểm tra các cơ sở rang xay thừa nhận không thể phạt việc trộn bắp, đậu nành vào cà phê vì luật không quy định. "Chỉ phạt được nếu có trộn bắp, đậu nành nhưng cơ sở ghi trên nhãn là 100% cà phê hay cà phê nguyên chất do ghi nhãn sai sự thật" - vị này nói.
Trước đó, trong một văn bản trả lời các địa phương về kiểm tra chất lượng cà phê, Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Nafiqad) nêu rõ bắp, đậu nành… trong cà phê được xem là chất độn. "Về nguyên tắc, để tạo hương vị riêng, cơ sở có thể bổ sung các thành phần khác như đường, bột - carbohydrate, chất béo - lipid... (có thể từ bắp, đậu nành) vào sản phẩm cà phê. Tuy nhiên, trước khi đưa ra thị trường lưu thông bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện là nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm và phải công bố tiêu chuẩn sản phẩm với thành phần như đã đưa vào chế biến (cà phê, bắp, đậu nành, đường…)" - văn bản giải thích.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, đối với các cơ sở, nhà sản xuất có đăng ký, có sự kiểm soát đều phải khai báo toàn bộ quy trình chế biến, tỉ lệ sử dụng đậu nành, bắp (nếu có) với cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, thông tin này có thể không được thể hiện đầy đủ trên nhãn sản phẩm nhưng về cơ bản, sản phẩm là an toàn, người tiêu dùng có thể yên tâm.
"Vấn đề là trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm cà phê không được đăng ký chất lượng từ các cơ sở sản xuất chui. Những cơ sở này không chịu sự quản lý dẫn đến những hành vi pha trộn nhiều tạp chất, hóa chất tạo rủi ro rất lớn cho người tiêu dùng. Cơ quan quản lý chất lượng cần vào cuộc kiểm tra các quán cà phê cóc, các điểm rang xay không phép để giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng" - ông Nam kiến nghị.