Lao động Việt ở Đài Loan: Nước mắt nơi đất khách

Lợi Trần
Để có được thu nhập ổn định và đủ tiền gửi về, thu vén cho gia đình, không ít người lao động Việt phải cắn răng nhẫn nhục làm việc và đánh đổi không ít máu và nước mắt.
Chị Vĩnh đã trải qua nhiều tháng ngày cay đắng nơi đất khách - ẢNH: LUCY NGUYỄN
Tan vỡ hạnh phúc gia đình

Chị Vĩnh (41 tuổi, quê Hải Dương), đã có 2 con (một trai 24 tuổi và một gái đang học lớp 10), buồn rầu tâm sự sau 3 năm đầu vất vả giúp việc gia đình tại Đài Loan, chị thu vén đủ tiền gửi về gia đình chồng để xây được căn nhà khang trang.

Từ căn nhà tranh vách đất, mỗi khi mưa lại dột hết nhà, đổi sang căn nhà gạch mái ngói ấm áp khiến không ít người ghen tị, nói xấu. Những người trong họ hàng cũng đánh tiếng ngờ vực, đi giúp việc gia đình tại Đài Loan sao lại có thể kiếm được nhiều tiền như thế, trong khi tiền công đi làm xây dựng trong nước chỉ được 70.000 đồng/ngày.

Do xa vợ lâu ngày, chồng chị không chịu nổi cô đơn, đã quan hệ ngoài luồng với không ít phụ nữ, gây thêm nhiều điều tiếng trong làng xóm. Người chồng còn ngang nhiên đưa người phụ nữ khác về chính căn nhà mà chị lăn lộn xứ người mới gầy dựng được.

Về nước, chị càng chán nản hơn khi phải nghe nhiều lời đàm tiếu về chồng mình. Sau một năm sống chịu đựng trong áp lực, chị Vĩnh quyết định sang Đài Loan đi lao động tiếp đợt 2, tìm kiếm số vốn khác để về nước mua đất đai sống riêng sau này. Do nôn nóng muốn đi nhanh, chị bị lừa phải chịu phí môi giới cao, mất tới 7.800 USD.

Khóc ròng nơi đất khách

Sang Đài Loan với một chữ tiếng Hoa bẻ đôi không biết, chị Vĩnh cũng như phần lớn người Việt khác mới sang đều chỉ biết nhẫn nhịn làm việc, dù công việc vất vả tới mấy cũng không biết cách nói và phản ứng lại với chủ ra sao. Thời gian đầu khi chưa phổ cập internet, việc liên hệ về nhà qua điện thoại còn đắt đỏ, nhiều lao động Việt rất thiếu tình cảm.

Nhiều người chỉ biết khóc thầm vào đêm khuya sau khi cả nhà chủ đã ngủ say. Người nào may mắn gặp chủ nhà tốt thì đỡ, còn người nào không may gặp phải chủ tồi thì chỉ biết khóc.

Chị Vĩnh từng có những ngày tháng phải phục vụ cả đại gia đình lên tới hơn 10 người, dù trong hợp đồng lao động không như vậy. “Phần lớn người trong nhà bà chủ đều là thanh thiếu niên. Chúng rất nghịch. Chỉ riêng phục vụ họ suốt ngày như vậy đã đủ mệt. Bố của chủ nhà, trên 85 tuổi, rất khó tính, ăn trưa phải đúng 12 giờ, ăn tối phải đúng 7 giờ. Thức ăn phải đủ các món mặn, rau canh, thiếu món nào, ông sẽ tức giận ngay. Nếu tôi bưng cơm từ lầu 1 lên lầu 3 nơi ông ở, sớm có 3 phút, ông cũng không ăn, còn mắng nhiếc. Nhưng tôi bưng cơm lên muộn 5 phút, ông sẽ tức giận hất ngay mâm cơm, ném đồ ăn”, chị Vĩnh kể.

Chủ nhà còn cương quyết không cho chị Vĩnh được gặp em gái, dù em gái đến tận nhà chủ để thăm sau nhiều năm không gặp.

Chị Hoa, một giúp việc khác, than vãn chỉ vì nghi ngờ bị mất đồng hồ đeo tay, bà chủ nhà đã mắng chửi và nhẫn tâm đuổi chị ra ngoài trong mùa đông giá rét. Tiếng Hoa không đủ giỏi để thanh minh, đập cửa mãi bà chủ không chịu mở, chị Hoa chỉ biết đứng khóc ngoài cửa trong đêm. Nhờ hàng xóm can thiệp, chị Hoa mới được mở cửa cho vào nhà, và chỉ được chủ cải thiện thái độ đối xử khi tự tìm ra chiếc đồng hồ.

Nhiều giúp việc người Việt đều xác nhận chủ nhà người Đài Loan khi thuê được giúp việc người Việt thì họ đều rất mừng vì có thể nhồi nhét làm nhiều thứ mà lao động Việt ít kêu ca do kém về ngôn ngữ bản địa, phần lớn đều gắng chịu làm hết 3 năm hợp đồng để có tiền trả nợ môi giới. Nhiều người giúp việc phải làm quần quật từ sáng đến đêm, với đủ công việc không tên, từ nấu nướng giặt giũ, tới chăm sóc người già trẻ nhỏ.

Chị Hương (quê Nam Định) cho biết ngoài lo việc nhà chủ, chị còn bị chủ giao thêm việc nấu nướng ngày 3 bữa cho 10 nhân viên bán hàng của chủ, nhưng lương không hề được tăng thêm. “Tôi phải nấu nướng làm việc không ngơi tay. Hết nấu cơm nhà lại đến cơm thợ.

Mùa đông thì đỡ hơn, chứ mùa hè cứ phải ngồi rửa cả chậu ngập bát đũa và các hộp cơm, mùi cơm thừa bốc lên chỉ muốn ói”, chị Hương kể. Đã vậy, chị Hương còn bị chủ nhà quỵt tiền làm thêm dù đã hứa sẽ trả khi giao thêm việc.

 
Chị Vĩnh kể: “Nhiều lúc tay xách nách mang đi trong ga tàu điện ngầm sau khi tan ca về mỗi đêm, nhìn mọi người đi lại tấp nập trong ga, lòng chán chường chỉ muốn vứt hết mọi thứ, bỏ cuộc đi về nước, rũ bỏ mọi gánh nặng và áp lực. Nhưng rồi lại cắn răng vượt qua, tiếp tục ở lại làm. Nhiều người trong nước không hiểu, cứ cho rằng lao động ở Đài Loan sướng lắm, nhàn nhã và kiếm được nhiều tiền lắm nên nhiều người như chúng tôi ở lại, không về. Có ai biết chúng tôi phải trải qua những ngày tháng cay đắng và gian truân ra sao”.

Tác giả bài viết: Lucy Nguyễn (từ Đài Bắc)

Nguồn tin: