![]() |
Hiện có tới 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc các lĩnh vực gia công, lắp ráp, chủ yếu sử dụng lao động là trình độ thấp. Ảnh: Hương Dịu. |
Phải chủ động thay đổi
Đánh giá về thị trường lao động trước làn sóng 4.0, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm giám đốc Văn phòng giới sử dụng Lao động cho rằng, tại Việt Nam, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm tăng cường tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có cơ sở để nhìn nhận cụ thể, đánh giá cách mạng công nghiệp 4.0. Tất cả những gì người dân biết về cuộc cách mạng này đều dựa trên lợi thế hạ tầng internet, hạ tầng viễn thông của đất nước.
Trên thực tế Việt Nam đang rất thiếu những cơ sở cần thiết để sử dụng và đào tạo lao động trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Hiện có tới 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc các lĩnh vực gia công, lắp ráp, chủ yếu sử dụng lao động là trình độ thấp.
Phần nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sử dụng công nghệ 2.0, một số đang ở trong giai đoạn giữa 2.0 và 3.0. Có 95% doanh nghiệp Việt Nam dùng internet nhưng 60% trong số đó gặp khó khăn khi ứng dụng internet vào các hoạt động.
Bất cập hiện nay của các doanh nghiệp là không đủ khả năng số hóa, ứng dụng dữ liệu lớn vào phân tích, thiết kế, sâu chuỗi thành những chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, lao động phổ thông là đối tượng rất khó chuyển đổi để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0. Vì thế, lao động Việt Nam sẽ bất lợi trước cuộc cách mạng 4.0 nếu không có đổi mới gắn kết giữa công nghệ và nhân lực để thích ứng với việc làm công nghệ cao.
Quay trở lại với câu chuyện trình độ, tại các cuộc thi toán, vật lý, hóa học... trên thế giới, học sinh sinh viên Việt Nam không hề thua kém các sinh viên nước khác về trình độ kiến thức thế nhưng nếu so sánh về việc vận dụng kiến thức trong công việc và sự thích nghi với môi trường làm việc thì Việt Nam lại rất thua kém. Đây cũng là một điều bất lợi lớn của lao động Việt Nam bởi lao động Việt Nam vẫn lệ thuộc quá nhiều vào sách vở mà thiếu thực hành.
Theo ông Phạm Đức Thắng, đại diện Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, việc đào tạo lao động của các trường nghề luôn là thách thức không chỉ trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Nguyên nhân vì các nhà trường không thể có những máy móc hiện đại mà doanh nghiệp đang sử dụng. Vì vậy, rất cần sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để đào tạo tay nghề cho học viên. Mặt khác, các nhà tuyển dụng cũng phải ra được yêu cầu rõ ràng về chất lượng lao động trong quá trình hợp tác đó.
Đi tắt đón đầu
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cuộc cách mạng 4.0 là quá trình đan xen các công nghệ mới trong nền sản xuất chứ không phải là thay thế hoàn toàn máy móc tự động hóa với con người.
Sử dụng robot, các nhà máy sẽ giảm thiểu được các lao động nặng nhọc, độc hại, vì thế, phải đào tạo được công nhân biết sử dụng vận hành robot. Riêng với ngành dệt may, máy may công nghiệp cũng chưa thể thay thế hoàn toàn được công nhân và điều đó vẫn là lợi thế của Việt Nam. Tuy nhiên, bản thân lao động cũng cần phải có sự chủ động trong việc tiếp nhận học hỏi các kiến thức mới để phù hợp hơn với công việc.
Tiến sĩ Lê Anh Vinh (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng đến năm 2030, hầu hết các nước trên thế giới đều phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, nhất là những lao động có tay nghề cao. Người lao động trong tương lai cần kết hợp được nhiều yếu tố: Giao tiếp đa phương tiện, trách nhiệm xã hội, tính đa ngành và liên ngành, trí tuệ nhân tạo và máy móc điện tử, kết nối quốc tế, phát triển bền vững...
Trước yêu cầu mới này, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục để nâng cao khả năng cho lao động, trong đó việc đào tạo cần tập trung giúp cho trẻ yêu thích và học cách học, biết giao tiếp và cộng tác, xử lý những vấn đề phức tạp, có tư duy cởi mở.
Bên cạnh đó, người lao động phải chấp nhận học suốt đời còn doanh nghiệp phải tổ chức lại hệ thống đào tạo lại cho lao động của mình. Có như vậy, người lao động mới thích ứng và gia nhập được vào làn sóng 4.0.
Tác giả: Xuân Thảo
Nguồn tin: Báo Hải quan