Lấy máu lươn trị mụn: Cách làm đẹp rùng mình

Admin
Gần đây, những người mặt hay bị mụn đang truyền tai nhau thông tin về một sản phẩm “diệu kỳ” có thể trị được tất cả các loại mụn như mụn bọc, mụn đỏ, mụn cóc,... Sản phẩm được quảng cáo là máu tươi của con lươn trộn lẫn các vị thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Tại các diễn đàn, hội, nhóm liên quan đến sắc đẹp trên mạng xã hội, chị em đang bàn tán xôn xao về một sản phẩm mới, được cho là đặc biệt hiệu quả gọi là “máu lươn trị mụn”. Chỉ cần dùng 1 đến 2 lần, mụn đã giảm dần. Dùng tới lần thứ 5 hoặc lần thứ 10, làn da sẽ sáng láng và mịn màng như da con lươn.

Trong vai trò là bệnh nhân bị mụn đỏ, người viết tìm tới đại lý chuyên cung cấp máu lươn trị mụn một trên trang facebook. Tại đây, những thông tin về sản phẩm, phản hồi của khách hàng đã sử dụng được đại lý liên tục cập nhật để tạo niềm tin cho khách hàng.

 Chủ cửa hàng quảng cáo đã bán được cả nghìn ống máu lươn như thế này

Theo thông tin trên facebook, đại lý này có địa chỉ ở quận Thủ Đức, TP.HCM, với 6 chi nhánh bán hàng trên toàn quốc.

Sản phẩm là máu lươn có màu đỏ sậm, đựng trong ống có chứa khoảng 10ml và bán với giá 90.000 đồng/ống. Nếu khách hàng mua từ 20 ống trở lên được tính giá sỉ là 60.000 đồng/ống. Mỗi ống sử dụng được trong vòng 2 tuần và không cần bảo quản.

Khi gửi sản phẩm, mỗi túi đựng ống chứa máu lươn đều kèm theo bản hướng dẫn sử dụng của cửa hàng. Sản phẩm khi bóc ra có mùi ngai ngái, tanh và nếu ai nhạy cảm có thể nôn ngay lập tức.

Sau khi được yêu cầu gửi ảnh về tình trạng mặt mụn của mình, người bán hàng tư vấn ngay, kiểu như “mặt em mụn như thế này, nếu không chữa ngay thì chỉ một thời gian sẽ nát hết mặt. Nhưng em tìm đến chị sớm như vậy thì chữa khỏi nhanh thôi”.

Người bán hàng cho biết, sản phẩm là máu tươi của con lươn được kết hợp cùng với một số vị thuốc nam. Tuy nhiên, khi thắc mắc về nguồn gốc lươn hay địa chỉ sản xuất, người bán hàng cho rằng không thể tiết lộ vì đây là sản phẩm “độc quyền”.

Theo hướng dẫn sử dụng, máu lươn được bôi lên mặt vào buổi tối (đã được rửa sạch), trước khi đi ngủ. Khi sử dụng máu lươn, khách hàng tuyệt đối không dùng các loại mỹ phẩm khác. Nếu cảm thấy tanh và khó chịu thì có nghĩa, khách hàng hợp và sản phẩm sẽ có tác dụng nhanh.

 Không rõ người bán lấy máu lươn như thế nào, bảo quản ra sao, pha chế với các loại thuốc nam gì,... liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe và sắc đẹp của chị em?

Khi được hỏi về thời gian điều trị và khả năng khỏi bệnh hoàn toàn không, người bán hàng nhấn mạnh, khách hàng dùng sản phẩm là phải tin vào hiệu quả của nó. Tuy nhiên, hệ thống không dự đoán trước cho khách hàng, khách hàng phải sử dụng rồi mới có thể theo dõi được.

Đồng thời, người bán hàng cũng cho rằng, 100 khách hàng là 100 làn da khác nhau. Có khách dùng 5 ống là khỏi, có khách dùng 10 ống mới hết mụn. Tùy vào cơ địa của mỗi người. “Nhưng dùng xong là da em sẽ láng như da con lươn. Máu lươn trị mụn có thể để thoải mái bên ngoài và có thể dùng trong vòng 6 tháng” - người bán quảng cáo.

Trao đổi với phóng viên về sản phẩm làm đẹp máu lươn trị mụn, lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông Y Hà Nội, khẳng định, lươn không phải là một vị thuốc đông y để có khả năng chữa được các loại bệnh.

Trong đông y, một số bác sĩ chỉ dùng thịt lươn kết hợp với một số vị thuốc đông y để hỗ trợ điều trị một số trường hợp suy dinh dưỡng sau mắc các bệnh gây chán ăn, sụt cân, thiếu máu.

“Việc sử dụng máu lươn để bôi lên mặt rất dễ gây dị ứng. Vì lươn sống ở vùng ao, hồ nên khả năng nhiễm khuẩn rất cao. Trong khi đó nếu chúng ta bôi lên mặt - vùng da nhạy cảm nhất trên cơ thể có thể khiến da bị nhiễm trùng”, lương y Vũ Quốc Trung nhấn mạnh.

Đồng thời, lương y Vũ Quốc Trung cũng khuyến cáo chị em không nên sử dụng những loại thuốc không có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác rõ ràng và chưa được cơ quan y tế cấp phép.

“Hiện trên thị trường có rất nhiều loại thuốc có thể chữa được các bệnh ngoài da đã được cơ quan y tế cấp phép lưu hành, đảm bảo an toàn tại sao người dân không dùng? Sản phẩm máu lươn trị mụn không rõ nguồn gốc, hiệu quả chưa được kiểm định, thiếu an toàn thì không nên sử dụng. Cẩn thận không lợi bất cập hại”, lương y Vũ Quốc Trung nói.