Liệt mặt sau khi ngủ phòng điều hoà

Thành Trịnh
Tình huống hi hữu xảy ra với người phụ nữ 47 tuổi (Phú Thọ), bị liệt mặt do lạnh giữa thời tiết nắng nóng.

liet-mat-sau-khi-ngu-phong-dieu-hoa-3397-1719371018.png

Sau 4 ngày điều trị, tình trạng liệt mặt của bệnh nhân đã được cải thiện. Ảnh: TTYT huyện Cẩm Khê

Tình huống hi hữu xảy ra với người phụ nữ 47 tuổi (Phú Thọ), bị liệt mặt do lạnh giữa thời tiết nắng nóng. Bệnh nhân được chẩn đoán bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, bệnh hay xảy ra vào trời rét.

Tỉnh dậy sau một đêm ngủ phòng điều hòa (máy lạnh), bệnh nhân phát hiện mắt phải nhắm không kín, miệng méo sang trái, ăn uống rơi vãi. Đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) khám, chị được chẩn đoán liệt mặt phải do lạnh.

Sau 4 ngày điều trị, tình trạng liệt mặt của bệnh nhân đã được cải thiện, nhưng chưa phục hồi hoàn toàn.

Giải thích về hiện tượng này, bác sĩ CKI Phạm Anh Hùng, Trưởng khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng cho biết, nguyên nhân chủ yếu gây liệt mặt ngoại biên là do lạnh.

Bởi, dây thần kinh số 7 ngoại biên nằm sát với bề mặt da nên rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu gặp lạnh đột ngột, mạch máu nuôi sẽ co lại gây tổn thương thần kinh số 7 ngoại biên. Chỉ mất vài giây khi tiếp xúc với nguồn lạnh là mọi người cũng đã có thể mắc bệnh.

Bác sĩ Hùng khuyến cáo, vào mùa Hè, mọi người không nên mở điều hòa quá lạnh. Cần giữ ấm đầu, mặt, cổ, tránh gió lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột. Đồng thời, không tắm quá khuya.

Khi cho trẻ nhỏ ra ngoài trời vào lúc sáng sớm hoặc đêm muộn, cần mặc ấm, quấn khăn, đội mũ cho bé, chỉ chơi trong thời gian ngắn. Tránh cho trẻ ngồi nơi gió lùa, đi đường xa phải che ấm hàm, đeo khẩu trang. Không nên cho trẻ ngồi phía trước xe máy.

Theo các chuyên gia, nhóm có nguy cơ cao bị bệnh liệt dây thần kinh số 7 là người có hệ miễn dịch bị suy giảm và sức khỏe yếu, phụ nữ có thai, người thường xuyên trải qua tình trạng căng thẳng, thức khuya, người hay uống rượu bia, người có tiền sử với bệnh xơ vữa động mạch, huyết áp, người hay phải đi sớm về khuya…