Livestream "bóc phốt" trên mạng: Tự do ngôn luận nhưng đừng quá đà!

Admin
Nhìn nhận từ việc các cá nhân tổ chức livestream gần đây, luật sư cảnh báo, nếu ai đó thực hiện quyền tự do ngôn luận quá đà làm xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý.

Thời gian gần đây có nhiều "hiện tượng mạng" nổi lên chỉ với vài lần livestream nội dung chửi bới, "bóc phốt", gây phản cảm và bị dư luận phản ứng.

Thực tế hiện nay ngày càng nhiều cá nhân lợi dụng mạng xã hội để tự do chửi bới, cho mình cái quyền phán xét, nhục mạ, công kích người khác nếu không vừa ý. Chỉ cần gõ từ khóa "livestream chửi nhau", "thánh chửi", "livestream bóc phốt",… trên google sẽ ra hàng triệu kết quả khác nhau.

 Ngày 28/5, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội.

Liên quan đến nội dung này, trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc các cá nhân livestream đăng tải những video có nhiều nội dung tiết lộ bí mật đời tư, những thông tin liên quan đến người khác với nhiều ngôn từ mang tính chất kích động, xúc phạm danh dự, nhân phẩm trong khi không đưa ra được bất kỳ những bằng chứng, chứng cứ cụ thể thì rõ ràng là hành vi có dấu hiệu của việc xâm phạm quyền cơ bản của con người đã được pháp luật hiến định.

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định rất rõ "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm".

Tiếp theo, Điều 21 Hiến pháp 2013 cũng quy định "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn".

"Theo những quy định nêu trên, có thể hiểu đơn giản rằng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật của mỗi cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, đưa thông tin gây ảnh hưởng xấu đến người khác đều bị coi là hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Trần Tuấn Anh phân tích.

Vị luật sư phân tích tiếp, người vi phạm có nghĩa vụ phải cải chính thông tin, công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có). Bên cạnh những chế tài dân sự, người thực hiện hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, đưa những thông tin chưa được kiểm chứng mà có tính chất nguy hiểm cho xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể phải gánh chịu những chế tài của pháp luật hình sự về tội xâm phạm bí mật riêng tư của người khác, tội vu khống hoặc làm nhục người khác.

Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, môi trường mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, bất kỳ ai cũng có thể tự do chia sẻ thông tin, hình ảnh, clip, bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân của mình về mọi vấn đề của đời sống xã hội, đây là quyền tự do ngôn luận được pháp luật công nhận.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, Việt Nam hay bất kỳ đất nước nào trên thế giới cũng đều quy định quyền tự do ngôn luận như một trong những quyền không thể thiếu ở quyền con người nhưng không phải một loại quyền tuyệt đối. Theo đó, quyền tự do ngôn luận chỉ được chấp thuận, tôn trọng và bảo vệ ở một mức độ, khuôn khổ nhất định để đảm bảo trật tự xã hội được duy trì ổn định.

"Việc lạm dụng quá mức quyền tự do ngôn luận hoàn toàn có thể xâm phạm quyền riêng tư, ảnh hưởng đến cuộc sống, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và các cá nhân khác, những hành vi này đều sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật", luật sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến câu chuyện này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đưa ra cảnh báo, nếu ai đó thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách quá đà, quá giới hạn, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc quyền lợi của Nhà nước thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh như: Tội vu khống; làm nhục người khác; Chuyển hoặc đưa trái phép thông tin lên mạng máy tính, mạng viễn thông; tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...

Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, tình trạng tự do ngôn luận quá đà khi thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng xã hội đang gây nên những hệ lụy tiêu cực cho xã hội, ảnh hưởng đến môi trường mạng.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, đó chính là một phần nguyên nhân dẫn tới hiện tượng nói tục, chửi bậy, chửi bới lẫn nhau ngày càng phổ biến trên không gian mạng. Đặc biệt là hiện tượng thách đố nhau tìm ra thông tin, tìm cách xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, để đánh cắp dữ liệu, xúc phạm danh dự dần trở nên phổ biến. Những điều này làm ảnh hưởng xấu đến an ninh xã hội, thuần phong mỹ tục.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo Dân trí