Lo lắng chất lượng nước từ Nhà máy nước mini ở Hải Phòng

Admin
99% người dân nông thôn ở Hải Phòng được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, có lo ngại về chất lượng nguồn nước do các nhà máy nước mini cung cấp.

Thành phố Hải Phòng hiện có trên 130 nhà máy nước mini hoạt động, cung cấp nước sinh hoạt và ăn uống cho hàng chục vạn người dân tại các vùng ngoại thành, nông thôn. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng Hải Phòng, 99% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch.

Huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng) có gần 20 nhà máy nước mini, trong đó 15 nhà máy đang hoạt động, phần lớn khai thác nguồn nước thô từ hệ thống các công trình thủy nông. Cũng như nhiều người dân Kiến Thụy, bà Phạm Thị Dung ở thôn Xuân Chiếng, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy rất lo ngại về chất lượng nước của nhà máy nước mini tại địa phương mình.

 Đa số nhà máy nước mini ở Hải Phòng đều lấy nước nguồn từ kênh cấp 1, thậm chí là cả mương nội đồng.

“Bãi rác thôn Du Lễ cách nhà máy nước 200m. Nếu nguồn nước này thẩm thấu xuống lòng đất, mức độ ảnh hưởng đến đâu, chúng tôi không biết được nhưng trực quan thấy nó ảnh hưởng đến nguồn nước”- bà Dung nói.

Không chỉ người dân Kiến Thụy nghi ngại về chất lượng nước của các nhà máy nước mini, nỗi lo này cũng là của chung nhiều người dân các huyện thành Hải Phòng như: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, An Dương....

Chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn Bách Phương 2, xã An Thắng, huyện An Lão chia sẻ, nhiều lần xả nước ra chậu, thấy rất nhiều cặn, nước màu trắng đục.

“Mình thấy nước không đảm bảo nên phải sắm bể chứa nước mưa, ăn uống thì lấy nước mưa. Nhà máy nước mini phải nâng cao chất lượng nước để đảm bảo sinh hoạt cho người dân. Bây giờ nhiều nhà máy, xí nghiệp, không khí ô nhiễm nên nước mưa cũng không hoàn toàn là sạch”- chị Thủy cho biết.

Những lo lắng của người dân là hoàn toàn có căn cứ bởi tất cả những nhà máy nước mini đang cung cấp nước sinh hoạt và ăn uống cho hàng chục vạn người dân đều được xây dựng từ những năm 2000 theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Cuối năm 2017, Trung tâm Y tế Dự phòng (Sở Y tế Hải Phòng) đã tiến hành lấy mẫu và đánh giá chất lượng nước các nhà máy nước mini. Chỉ có hơn 1 nửa trong số 132 nhà máy có mẫu nước đạt 14 tiêu chí kỹ thuật về nước sinh hoạt (QCVN 02). Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đồng Trung Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (Sở Y tế Hải Phòng), có nhiều nguyên nhân khiến chất lượng nước của các nhà máy nước mini không đảm bảo.

“Đa số trạm cấp nước nông thôn ở Hải Phòng đều lấy nước nguồn là nước bề mặt, tức là kênh, rạch, mương thủy lợi. Một số khu vực như huyện Tiên Lãng chủ yếu lấy từ kênh nội đồng. Hệ thống xử lý lại được thiết kế từ năm 2002, rất lạc hậu, đơn giản. Với hệ thống nước đầu vào như vậy, hệ thống xử lý như vậy thì chất lượng nước đầu ra tất nhiên là không đạt”- ông Đồng Trung Kiên cho biết.

 Một nhà máy nước mini ở huyện Kiến Thụy đã bị dừng hoạt động do không đủ năng lực cung cấp nước sạch cho nhân dân.

Không an tâm sử dụng nước từ các nhà máy nước mini, người dân khu vực nông thôn Hải Phòng mong muốn được sử dụng nước từ nguồn cấp nước sinh hoạt đô thị hoặc các nhà máy nước có quy mô lớn như của Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng, với nguồn nước được kiểm định hàng tuần, đáp ứng 109 tiêu chí dành cho nước ăn uống (QCVN01). Tuy nhiên, nguyện vọng này không được đáp ứng.

“Quy định của Nghị định 117, liên quan đến khu vực cấp nước chỉ có một đơn vị phục vụ thôi. Vì các xã này đang có nhà máy nước mini cung cấp nên Công ty cấp nước Hải Phòng không vào được. Về quan điểm, theo nguyện vọng cử tri, có thể cấp song song. Bây giờ kinh tế thị trường, phải cạnh tranh mới có chất lượng”- Ông Nguyễn Hữu Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Thụy lý giải.

Thành phố Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn bộ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ăn, uống. Để hoàn thành mục tiêu này, đòi hỏi thành phố sớm rà soát, quy hoạch và nâng cấp các nhà máy nước mini, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn chất lượng cho khu vực nông thôn, đáp ứng nguyện vọng cần thiết và chính đáng của người dân./.